Từ vụ tranh Nguyễn Gia Trí bị tổn hại: Lên kế hoạch bảo vệ bảo vật quốc gia

TP - Sau khi bảo vật quốc gia tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại nghiêm trọng do dùng nước vệ sinh, Bộ VHTTDL đề nghị lên kế hoạch đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia.
Bộ VHTTDL yêu cầu lên kế hoạch bảo quản bảo vật quốc gia theo chế độ đặc biệt. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

NGUY CƠ

Nhiều người ngỡ ngàng khi biết Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM giao việc bảo quản, phòng ngừa và vệ sinh cho một thợ sơn mài. Thợ sơn mài Lưu Minh Phụng do không hiểu về nghệ thuật hội họa của Nguyễn Gia Trí nên sử dụng nước rửa bát, bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức vào tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia này. Quy trình bảo quản ẩu và sai sót dẫn tới mức hư hại về vật chất 15%, hư hại 30% về tinh thần. Quá trình khắc phục hậu quả không hề dễ dàng.

Câu chuyện bảo quản sai cách này rõ ràng trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các đơn vị lưu giữ bảo vật quốc gia. Hết năm 2018, Chính phủ công nhận 164 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia.

Trong công văn 1909 mới đây do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ký, Bộ lưu ý bảo vật quốc gia thuộc nhiều loại hình và chất liệu được lưu giữ ở 83 đơn vị khác nhau từ Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, hệ thống bảo tàng tỉnh thành và một số cơ quan khác. Bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia đặt ra thách thức không nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phân tích: Nhiều người nghĩ đồ giấy, hữu cơ dễ chịu tác động môi trường và hư hại hơn. Tuy thế, đồ kim loại như trống đồng, tượng và hiện vật kim loại khác cũng chịu tác động lớn của khí hậu nóng ẩm Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện sở hữu chín bảo vật quốc gia, trong số đó có những tác phẩm quý như Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng), bình phong sơn mài Thiếu nữ và phong cảnh của Nguyễn Gia Trí, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (Dương Bích Liên), sơn mài Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm.

Tác phẩm hội họa chịu không ít thách thức trong quá trình bảo tồn. Chín bảo vật ở Bảo tàng Mỹ thuật thường xuyên trưng bày, nằm chung trong hệ thống trưng bày của bảo tàng. Bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói về điều kiện bảo quản như hệ thống điều hòa, hút ẩm và thông gió lắp đặt để tạo môi trường ổn định. Hệ thống đèn chiếu sáng cảm ứng chuyên dụng ngoài việc đảm bảo giá trị thẩm mỹ còn góp phần bảo quản, giữ gìn tuổi thọ cho hiện vật. Bảo tàng đưa vào hệ thống báo cháy tự động, camera theo dõi giúp bảo vệ và phát hiện sự cố nhanh nhất, thậm chí gắn chíp.

CHƯA ĐẶC BIỆT

Bảo vật quốc gia được bảo quản đặc biệt dễ dàng với loại hình và chất liệu thuộc bảo tàng, một số hiện vật như bia đá, tượng hay phù điêu ngoài trời không dễ dàng. Ba năm trước, hai bức phù điêu Trà Liên thuộc hàng độc bản, niên đại hơn nghìn năm trưng bày bên ngoài Bảo tàng Quảng Trị bị phơi mưa nắng, khiến cỏ dại và rêu mốc tấn công. Sau khi dư luận lên tiếng, nhà chức trách mới làm nhà có mai che cho hiện vật.

Trong quá trình nghiên cứu, trùng tu tôn tạo một số công trình, TS Trần Hậu Yên Thế để ý có nhiều tấm bia quý nhưng chỉ được để không ở nhiều di tích cổ, thường được đặt dưới bóng cây cổ thụ. Anh phân tích, đặc tính bia đá khi gặp nước mưa chất diệp lục nhanh làm đầy bề mặt bia. Phương án Huế hay Văn Miếu dựng nhà bia là một trong những phương án đảm bảo mỹ quan và bảo vệ hiện vật. Tấm bia Võ Cảnh trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng được che chắn bằng tấm kính che mưa nắng.

Theo bà Hương Thơm, không riêng bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đều có phương án bảo quản cho từng loại chất liệu. Đây là một trong những bảo tàng có hệ thống kho, bảo ôn tương đối đảm bảo lại có hẳn phòng chuyên trách bảo quản-điều không dễ dàng có được ở nhiều địa phương. “Thực ra kinh phí cho bảo quản chưa xứng tầm”, bà Thơm nói.

Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nêu thực tế: Điều hòa không khí hiện sử dụng chưa phải là hệ thống điều hòa tổng, do đó cũng gặp trở ngại trong quá trình vận hành. Khung tranh, tủ kính chưa được sử dụng kính chuyên dụng chống lóa, chưa thực sự góp phần bảo quản tuyệt đối, và làm giảm giá trị thẩm mỹ của hiện vật.

Chín tác phẩm mỹ thuật bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có chất liệu khác nhau, tuy thế vẫn phải bảo quản trong môi trường trưng bày chung nên không thể có chế độ bảo vệ, bảo quản phù hợp nhất. Chẳng hạn tranh lụa khá “kỵ” bày chung với sơn mài, bởi lụa cần khô còn sơn mài phải có độ ẩm nếu không dễ bị nứt. Phòng trưng bày Mỹ thuật Đông Dương đa chất liệu nên cũng khiến các nhà làm bảo tàng gặp khó.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện sở hữu chín bảo vật quốc gia, trong số đó có những tác phẩm quý như Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng), bình phong sơn mài Thiếu nữ và phong cảnh của Nguyễn Gia Trí, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (Dương Bích Liên), sơn mài Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm.

Bộ VHTTDL yêu cầu các đơn vị xây dựng, hoàn thiện và triển khai các phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia sau khi trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ lưu ý các đơn vị về biện pháp phòng chống cháy nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại. Đối với hiện vật tại di tích như chuông, bia đá, tượng phải có sự phối hợp liên ngành để bảo vệ chứ không giao khoán cho cá nhân trông coi di tích.

Đối với phương án bảo quản, Bộ đề nghị ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật khó bảo quản, khu vực trưng bày lưu giữ bảo vật sao cho đảm bảo được chế độ đặc biệt. Quy trình bảo quản từng hiện vật quốc gia cần lập thành phương án cụ thể trình cơ quan thẩm quyền xem xét, có sự phối hợp và giám sát của các tổ chức khoa học, chuyên gia căn cứ theo từng loại hình và chất liệu. Bộ cũng đề nghị có phương án cụ thể phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Trống đồng Ngọc Lũ
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn