Từ vụ Camry đâm chết 3 người tới văn hóa giao thông Việt Nam

TPO - Đã hơn một ngày kể từ thời điểm vụ tai nạn đâm xe kinh hoàng khiến 3 người tử vong tại khu phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, hàng triệu người vẫn đang quan tâm theo dõi diễn biến liên quan đến sự việc, nhưng đáng buồn lại không nhiều người để ý đến văn hóa tham gia giao thông hàng ngày.

Khoảng 7h30 phút sáng hôm qua 29/2 tại khu phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, một chiếc Toyota Camry đã phóng với tốc độ cao, vượt ẩu và đâm vào 1 chiếc xe máy cùng 1 người đi bộ, khiến 3 người tử vong. Một người đã tới cơ quan công an đầu thú và khai nhận mình lái xe trong tình trạng uống rượu, để xảy ra sự việc trên.

Vụ tai nạn ngay lập tức thu hút gần như toàn bộ sự quan tâm của báo chí, các trang tin và mạng xã hội, nhiều chục triệu người theo dõi diễn biến vụ tai nạn từng chút một, liên tục cập nhật thông tin về người lái xe, người ngồi trong xe, những nhân chứng có mặt và không có mặt tại hiện trường…

Hơn một ngày kể từ thời điểm vụ tai nạn xảy ra, khắp nơi trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn, mạng xã hội, số người quan tâm đến vụ việc vẫn rất đông đảo. Chủ yếu, người ta quan tâm tới người lái xe là nam hay nữ, hình phạt là tử hình hay chung thân, họ quên đi rằng trên đường hàng ngày, vẫn có trên dưới 20 người tử vong vì tai nạn giao thông, và đều đặn như thế không dừng lại.

Trên đường phố hôm nay, ô tô – phương tiện đáng nhẽ cần làm gương nhất trên đường – vẫn chiếm làn đường của xe máy, xe máy thì chạy sang đường ô tô, cảnh tượng giao thông hỗn loạn vẫn diễn ra như mọi ngày khác. Trên vỉa hè, ô tô và hàng quán vẫn chen kín, người đi bộ chỉ có thể đi dưới lòng đường, và vẫn trèo dải phân cách, vẫn băng qua đường như chưa biết vạch kẻ cho người đi bộ là gì.

Văn hóa giao thông Việt Nam lộn xộn, bát nháo và không có bất cứ trật tự nào. Người ta đôi khi chỉ dừng đèn đỏ, chạy đúng làn, đội mũ bảo hiểm, khi nhìn thấy bóng dáng CSGT, chứ không phải vì an toàn cho chính mình và mọi người.

Nhiều người vẫn rượu, vẫn bia và vẫn lái xe lao vun vút cho dù có thể chỉ trước đó vài phút cũng vào mạng xã hội lên án người lái xe uống rượu gây ra vụ tai nạn kinh hoàng trên.

Cứ như thế, mỗi ngày lại có những vụ tai nạn, hàng chục người ra đi vì tai nạn giao thông, chỉ khác là có hay không những camera quay cận cảnh vụ tai nạn, khiến người xem phải rùng mình, lạnh người và mất ngủ hay không mà thôi.

Văn hóa giao thông là thứ nhiều người đang cố gắng để xây dựng, nhưng nó quá nhỏ bé so với số đông vẫn đang tham gia giao thông hàng ngày. Và để thay đổi thực trạng, để giảm tai nạn giao thông và những cái chết thương tâm, cần lắm những sự thay đổi về suy nghĩ, về sự quan tâm của mọi người.

Đừng chỉ nghĩ tới việc lái xe gây tai nạn sẽ bị tù bao nhiêu, đừng lao vào những “thuyết âm mưu” và những câu chuyện được thêu dệt trên mạng xã hội xung quanh vụ tai nạn. 

Hãy nghĩ tới việc thay đổi chính hành vi tham gia giao thông của mình, chỉ có điều đó mới có thể giúp giao thông tại Việt Nam mỗi ngày không còn là một trò chơi mạo hiểm, giữa sự sống và cái chết.