Tại tọa đàm “Những doanh nhân đổi mới sáng tạo bước ra từ trang báo Tia Sáng” đầu tháng 10/2015, có người hỏi TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan “Từ một TS ngành quang điện tử với mức lương cao ngất tại Tập đoàn IBM, sáng lập viên hãng America Dye Source, sao ông bỏ tất để về Việt Nam”? TS Mỹ ví “tôi như chú cá hồi đi tha hương lại về đất mẹ”. Ông trùm công nghệ cao ngành in Việt Nam chia sẻ hành trình từ cậu bé bán kem, làm bồi bàn rồi thành doanh nhân thành đạt ở Canada, sau đó về phát triển quê hương.
Khởi nghiệp từ “bốn không”
TS Nguyễn Thanh Mỹ có tuổi thơ khốn khó. Ông là con cả trông một gia đình năm con ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Bình, nay là tỉnh Trà Vinh. Những năm tháng tuổi thơ, cậu bé Mỹ vừa đi học vừa bán bánh mỳ, cà rem (người Bắc gọi là kem) để phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em. Dù vất vả nhưng ông vẫn thi đỗ Trường Ðại học Kỹ thuật Phú Thọ, nay là Trường Ðại học Bách khoa TPHCM. Trong buổi tọa đàm đầu tháng 10, có người hỏi TS Mỹ “Giờ chú thấy mấy em bán cà rem, chú có muốn nhận về không hay chú chỉ thích nhận sinh viên giỏi”? TS Mỹ cười bảo “giờ các em bán cà rem sướng hơn mình ngày xưa nhiều. Xưa vừa bán vừa phải rao cà rem, cà rem đây. Bán bánh mỳ phải dậy từ 4h sáng đi rao. Giờ có máy thu âm nên người bán không phải rao nữa”.
Năm 1979, ông có một quyết định táo bạo như ông nói vui là “bơi lội” ra nước ngoài để tìm cơ hội mới ở môi trường mới. Những ngày đầu ở đất nước Canada bên kia địa cầu, ông hoàn toàn tay trắng: không gia đình, không bạn bè, không nghề nghiệp, không biết ngôn ngữ Canada. Ông bắt đầu mưu sinh bằng những công việc tay chân như bồi bàn, phụ bếp. TS Mỹ nhớ lại kỷ niệm, trong 12 năm làm bồi bàn ở Canada, có lần vợ ông (cũng là một Việt kiều, quê Thái Bình) hỏi chồng “Mơ ước của anh là gì”? Ông trả lời “mơ một ngày nào đó trở về quê hương lập công ty, tạo công ăn việc làm cho bà con quê hương, xây trường học, bệnh viện. Bà xã ngạc nhiên bảo “Anh có biết anh đang làm bồi bàn không”?
Ông là người thành lập kiêm Trưởng Khoa hóa học ứng dụng của trường. Trụ sở của khoa nằm trong khuôn viên của Tập đoàn. Ở đây, các sinh viên được đào tạo theo hướng ‘training on the job’ (huấn luyện qua công việc), được học với các chuyên gia của Mỹ Lan, được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất. TS Mỹ cho hay, ông sẽ tạo điều kiện để các sinh viên ra trường về làm việc tại tập đoàn. “Tôi cũng trực tiếp đào tạo các em và nếu em nào làm giỏi thì cũng có quyền thừa kế Mỹ Lan ”, ông Mỹ bày tỏ.
Vừa làm nhiều việc để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, ông bắt đầu học lại Ðại học tại Canada. Suốt thời gian dài ông vừa học vừa làm cật lực, một tuần làm 7 ngày, từ 2h chiều đến 2h sáng, tự học đến 4h30. Học ở trường từ 8h45 sáng tới 1h trưa. Bạn bè gọi ông là “Mỹ mắt đỏ” vì ông có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Năm 1986, ông tốt nghiệp cử nhân đại học ngành Hóa phân tích tại Trường Ðại học Concordia, Montreal, Quebec. Hai năm sau tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường này với bằng chuyên ngành Xúc tác dị thể. Năm 1992, ông lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Năng lượng và Vật liệu.
