Từ ngày mai, Việt Nam cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

TPO - Bắt đầu từ ngày mai (12/6), Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam để giết mổ. Đây là một trong những động thái nhằm “hạ nhiệt” giá thịt lợn trong nước khi có thời điểm giá lợn hơi vượt trên 100.000 đồng/kg.
Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan từ ngày 12/6

Chiều 11/6, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, kể từ ngày mai (12/6), các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện của Việt Nam có thể thực hiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.

 Theo ông Đông, từ cuối năm 2019, Cục Thú y đã gửi đề nghị của Việt Nam liên quan đến việc đánh giá nguy cơ về dịch bệnh để nhập khẩu lợn sống như Lào, Campuchia và Thái Lan, trong đó, Thái Lan là nước rất quan tâm đề nghị này.

“Cùng với việc đánh giá, Cục Thú y cũng lấy thông tin từ tổ chức Thú y thế giới (OIE), đồng thời qua việc giám sát thực tế nhiều năm cho thấy, nhập khẩu lợn từ Thái Lan đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Thái Lan có nền chăn nuôi tiên tiến và có hệ thống thú y kiểm soát dịch bệnh tốt”, ông Đông nói.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, hiện Thái Lan không có nhiều dịch bệnh, không có dịch tả lợn châu Phi. Lợn xuất khẩu có nguồn gốc từ trang trại, trong vòng bán kính 10 km không không có các loại dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian 12 tháng trước khi xuất khẩu.

“Lợn nhập về dùng để giết mổ, hoặc lợn choai để nuôi nên không sử dụng thức ăn có chất cấm theo quy định của Thái Lan và Việt Nam. Lợn được tiêm phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng….Có nguồn gốc từ các trang trại áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, được cơ quan thú y Thái Lan chứng nhận”, ông Đông nói.

Được biết, hiện Thái Lan đã đăng ký 8 DN, với 8 hệ thống trang trại có quy mô 5 triệu con lợn sống để xuất sang Việt Nam và có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Với các DN nhập khẩu của Việt Nam, các DN chỉ được nhập lợn từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan thú y nước này kiểm tra, xác nhận và đăng ký với cơ quan thú y Việt Nam. DN phải có xe vận chuyển chuyên dụng, cơ cơ sở nuôi cách ly, kiểm dịch… ở Việt Nam theo quy định.

Với lợn to, trong vòng 5 ngày, nếu mẫu xét nghiệm âm tính sẽ được cho đi giết mổ. Còn với loại lợn choai 10-30 kg/con, sẽ được cách ly 14 ngày, nếu mẫu xét nghiệm âm tính mới được đưa vào để tiếp tục nuôi tăng đàn.

Giá lợn hơi trong nước sẽ giảm?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, đến 30/5, tổng đàn lợn cả nước 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với cuối năm 2018, là thời điểm đàn lợn ổn định và tổng đàn lớn nhất. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong 5 tháng đầu năm 2020 là 5,78%/tháng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, sau khi cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, giá thịt lợn trong nước sẽ giảm

Theo ông Tiến, từ cuối năm 2019 đến nay, Việt Nam đã nhập khoảng 5.000 con giống cụ kỵ, ông bà và hơn 3.000 con giống lợn bố mẹ. Dự kiến hết năm nay, sẽ nhập trên 100.000 con giống bố mẹ.

“Với tốc độ nhập đó, cũng như nguồn giống trong nước, dự kiến cuối quý III, đầu quý IV tới, sẽ đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước”, ông Tiến nói.

Liên quan đến việc nhập khẩu thịt lợn, theo ông Tiến, Thủ tướng đã chỉ đạo nhập 100.000 tấn thịt lợn và đến cuối tháng 5/2020 cả nước đã nhập hơn 70.000 tấn thịt lợn các loại.

Việc nhập thịt lợn trong giai đoạn vừa ra gặp nhiều khó khăn, không chỉ vì dịch COVID-19, phía Trung Quốc có nhu cầu nhập rất lớn, giá cao, và gần như họ đặt hàng hàng hết.

“Trong khi, hiện mức thuế nhập khẩu của Việt Nam còn cao, các DN khó khăn tiếp cận các nguồn vốn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã tạo điều kiện tối đa, tìm kiếm các nguồn hàng và chúng ta đã nhập về hơn 70.000 tấn”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đã cho nhập thêm lợn sống vào giết mổ. “Chắc chăn là khi nhập lợn sống vào sẽ hạ được nhiệt trên thị trường trong nước”, ông Tiến khẳng định.

“Giá cả do cung- cầu quyết định. Hiện đàn lợn cả nước đã tăng 5,78%/tháng, chúng ta lại nhập khẩu thịt lợn, giờ nhập thêm lợn hơi. Giá lợn hơi gần đây giảm 5-7 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm 10 nghìn đồng/kg. Cùng đó, người dân tăng sử dụng thêm gia cầm, thủy sản… Chắc chắn không có chuyện mang lợn từ Thái Lan về, lại bán với giá chín mấy nghìn đồng”, ông Tiến nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người chăn nuôi, giết mổ, phân phối, người tiêu tiêu dùng và không ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng (CPI), khi thấy rằng lợi ích của các đối tượng được cân đối, Bộ sẽ thông báo trước 1 tháng về việc dừng nhập khẩu lợn sống.

Về lo ngại có vấp phải sự cạnh tranh nhập lợn sống từ Thái Lan với Trung Quốc, ông Tiến cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, Trung Quốc đang tập trung tái, tăng đàn, với 17 giải pháp. Họ khuyến khích các DN chăn nuôi ở nước khác và nhập thịt từ các chuỗi toàn cầu. Còn nhập thịt lợn sống thì chưa có những thông tin rõ ràng".