Chỉ cần một phản hồi là hôm sau điều chỉnh ngay
Nhóm Kiến của KTS Nguyễn Hoàng chỉ là một trong hàng chục, thậm chí hàng trăm nhóm thiện nguyện của những người trẻ đã ngày đêm chia sẻ khó khăn với TP.HCM trong suốt những tháng đỉnh dịch vừa qua. Ngồi nhớ lại, anh Hoàng bảo: “Chưa bao giờ áp lực điều hành lớn như vậy, kể cả khi tôi nhận công trình vài chục tỷ. Kế hoạch gần như thay đổi mỗi ngày. Chỉ cần có một phản hồi góp ý, hôm sau đội phản ứng nhanh đã điều chỉnh ngay”.
Ví dụ ngày đầu đi phát đồ ăn, một đầu mối của anh Hoàng về nhắn: người nhận cơm bảo trong nhà có người già và trẻ nhỏ, muốn xin hai suất cháo, nhờ các anh giúp! Hôm sau trong thùng đồ từ thiện có thêm 30 suất cháo thịt cho những người cần.
Ngày thứ bảy, shipper vốn là một cô giáo phát hiện cơm thừa bị vứt chỏng trơ trên hè phố, có hộp cơm còn già nửa. Ngay lập tức, 4h chiều cả nhóm họp và phân nhau khảo sát. Khi nhận thấy khu vực phát cơm có tới ba đoàn từ thiện đi qua chồng chéo, anh Hoàng giao cho một kỹ sư công nghệ thông tin làm một bản đồ phát cơm có thể kiểm tra bằng Zalo để liên kết với những đội từ thiện khác. Bản đồ này hoàn thành sau 2 ngày, từ đó các suất cơm bị bỏ thừa ở quận Gò Vấp giảm hẳn.
Ngày thứ 20, nhóm đã có chút “tiếng tăm”, trên trang cá nhân của anh Hoàng có bạn trẻ ở phường Cát Lái, quận 2 gửi thư cầu cứu cho cả khu trọ hơn 30 người lao động tự do, vì ở trong hẻm nên không đoàn từ thiện nào tìm thấy, hẻm lại bị phong tỏa, lương thực thực phẩm cái gì cũng thiếu. Cũng nhờ bạn trẻ này cẩn thận, nhắn cả cách thức tiếp tế nên ngay sáng hôm sau 2 thanh niên to khỏe nhận việc đưa hàng. Mì tôm, gạo, thịt hộp, cá khô, rau củ... được cho vào từng thùng các tông nhỏ rồi ném qua hàng rào thép gai. Các chị hậu cần còn cẩn thận nhét vào hai hộp sữa bột phòng trường hợp có trẻ em. Quả nhiên, sau đó, bạn trẻ nhắn tin: “không biết nói gì ngoài trăm nghìn lời cảm ơn, có ba đứa nhỏ đã khát sữa mấy hôm rồi!”.
Một tháng sau, các thanh niên đưa hàng về phản ánh, có rất nhiều người già, người yếu ăn cơm không nổi, nuốt cháo cũng khó khăn. Hơn 20 thành viên lại quay lưng vào nhau họp. KTS Lê Tiến Hưng mới đi chăm bố mổ dạ dày tháng trước nhớ lại: hình như ở viện người ta cho ăn xông bằng sữa xay với cháo. Mọi người ồ lên, quay ra hỏi bác sĩ dinh dưỡng. Sau khi được hướng dẫn cụ thể, nhóm lên thực đơn đồ ăn nhuyễn (đến mức có thể dùng qua ống xông) dành cho người già yếu và trẻ em. Không chỉ xay sữa, cháo, các chị hậu cần còn hầm xương nấu súp, bổ sung dầu oliu, pha nước hoa quả rồi xay nhuyễn, cân đo đong đếm lượng dinh dưỡng đúng như hướng dẫn.
Hơn một tháng sau đó ngày nào Kiến cũng cung cấp khoảng 100 suất ăn dạng này. Nó dễ nuốt và giàu dinh dưỡng đến mức họ gọi nó là “súp tăng lực của thủy thủ PaPai”. Giữa những ngày đổ lửa ở Sài Gòn, đội tình nguyện mệt quá, đi về chỉ muốn húp một hộp dịch xông, hồi sức lại lên xe chạy đi hỗ trợ chống dịch. “Vừa nhanh, dễ nuốt lại đủ chất, hơn ăn cơm nhiều”, tình nguyện viên Nguyễn Thanh Lưu nhận xét.
Các bác sĩ quân y công khai số điện thoại
Ngay khi các ca F0 ở Hà Nội tăng nhanh, từ 17/12/2021, các bác sĩ ở Học viện Quân y đã thành lập “Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”. 13 bác sĩ công khai số điện thoại cá nhân của mình để bất cứ ai cần cũng có thể nhận được hỗ trợ lập tức, kể cả đêm khuya.
Hiện Nhóm có hơn 15 bác sĩ là những người có kinh nghiệm điều trị F0 và có chuyên môn chuyên sâu về sản, nhi, Đông y, da liễu...
"Chúng tôi không phụ trách việc cấp cứu, chỉ giải đáp thông tin và hỗ trợ những trường hợp F0 khẩn cấp. Việc cấp cứu do y tế cơ sở và địa phương đảm nhiệm. Để có thể tư vấn hiệu quả và nhanh chóng, chúng tôi đã soạn sẵn các file thông tin để khi người bệnh cần sẽ lập tức gửi đi, tiết kiệm thời gian và hỗ trợ được nhiều người hơn", bác sĩ Vũ Đức Vượng cho biết.
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn – một trong những người công khai số điện thoại kể: điện thoại lúc nào cũng ở bên người, sạc dự phòng để khắp nơi, để có thể hỗ trợ bệnh nhân kịp thời. Bác sĩ Tuấn nhận định, trong số những người cần tư vấn, có khoảng 30% - 40% là lo lắng quá mức. Còn lại đa số đều bị nhiễu thông tin, không biết xử lý thế nào với các tình huống phát sinh. Sau khi được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, hầu hết F0 đều đã yên tâm điều trị tại nhà. Hiện, trung bình, mỗi bác sĩ nhận được 30-50 cuộc gọi/ngày, đỉnh điểm lên tới hơn 100 cuộc gọi.
Một câu hỏi chung rất nóng trong giai đoạn này mà các bác sĩ của Nhóm hỗ trợ online thường phải giải đáp chính là thông tin về các loại thuốc điều trị COVID-19 trên thị trường. “Chúng tôi khuyên mọi người không nên sử dụng vì đây là những loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép, không rõ nguồn gốc", bác sĩ Vượng khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hằng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), từng có kinh nghiệm chống dịch tại TPHCM, chia sẻ: Tâm lý của bệnh nhân thường rất lo sợ khi biết mình bị F0. Nhiều người do tâm lý bất an nên cảm thấy khó thở, lo lắng thái quá. Vì vậy, việc hỗ trợ về mặt tâm lý đặc biệt quan trọng. Với những trường hợp bắt đầu có triệu chứng nhẹ chuyển sang nặng nếu theo dõi tốt, thuốc điều trị phù hợp sớm thì tác dụng rất khả quan. Vì vậy, chúng tôi mong muốn góp phần làm giảm tỉ lệ bệnh nặng bằng biện pháp tư vấn tự điều trị, vừa đỡ tốn kém cho bệnh nhân, cho xã hội mà hiệu quả cao.
Đối với những người dân có nhu cầu tư vấn về COVID-19, chỉ cần vào "Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" là có thể lấy số điện thoại của các bác sĩ để gọi điện, nhắn tin qua Zalo hoặc mesenger để được trợ giúp.
Mỗi suất cơm giá một nụ cười
Anh Trần Trung Kiên, người khởi xướng “Tiệm cơm 1k” chủ yếu để tặng bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tại Hà Nội khi thấy dịch bệnh bùng phát mạnh đã nhanh nhẹn điều chỉnh giá xuống 0 đồng.
Nhóm có khoảng 20 người, đều là đầu bếp tay ngang, nhưng gặp nhau ở tinh thần lá lành đùm lá rách. Ban đầu, mỗi phần cơm bán giá 1.000 đồng để người nhận thoải mái, không bị mặc cảm. Sau đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, suất cơm được tặng miễn phí, người mua chỉ phải trả bằng một nụ cười sau khẩu trang.
Chị Ngọc (sinh năm 1991, một thành viên kỳ cựu của tiệm cơm) cho biết: "Mỗi tuần chúng tôi tặng cơm vào thứ 5 và Chủ nhật cho những người đăng ký trước qua nhóm chat, chủ yếu ở 3 điểm là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện Bạch Mai. Ở mỗi nơi, tiệm luôn mang dư vài suất, phòng có người gặp bất chợt muốn nhận”.
Anh Kiên cho biết, trung bình mỗi buổi, cả nhóm làm khoảng 150 suất, mỗi suất gồm 3 món mặn, 1 rau và canh, ngoài ra, còn có bánh ngọt, sữa hay hoa quả để tráng miệng.
Một bà mẹ nghèo ở Nam Định đang cùng con chiến đấu với bệnh gan mạn tính kể: “Con tôi thích cơm nhà chú Kiên vì có cả sữa và hoa quả. Đợt nào lên điều trị tôi cũng đăng ký, mỗi tuần hai bữa, tính ra hai mẹ con tiết kiệm được gần trăm nghìn tiền ăn vì mỗi suất thế này nếu mua bên ngoài thì phải bốn năm mươi nghìn”.
Anh Hà đến từ Bắc Giang vì “giỏi zalo” nên trở thành người đăng ký cơm hộ cả phòng. Anh kể, từ khi dịch bùng phát anh không có việc nên đi chăm con thay vợ. Bình thường anh chỉ ăn cái bánh mì, gói xôi qua bữa, hôm nào có cơm 0 đồng coi như được cải thiện. “May mà còn có tiệm cơm 0 đồng này, thỉnh thoảng cũng có cả cháo 0 đồng, với bệnh nhân nghèo chúng tôi từ quê lên đây chữa bệnh, bữa cơm không chỉ giúp về tài chính còn khiến chúng tôi thấy ấm lòng”.
Anh Kiên cho biết sẽ duy trì tiệm cơm này trong ít nhất bốn năm tới vì kinh phí hoạt động mà mọi người đóng góp hiện có khoảng 400 triệu đồng, đủ để duy trì hoạt động trong 4 năm. Ngoài ra, Tiệm còn được một số công ty, đơn vị cung cấp thực phẩm nhận hỗ trợ định kỳ rau, thịt, bánh, sữa.
"Có lần, một bà mẹ đã để lại bình luận trên trang cá nhân của tôi, nói rằng chị và con đã ra Hà Nội điều trị một năm nay nhưng lần đầu có cảm giác được ăn cơm gia đình nhờ chúng tôi. Đọc được lời đó, tôi rất xúc động, cũng rất vui, hạnh phúc và có thêm động lực", anh Kiên kể.