Như vậy, các bệnh viện sẽ được toàn quyền tự chủ về bộ máy tổ chức, tuyển dụng viên chức và tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. Đây được cho là chính sách mở để các bệnh viện tự tìm hướng đi cho mình và bắt buộc phải thay đổi để thu hút người bệnh.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, tự chủ tài chính các bệnh viện được quyết định về nhân lực, cân đối thu chi, do đó đòi hỏi các bệnh viện hài hòa giữa quyền lợi các bên, tăng nguồn thu nhưng phải tương xứng với chất lượng khám, điều trị bệnh. Tự chủ tài chính vẫn phải đảm bảo tối đa an toàn người bệnh. Mà an toàn người bệnh không chỉ là mổ xẻ hay trong quá trình sử dụng dịch vụ y tế mà ngay cả nhà vệ sinh cũng có thể là nơi không an toàn.
Hiện tại Bộ Y tế có 39 bệnh viện thì 25 bệnh viện đã tự chủ và mỗi năm giảm khoảng 15.000 tỷ đồng, nếu triển khai rộng khắp ở các bệnh viện tỉnh thì sẽ giảm đáng kể và chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên. TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 3 bệnh viện hạng đặc biệt là: Bạch Mai, Chợ Rẫy và Trung ương Huế đã thực hiện tự chủ hoàn toàn. Việc tự chủ này đã giúp các bệnh viện chủ động về nguồn nhân lực, tài chính để tái đầu tư. Tuy nhiên, khi tự chủ về tài chính các bệnh viện cũng phải đối mặt không ít khó khăn, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hiện Bệnh viện Bạch Mai đã tự chủ nhưng còn nhiều bệnh viện không thể đảm bảo được, vì vậy Nhà nước cần có sự hỗ trợ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này không thể cào bằng. Một trong những giải pháp giúp các bệnh viện tự chủ bền vững chính là từ thanh toán bảo hiểm y tế. Vì vậy, cần thay đổi phương thức thanh toán bảo hiểm y tế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp với từng hạng bệnh viện. Nhưng nếu không kiểm soát tốt, thì tự chủ rất có thể sẽ làm gia tăng tình trạng lạm dụng chỉ định với người bệnh.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), khi tự chủ tài chính sẽ khiến các bệnh viện buộc phải tăng nguồn thu mà nguồn thu chủ yếu từ người bệnh bảo hiểm y tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tăng chỉ định nội trú, tăng chỉ định xét nghiệm để đảm bảo nguồn thu tự chủ…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, về tài chính và tự chủ tài chính dù viện phí đã được điều chỉnh tăng, nhưng là vấn đề cần giải quyết đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính sẽ có những áp lực về nguồn thu, nhưng không chấp nhận lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. “Lạm dụng dịch vụ y tế là vấn đề nhạy cảm, chúng ta khó chịu khi bị nhắc nhở nhưng thực tế có tồn tại ít nhiều, do đó tự chủ tài chính không chỉ là lo tăng nguồn thu mà còn phải khắc phục tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế còn tồn tại ít nhiều”- ông Nguyễn Viết Tiến nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh viện cần ưu tiên cho các trọng tâm, lĩnh vực sau: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ công chức để nâng cao chất lượng dịch vụ; Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, quản lý tài chính phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý bệnh viện trong tình hình mới; Tăng cường công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ, chất lượng cao, chuyên sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng khi thực hiện tự chủ tài chính; Đẩy mạnh thực hiện an ninh, an toàn bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện.
Tự chủ bệnh viện là một bài toán không hề đơn giản với ngành y tế ở thời điểm hiện tại, nhất là các bệnh viện tuyến dưới. |Nếu không có chính sách đúng đắn thì rất có thể đây sẽ là áp lực với các y bác sĩ và người bệnh sẽ là đối tượng chịu thiệt.
Hiện tại Bộ Y tế có 39 bệnh viện thì 25 bệnh viện đã tự chủ và mỗi năm giảm khoảng 15.000 tỷ đồng, nếu triển khai rộng khắp ở các bệnh viện tỉnh thì sẽ giảm đáng kể và chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên.