Tướng Quắc những ngày đi trong 'bão'

TP - Hơn 40 năm làm nghề cảnh sát, gần như không có chuyên án lớn dính đến xã hội đen nào mà Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc không tham gia và trực tiếp chỉ đạo. Nhưng sự đời trớ trêu, ông lại mắc cạn ở chuyên án mà ông coi là lớn nhất đời làm cảnh sát của mình: Chuyên án PMU 18.

Theo hồ sơ cán bộ, Tướng Phạm Xuân Quắc sinh ngày 15-2-1946. Nếu tính đến 1-12-2007, ngày mà ông nghỉ hưu theo quyết định của Thủ tướng, tính ra, ông có 41 năm làm cảnh sát. Sau ngày nhận quyết định hưu, tôi gặp ông tại nhà riêng ở con ngõ nhỏ 83, Đào Tấn (Hà Nội). Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, ông luôn tỏ ra mình là người cứng rắn.

Ông bộc bạch: “Đến tuổi thì nghỉ thôi, nhưng mình nghỉ khi chuyên án còn dang dở nên cũng không được đẹp cho lắm”. Tôi hỏi ông “khi rời vị trí tổng chỉ huy vụ án PMU18, ông có nhắn nhủ đồng đội đang làm chuyên án điều gì không”, ông trả lời: “Tôi chỉ trao đổi với anh em sự việc như vậy cứ công tâm mà làm. Tất nhiên, anh em cũng tự biết mình phải làm gì, tôi chỉ nhắc nhở anh em làm đúng pháp luật”.

Thời điểm ấy, trông bộ Tướng Quắc tráng kiện lắm. Mới nhận hưu, vài người bạn đến gợi ý ông nên tham gia Hội luật gia hoặc Đoàn luật sư nào đó. Ông bảo: “Cứ về nghỉ ngơi đã, nếu có làm gì thì tính sau”.

Từ đận ấy, tôi cũng chắc mẩm, sau những ngày vất vả, ông sẽ được thanh nhàn. Nhưng ngày 22-3-2007, cơ quan An ninh điều tra (Bộ CA) có quyết định khởi tố vụ án hình sự, điều tra những vấn đề liên quan thông tin sai sự thật của nhiều bài báo trong vụ PMU18.

Sau đó, phóng viên của nhiều tờ báo bị triệu tập, truy xét về những thông tin mà họ viết, đăng tải về vụ án PMU18. Tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14, trưởng ban chuyên án PMU18; Thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng 9, trực tiếp được giao điều tra vụ PMU 18 cũng bị triệu tập.

Điều gì đến đã đến, hơn một năm sau, ngày 12-5-2008, cùng lúc ông Quắc, ông Huynh và hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi trẻ TP HCM) bị khởi tố bị can.

Bà Đỗ Thị Ưng, phu nhân tướng Quắc lâu nay bị tiểu đường và bệnh tim. Qua những cuộc hầu tra, có vẻ như ông Quắc đoán trước được việc mình sẽ bị khởi tố. Sợ bà bệnh tật thế không chịu nổi cú sốc của chồng, ông và các con dụ bà về quê Thanh Hà (Hải Dương) ở, vừa là để dưỡng bệnh, vừa để bưng bít thông tin. Nhưng rồi bà Ưng cũng biết qua chương trình trên ti vi.

Buổi sáng có tin ông bị khởi tố, buổi chiều, tôi lại nhà. Hôm đó, nhà ông khách đông lạ, ngó qua, thấy một vài cán bộ C14, một vài cán bộ ở các bộ (có cả một thứ trưởng), một vài chủ doanh nghiệp nhà nước... Có vẻ như họ thân thiết với ông từ lâu, nên chủ khách chuyện trò cởi mở.

Trước khi đến, tôi cứ nghĩ chắc ông Quắc phải sốc lắm, nên lúc này ông cần có những người thân tình ở bên. Nhưng không, giọng ông vẫn đanh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Một hồi chuyện trò đủ thứ trên đời, trước khi ra về, tôi hỏi: “Cơ quan điều tra khởi tố ông tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, ông thấy sao?”, Tướng Quắc gọn lỏn: “Tôi chẳng có tội gì hết!”. Sau đó là những ngày dằng dặc ông phải hầu tra.

Đối chất

Lâu nay, Tướng Quắc chỉ quen ký lệnh khởi tố hay gọi hỏi, triệu tập người này, người kia, chắc bản thân ông chẳng bao giờ nghĩ có ngày chính ông lại là người bị gọi lên để hầu tra, chỉ có điều khác là ông không hầu tra ở trụ sở C14 mà ở Nguyễn Đình Chiểu và Âu Cơ (trụ sở của cơ quan An ninh điều tra).

Sau ngày bị khởi tố, ông Quắc khi Hà Nội, lúc ở TP Hải Dương, ông đi đi về về như con thoi, vừa trông coi công trình (ông xây nhà ở TP Hải Dương), vừa trong trạng thái thường trực có giấy triệu tập là đi.

“Cả nhà lo cho ông ấy, nhưng ông thì cứ tưng tửng, coi như chẳng có chuyện gì. Y như cái hồi mới lên làm ở C14, dạo ấy ông chỉ đạo vụ bắt Khánh trắng, ngày ngày từ căn hộ tập thể ở Trần Nhân Tông ông ấy đi bộ đến cơ quan, mọi người bảo “ông cẩn thận kẻo đàn em Khánh Trắng trả thù”, ông bảo, sợ thì tôi đã không bắt. Tính ông vẫn ngang ngang vậy”, bà Ưng kể.

