Những điều “bắt chạch đẻ ngọn đa” trong giáo dục không khó tìm, nhưng cũng may nó chỉ diễn ra ở những nơi, những lĩnh vực không tác động đến toàn cảnh nền giáo dục. Cách đây không lâu, có nhiều người đặt nghi vấn: Bắt học sinh cấp 3 học tích phân, vi phân để làm gì?
Thực sự rất khó để chứng minh ở lứa tuổi ăn học và chơi cần những môn toán khó ấy để làm gì, khả dĩ tích phân và vi phân chỉ có tác dụng với những người nghiên cứu khoa học, cần tính toán chính xác diện tích những khối hình phức tạp mà công thức bình thường không có tác dụng.
Có thể hiểu đơn giản tích phân như là diện tích hoặc diện tích tổng quát hóa. Giả sử cần tính diện tích một hình phẳng được bao bởi các đoạn thẳng, ta chỉ việc chia hình đó thành các hình nhỏ đơn giản hơn và đã biết cách tính diện tích như hình tam giác, hình vuông, hình thang, hình chữ nhật...
Tiếp theo, xét một hình phức tạp hơn mà nó được bao bởi cả đoạn thẳng lẫn đường cong, ta cũng chia nó thành các hình nhỏ hơn, nhưng bây giờ kết quả có thêm các hình thang cong. Tích phân giúp ta tính được diện tích của hình thang cong đó.
Cũng như thế, với môn Hóa Học nhiều ý kiến còn “thực dụng” hơn, học Hóa để làm gì với đời sống thường nhật? Chẵng lẽ ra quán nước kêu chủ quán cho 1 ly H2O có pha CH3COOH (axit Chanh) cộng thêm tí NaCl (Muối) với nồng độ vừa phải!
Đó chỉ là câu chuyện vui, song vấn đề đặt ra ở đây là tính hiệu quả của tri thức, tích phân, vi phân, hóa học… vẫn rất cần với loài người nhưng không phải người nào cũng cần đến nó.
Một khóa đào tạo cử nhân Triết học có đầy đủ các môn như kiểu “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”. Kết quả hết 90% sinh viên vật vã với môn Toán cao cấp, môn Vật lý, Tin học…
Vậy nên việc phân ban từ cấp 3 là chủ trương đúng để xác định “khoanh vùng” sở trường từng học sinh, giỏi Lịch sử sau này sẽ trở thành nhà sử học, giỏi Toán sau này sẽ là chuyên gia công nghệ, kỹ thuật… Như thế sẽ tạo ra đội ngũ nhân tài mà không phải “phiên ngang” một cách vô lý và khiên cưỡng.
Nhưng mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn khi mà mùa tuyển sinh năm nay “thả cửa” điều kiện sàng lọc đầu vào. Đó là những hiện tượng “tréo ngoe”, nghịch lý như ngành “Công nghệ kỹ thuật ôtô”, “Công nghệ chế tạo máy”, “Công nghệ kỹ thuật xây dựng”, “Công nghệ thông tin”, “Kế toán”, “Tài chính ngân hàng”… đều xét tuyển theo tổ hợp các môn thuộc khối Văn - Sử - Địa. Ngành Văn học bằng các tổ hợp khối C như thường thấy, có trường lại xét tuyển bằng cả tổ hợp Toán, Lý, Hóa.
Vậy nên mới có chuyện xuất hiện những tổ hợp khá lạ lùng như “Văn, Lý, Địa”, “Văn, Hóa, GDCD”, “Toán, Sử, Địa”… Không hiểu các trường ĐH khi “sáng tạo” ra các tổ hợp này, dựa trên tiêu chí, yêu cầu nào.
Tuyển sinh kiểu này giống như môn toán Tổ hợp với đề bài: từ 9 môn học cơ bản bạn có thể tạo ra được bao nhiêu khối có 3 môn học? Xin thưa, có đến hàng ngàn khối như thế.
Tuyển sinh là việc của các trường, đủ dũng cảm học hay không là bản lĩnh của người học, nhưng giáo dục đại học là nơi trực tiếp đào tạo nguồn lực cho xã hội. Việc tuyển sinh như “râu ông nọ cằm bà kia” sẽ không mấy tác dụng. Những học sinh chỉ khá ban C không bao giờ “dám” đụng vào khối như “Văn, Lý, Địa”, “Toán, Sử, Địa”…
Không nhiều người để ý vì sao khối D, “Toán, Văn, Anh” lại ít ngành học và ít trường chuyên lĩnh vực này. Vì giỏi Toán thì sẽ “được” Lý và Hóa chứ chưa chắc đã thích Văn và ngoại ngữ, mà giỏi Văn thì hiếm khi giỏi Toán và Anh văn…