Tùng Điên và 'Chuyện của dòng sông đỏ'

TP - Một họa sĩ đầu tư làm hẳn vở ca kịch tập hợp nhạc sĩ, ca sĩ hàng đầu Hà Nội. Tiền tỷ bỏ ra mà giờ này băng-rôn chưa treo. Họa sĩ sẵn sàng hy sinh những bức tranh tâm đắc nhất để lấp đầy khán phòng. Vài nét chưa đủ nói lên độ điên của Hoàng Hà Tùng.
Nghệ sĩ chèo Thu Huyền và ca sĩ Tùng Dương trong vở “Chuyện của dòng sông đỏ” sắp ra mắt​. Ảnh: Lê Quang Châu.

Chả thế mà anh được gọi thân mật là Tùng Điên. Chuyện của dòng sông đỏ - do anh viết kịch bản và làm tổng đạo diễn công diễn đêm 22 và 23/7. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Công ty Laisa đồng sản xuất. Công ty này chính là của vợ Hoàng Hà Tùng - họa sĩ giao cho vợ lấp đầy một đêm, nếu đêm sau không có khả năng bán vé thì phải báo trước 10 ngày để ông liệu. Vì một số nhà tài trợ sẵn sàng đưa nhân viên đến lấp đầy Cung Văn hóa. Với điều kiện họa sĩ để cho họ 2-3 bức tranh tâm đắc, mà nếu bán cũng phải tiền tỷ.

Chuyện của dòng sông đỏ được Hoàng Hà Tùng ấp ủ 5 năm về trước, từ khi ông còn là người của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ. Ông định dựng vở này cho nhà hát tham gia hội diễn nhưng người thì bảo một vở mà 5-7 nhạc sĩ thì nó thành nồi lẩu à, người thì xông vào để tôi đạo diễn cho. Ông bèn thôi.

Vở operetta hay gọi cho đúng là “ca múa nhạc có chủ đề” của Hoàng Hà Tùng dài 1h45’ với 10 ca khúc và 2 bản nhạc múa do Nguyễn Cường, Lưu Hà An, Trọng Đài, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Minh Đạo sáng tác. Nghe qua hai sáng tác của Giáng Son và Trọng Đài thì thấy các nhạc sĩ nói chung vẫn giữ giọng điệu như khi viết ca khúc, khá dễ nghe.

Qua những gì Hoàng Hà Tùng hé lộ, chúng ta tạm hình dung cốt truyện của vở như sau: Trời đang trong xanh thì vua (NSƯT Tấn Minh) tập hợp cả nhà lên thuyền bàn chuyện chống bão. Mọi người tuân lệnh duy hoàng tử út không thấy đâu. Vua cử Tổng quản (NSƯT Thu Huyền) đi tìm thì bắt gặp hoàng tử út (Tùng Dương) đang vui múa hội, bèn lôi về dự họp. Minh Thu vào vai hoàng hậu, 2 phi tần do NSƯT Thanh Thanh Hiền và Khánh Linh đảm nhiệm. Tùng Dương là con phi tần Khánh Linh. Trong khi người ta cố sống cố chết để được làm vui thì Khánh Linh lại khuyên con đừng đi theo con đường chính trị, cứ sống cứ chơi đi cho thỏa… Trong khi nhà vua già yếu lại muốn hoàng tử út chứ không phải thái tử (Đông Hùng) chèo chống con thuyền đất nước. “Quê hương này bão dông lúc nào cũng sẵn sàng xảy ra”, Hoàng Hà Tùng nói. “Nên giữa nền nhạc êm ả đâu đó vẫn có tiếng sấm ì ùng...”.

“Cốt truyện với tôi không quan trọng bằng làm vở có hay không. Bài hát hay, múa hay, sân khấu đẹp…, câu chuyện chỉ là cái cớ. Cũng như họa sĩ giỏi vẽ (truyện tranh) xấu thì dù chuyện có hay, người ta cũng chả thích,” ông Tùng khẳng định. Theo ông những khán giả bình thường có thể thấy hay khi xem múa, xem ánh sáng, nghe bài hát, còn ai ở tầm văn hóa cao sẽ thấy ẩn sâu trong đó câu chuyện gửi gắm không lộ liễu. Hoàng Hà Tùng nói không với khuôn phép nên ông hứa hẹn vở diễn được dàn dựng theo kiểu hoàn toàn mới. Một lúc nào đó ông cũng có thể xông lên làm diễn viên, hoặc nếu thấy đủ rồi, khán giả… chán rồi, ông có thể cho kết vở luôn(!).

Hoàng Hà Tùng khẳng định thành công đầu tiên của vở diễn là những người bạn làm trong lĩnh vực âm nhạc mà ông tập hợp được. “Có những đơn vị rất nhiều tiền không tập hợp được bằng ấy tên tuổi. Vượt lên trên tiền là sự chơi. Tất cả đồng lòng rồi thì chúng ta chơi thôi!”.

Sau cuộc chơi có thể là duy nhất trong đời, ông sẽ quay về với giá vẽ. Tháng 9, họa sĩ sẽ đi Hà Lan mang theo các chân dung nông dân Việt Nam vẽ trên lụa. Rồi ông đi vẽ chân dung nông dân Hà Lan bằng sơn dầu để phối hợp thành một triển lãm.

Hoàng Hà Tùng nói về vở diễn: “Tôi tập hợp được những gì tôi cho rằng tốt nhất hay nhất mà các bạn tôi có thể làm được. Tôi chỉ là người thổi lòng đam mê. Có một số người gần như chán chường thì tôi đẩy cho họ cháy tiếp những phần còn lại cũng như tôi, hiến dâng những gì tốt nhất cho đời”. Câu nói này là của một bệnh nhân ung thư tủy đến năm thứ ba. Chuyện của dòng sông đỏ phải chăng cũng chính là chuyện của dòng nhiệt huyết không ngừng chảy trong tâm khảm nghệ sĩ…