Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều trường phải điều chỉnh chương trình đào tạo

TP - Từ năm 2025, học sinh vào đại học với phông nền kiến thức được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Số lượng môn học thay đổi, kiến thức nền thay đổi đòi hỏi các trường đại học phải điều chỉnh chương trình đào tạo đại cương.

Lúng túng

Năm học 2024-2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (9 năm học chương trình cũ và 3 năm học chương trình mới) - bước vào đại học (ĐH). Ở bậc THPT, theo chương trình 2018, học sinh được chọn 4 môn học ngoài 6 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng An ninh. Trước đây, học sinh phải học đồng nhất 13 môn, nay chỉ còn 10 môn.

Năm 2025, sinh viên vào đại học với phông nền kiến thức được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Ảnh: NGHIÊM HUÊ

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ- ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhà trường đặc biệt yêu cầu cao về năng lực tư duy khoa học tự nhiên. Ban giám hiệu nhận được một số đề xuất tư vấn tuyển sinh tổ hợp có môn học mới. Một số giáo sư ở trường quyết liệt yêu cầu phải tuyển thí sinh thi tổ hợp có môn Tin học, nhưng buộc phải cân nhắc vì chưa rõ môn học này được dạy ra sao ở bậc phổ thông. Có người đề xuất tuyển tổ hợp có môn Công nghệ. Tuy nhiên, ở phổ thông, môn học này mới dừng lại ở việc giới thiệu, làm quen để tạo động lực cho học sinh, chưa đạt được mức tư duy về công nghệ nên không gắn với các bài toán của ngành kĩ thuật.

Các trường ĐH có hai hướng tiếp cận: từ đầu ra mà bậc phổ thông tuyên bố hoặc dựa trên đo lường thực sự. Nếu sử dụng cách thứ 2, kì thi tốt nghiệp sắp tới là kết quả đầu tiên. Ông Trình cho hay, Trường ĐH Công nghệ đã thử nghiệm ở nhóm học sinh trường chuyên và không có sự khác biệt so với học sinh học chương trình cũ. Tuy nhiên mẫu số này không đủ rộng để bao quát chất lượng đào tạo theo chương trình 2018.

Việc thay đổi chương trình ở bậc ĐH bao gồm thay đổi phương pháp giảng dạy và thay đổi chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra. Do tính quan trọng của việc thay đổi chuẩn đầu vào, đầu ra nên Trường ĐH Công nghệ chưa thể có câu trả lời trong giai đoạn này. Nhưng từ kinh nghiệm của việc điều chỉnh phương án tuyển sinh, ông Chử Đức Trình cho rằng, cần có thời gian để đánh giá. Minh chứng rõ nhất là khi ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kì thi đánh giá năng lực (lần đầu tiên năm 2014), các trường ĐH trực thuộc rất băn khoăn chất lượng tuyển sinh đầu vào bằng kết quả kì thi này. Nhưng sau 4 năm, kết quả đầu ra không khác biệt, nên các trường yên tâm sử dụng.

Nhóm trường nào phải điều chỉnh?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, do đặc thù đào tạo thiên về tư duy tự nhiên nên vừa qua Hội đồng đào tạo đã họp và có hướng điều chỉnh một số môn học chương trình đại cương. Những điều chỉnh này căn cứ từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, các môn học ở bậc THPT và các tổ hợp xét tuyển mà ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sử dụng tuyển sinh năm 2025.

“Chắc chắn ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ điều chỉnh chương trình các môn học đại cương để phù hợp với yêu cầu năng lực kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng việc điều chỉnh này diễn ra từ từ, theo hướng vừa điều chỉnh vừa đánh giá để có được hiệu quả tốt nhất. Chúng tôi sẽ thực hiện phân nhóm đối tượng đào tạo bao gồm: nhóm tinh hoa phục vụ yêu cầu chất lượng cao cạnh tranh quốc tế, nhóm phục vụ yêu cầu nhân lực phát triển các ngành kinh tế xã hội của đất nước”, ông Điền nói.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông Vận tải PGS.TS Nguyễn Thanh Chương chia sẻ, từ năm 2025, nhà trường phải xây dựng các tổ hợp môn học cho phù hợp với ngành đào tạo, ví dụ khối kĩ thuật sẽ ưu tiên hơn các môn học tự nhiên. Nếu tổ hợp mà các môn học chưa phù hợp hoặc còn thiếu sẽ được đánh giá, sinh viên được hỗ trợ. Hiện nay, nhà trường xét tuyển 3,4 tổ hợp/ngành, nên số sinh viên trúng tuyển mỗi tổ hợp không nhiều, không gây khó khăn trong việc bổ sung và không phải điều chỉnh chương trình đào tạo.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, các trường ĐH được tự chủ phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định, bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo theo quy định pháp luật liên quan. Trong đó, chương trình đào tạo ĐH 120 tín chỉ, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là 150 tín chỉ, chưa tính khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.

Điều chỉnh kỳ thi đánh giá năng lực

Cùng với việc dự kiến điều chỉnh chương trình đào tạo, phương án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ thay đổi đáng kể từ năm 2025. Đặc biệt là các kì thi riêng như đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội hay các kì thi của nhóm trường sư phạm, bài thi đánh giá của Bộ Công an cũng có những điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.