Lâu nay, Tướng Quắc chỉ quen ký lệnh khởi tố hay gọi hỏi, triệu tập người này, người kia, chắc bản thân ông chẳng bao giờ nghĩ có ngày chính ông lại là người bị gọi lên để hầu tra

Trong vụ án này, có khoảng 40 phóng viên của hơn 10 tờ báo bị cơ quan An ninh điều tra mời hỏi, triệu tập. Họ phải trả lời về những thông tin đã viết và đăng tải trong gần 1.200 bài báo, liên quan vụ PMU18. Trong đó, theo cơ quan An ninh điều tra, có nhiều thông tin không đúng sự thật.

Bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao nhận định: “Là đơn vị trực tiếp điều tra vụ án PMU18, C14 phải có trách nhiệm trước những thông tin đăng trên báo chí không đúng sự thật, công khai những nội dung thông tin về vụ án đang điều tra, những thông tin ban đầu chưa được xác minh, kiểm chứng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trước tình hình đó C14 không có phản ứng nhắc nhở gì mà còn để các phóng viên tự do ra vào trụ sở cơ quan hoặc đến nhà riêng, gọi điện thoại trực tiếp trao đổi thông tin...”.

Về nhận định này, trong những cuộc thẩm vấn, ông Quắc khẳng định: “Quá trình điều tra vụ án do không có báo đọc nên không nắm được các thông tin do báo chí nêu. Vả lại, báo chí đăng tin gì thì họ phải tự chịu trách nhiệm, làm sao tôi phải chịu trách nhiệm thay họ!?”.

Tuy nhiên, phần lớn các phóng viên khi bị triệu tập, hỏi cung đã khai nguồn tin để viết bài chủ yếu thu thập từ một số cán bộ C14, mà trực tiếp là Tướng Phạm Xuân Quắc và Thượng tá Đinh Văn Huynh.

Cũng chính từ những lời khai này, Cơ quan điều tra đã thực hiện những cuộc đối chất giữa Tướng Quắc và khoảng gần chục phóng viên. Trong những lần đối chất, ông Quắc luôn phủ nhận việc cung cấp thông tin cho phóng viên, dù có những phóng viên ông thừa nhận có quen biết.

Phủ nhận nhưng không thoát được tội, với chứng cứ là những list điện thoại và qua lời khai của phóng viên, ngày 22-9-2008, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng, truy tố ông Quắc tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại khoản 2, Điều 286 Bộ luật Hình sự, có mức án khá nặng: từ 2 đến 7 năm tù. Chỉ ba ngày sau, Toà án Nhân dân TP Hà Nội có quyết định đưa ông Quắc cùng những bị cáo Huynh, Chiến, Hải ra xét xử.

Vợ ông Quắc kể, trước ngày ông ấy ra vành móng ngựa, bốn người con xin nghỉ việc một tuần ở nhà động viên cha. Ngày ra toà, cả nhà lo. “Truy tố ở khoản ấy, khung ấy là rất nặng. Nếu ông phải vào tù tôi không biết phải làm sao...”, bà Ưng nhớ lại. Kết thúc phiên toà, ông Quắc chỉ bị tuyên phạt cảnh cáo (mức án nhẹ nhất trong các khung hình phạt), bà Ưng mới thở phào.

Về lại chốn quê

Ngày ông nghỉ hưu, tôi hỏi ông chọn đâu để nghỉ ngơi tuổi già, ông nói “ở Hà Nội, vì con cái đều ở đây cả”, dù ở quê Thanh Hà, ông cũng có nhà cửa, vườn tược rộng rãi. Tôi nghĩ thế cũng là phải, “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Sau ngày ông lĩnh án, đột nhiên tôi nghe tin Tướng Quắc đã bán nhà ở ngõ 83, Đào Tấn, tất tật chuyển về quê. Cuối năm dương lịch, tôi điện thoại cho ông, mới biết cả nhà đã chuyển về TP Hải Dương sinh sống. Hôm tôi ghé nhà ông ở số 96, Lương Thế Vinh (TP Hải Dương), thì ông lại về quê ăn cưới.

Ngôi nhà 4 tầng ở ngõ Đào Tấn, ông bán được 2,5 tỷ đồng, rồi mua hai lô đất (160m2)  trong dự  án khu đô thị mới của Tập đoàn Nam Cường, tiền dư, ông xây ngôi nhà ba tầng khang trang. Cả hai con trai cũng theo cha về Hải Dương sinh sống. Chỉ còn hai con gái, vẫn làm việc ở Hà Nội.

“Gái lớn theo chồng chú ạ. Vợ chồng tôi chỉ còn phải lo vợ cho cậu con trai làm công an tỉnh Hải Dương nữa là xong trách nhiệm”, bà Ưng tâm sự.

Hơn chục năm bon chen đất Hà thành, nay trở về chốn quê, ngày ngày Tướng Quắc cùng những người bạn khi đi Tứ Kỳ, khi về Thanh Hà câu cá. “Mà ông ấy sát cá lắm, chưa lần nào đi mà mang giỏ về không”, bà Ưng chậm rãi.