Từ Hi Thái Hậu: Bạo chúa hay nhà cải cách?

TP - Cuốn sách mới xuất bản Từ Hi thái hậu (Empress Dowager Cixi) của nữ nhà văn người Anh gốc Hoa Jung Chang mang đến một góc nhìn mới về vị thái hậu cai trị nhà Thanh từ 1861 đến khi qua đời. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Trung của bà bị cấm ở Trung Quốc.
Từ Hi thái hậu (1835 – 1908) cai trị nhà Thanh từ 1861 đến khi qua đời

Nhà văn Jung Chang nói, bà đã luôn nghĩ răng những người Cộng sản Trung Quốc đã cấm tục bó chân phụ nữ dã man từng phổ biến (xương những cô gái bị đập nát bằng đá lớn và vĩnh viễn bị bó chặt, chỉ ngón chân cái phát triển).

Thực tế, luật lệ man rợ này đã bị cấm sớm hơn nhiều: Do Từ Hi Thái Hậu từ thế kỷ 19. Điều này đã thu hút Chang, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất thế giới, đến với người đàn bà nổi tiếng khủng khiếp Từ Hi. 

“Danh tiếng của Từ Hi đến nay vẫn là bạo chúa độc ác và cực kỳ bảo thủ chống lại mọi sự thay đổi”, Chang nói trong lễ hội sách quốc tế Edinburgh, Scotland vào chủ nhật (10/8/2014). Thực ra, Từ Hi là một nhà đổi mới, tán thành giải phóng phụ nữ, hướng về phương Tây và cơ bản đã thay đổi Trung Quốc tốt hơn. 

Jung Chang (phiên âm Hán Việt là Trương Nhung) sinh tại Nghi Tân, Tứ Xuyên ngày 25/ 3/1952, trong một gia đình viên chức đảng Cộng sản Trung Quốc, cha là cán bộ cao cấp, được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Chang yêu văn chương và sự thật, bà hiện đang định cư ở London.

Chang đã thành công với hai tác phẩm đình đám toàn cầu.? Hồi ký Bầy thiên nga hoang dã (Wild Swans) năm 1991, mô tả cuộc sống của bà ngoại, mẹ và bản thân khi Trung Quốc chịu đựng biến động, là cuốn sách bìa mềm phi hư cấu đạt doanh thu lớn nhất trong lịch sử (hơn 13 triệu bản), dịch ra 37 thứ tiếng.

Sau đó, bà dành 12 năm cùng chồng là nhà sử học Jon Halliday nghiên cứu và viết cuốn Chuyện chưa biết về Mao Trạch Đông (Mao: The Unknown Story). Một lần nữa, cuốn sách lại gây sốc.

Chang ở Edinburgh để thảo luận cuốn sách thứ ba viết về câu chuyện hấp dẫn của Từ Hi, người cai trị tuyệt đối một phần ba dân số thế giới gần 50 năm cho đến khi qua đời vào năm 1908.

Jung Chang

Bà phác thảo về Từ Hi: Thái hậu đem lại điện, khai thác mỏ hiện đại, đường sắt, điện tín, phương thức kinh doanh mới, ngoại giao, tàu sắt và hệ thống giáo dục hiện đại mà di sản tồn tại đến ngày nay.?Từ Hi cũng là người cấm hình phạt lăng trì tàn khốc, cắt xẻo từng phần cơ thể phạm nhân từ từ cho đến chết. 

Từ Hi lên nắm quyền là việc đáng chú ý vì bà là một trong những phi tần thứ bậc thấp nhất của hoàng đế.?Tuy nhiên, quan trọng bà là mẹ của hoàng tử duy nhất và khi vua qua đời, Từ Hi tổ chức đảo chính để loại bỏ tám vị nhiếp chính, giành quyền giám sát tân hoàng đế năm tuổi. Ba trụ cột triều đình bị giết, Chang cho biết, một bị chặt đầu và hai nhận “dải lụa trắng dài để tự treo cổ ... xem như ân huệ của triều đình ban cho”.?Từ Hi buông rèm cai quản đất nước, vì quy luật cấm hậu cung không can dự trực tiếp việc triều chính. 

Hoàng đế lớn lên, không màng chính sự mà sa đọa trong tửu sắc, với đĩ điếm cả nam và nữ bên ngoài Tử Cấm Thành. Vị vua dâm dục yểu mệnh khi mới 18 tuổi. Từ Hi thái hậu nhận con trai ba tuổi của em gái làm con nuôi và cho kế vị hoàng đế. Cuốn sách của Chang gồm nhiều phần hấp dẫn. Từ Hi đã sủng ái rồi hành hình công khai một thái giám ra sao? Bà sử dụng một trong những nhà ngoại giao chủ chốt của Abraham Lincoln làm đại sứ của mình với phương Tây thế nào? Và, trước khi chết, bà đã ra lệnh đầu độc giết chết con trai nuôi vì vị này quá thân Nhật Bản.

Nữ nhà văn Chang nhận định, Từ Hi hiện đại hóa Trung Quốc đáng kể mặc dù bà là một nhà lãnh đạo giấu mặt do giới tính. “Bà đã có đóng góp trực tiếp trong việc đưa Trung Quốc tiến gần phương Tây hơn. Từ Hi đặt phái viên ở nước ngoài, họ đã viết báo cáo về nước, rằng phụ nữ không cần phải bó chân, có thể sánh vai chồng đi ra ngoài, có thể khiêu vũ, du lịch, thậm chí có thể cai trị đất nước (như nữ hoàng Victoria)”. 

Chang dành nhiều năm dịch tác phẩm này ra tiếng Trung Quốc, hiện đã hoàn tất và sẽ ra mắt vào tháng tới. Đáng tiếc, Từ Hi thái hậu của nhà văn Jung Chang bị cấm phát hành ở chính quê hương Trung Quốc.? 

Theo Theo The Guardian