Rời công việc bồi bàn, ông trở thành chuyên gia nghiên cứu cho IBM Almaden Research Center. Sau đó, ông giữ vị trí Quản lý kỹ thuật trong nhiều năm ở Kodak Polychrome Graphics. Trong suốt quá trình làm việc, nghiên cứu, ông có hơn 60 bằng phát minh được công nhận tại Mỹ, Canada và châu Âu, khẳng định được tài năng và vị thế của mình. “Nhìn thấy ông, tôi nhớ đến tập đoàn in số một thế giới ở Trung Quốc hằng năm vẫn phải trả tiền sáng chế cho một người Việt Nam. Ðó chính là TS Nguyễn Thanh Mỹ”, MC cũng là một doanh nhân mở màn cho buổi tọa đàm đầu tháng 10.
Ts Nguyễn Thanh Mỹ (ngoài cùng bên trái) tiếp đoàn lãnh sứ quán các nước tham quan Tập đoàn Mỹ Lan.
Năm 1997, ông sáng lập Công ty American Dye Source, Inc. (ADS) chuyên nghiên cứu, sản xuất những vật liệu hóa học cao cấp ứng dụng trong công nghệ quang điện tử, bảo mật, chống giả và in kỹ thuật số, mở đầu sự nghiệp kinh doanh. Thế nhưng đang ở thời kỳ đỉnh cao, ông quyết định rời bỏ Canada phồn hoa để trở về quê hương Trà Vinh nghèo khó, như ông nói “Chú cá hồi cuối cùng cũng trở về nơi mình sinh ra”.
Trao quyền thừa kế cho người trẻ ở Trà Vinh
"Tại sao từ một TS trong ngành quang điện tử với mức lương cao ngất tại Tập đoàn IBM, sáng lập viên của hãng America Dye Source, ông lại bỏ tất để về Việt Nam"? MC hỏi trong buổi tọa đàm cũng là câu hỏi mà nhiều người dành cho TS Mỹ.
Ông kể, những năm tháng xa quê ông luôn trăn trở lúc nào có thể trở về phát triển quê hương. Năm 1997, ông về lại Việt Nam sau gần 20 năm xa cách. “Tôi trở về Việt Nam ngoài việc mở công ty, tạo công ăn việc làm cho bà con còn muốn làm cho quê hương văn minh hơn, sáng tạo hơn, minh bạch hơn và trách nhiệm với cộng đồng hơn”, TS Mỹ tâm sự.
TS Nguyễn Thanh Mỹ ( caravat đỏ) giới thiệu sản phẩm với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Tập đoàn Mỹ Lan là Tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong ngành công nghệ in, nắm giữ hàng trăm bằng sáng chế và bản công bố liên quan đến phát minh bản in offset và cũng là đơn vị duy nhất trong nước có khả năng và công nghệ sản xuất bản in CTP dùng trong ngành in offset. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Tập đoàn còn phát triển vượt bậc trên lĩnh vực mới là nghiên cứu và sản xuất thành công các dòng máy in phun công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Tập đoàn được coi như thung lũng Silicon Valley của Việt Nam, có đối tác là nhiều công ty ở Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Nhật Bản. TS Nguyễn Thanh Mỹ cũng đang dấn bước vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ đám mây điện toán, công nghệ internet of things - internet vạn vật. Ðây là lĩnh vực công nghệ đang được xem như làn sóng công nghệ mới tại nhiều quốc gia.
Công ty sở hữu hơn 500 nhân viên ở độ tuổi trung bình 27. Có người hỏi “Trà Vinh là tỉnh nghèo nhất xứ. Nhiều sinh viên không đậu trường Sài Gòn mới về Trà Vinh học. Tại sao chú lại lựa chọn sinh viên ở đây”? TS Mỹ dí dỏm trả lời: “Bác Hồ nói rồi, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền thôi. Tất cả người Việt mình, nhất là người trẻ, cứ cho họ cơ hội họ sẽ cố gắng. Nhiều người Việt khi mới ra nước ngoài không có gì nhưng khi về mang nhiều cái”.
Ông cũng tâm sự, Việt Nam chưa quen với sự phản biện. Ở trường học, học sinh ngại nói ngược với thầy. Ði làm nói khác sếp thì sợ trù. Ðiều đó khiến người trẻ lười biếng suy nghĩ, sáng tạo. Có người hỏi, ông sử dụng toàn người trẻ, không sợ họ làm hỏng, làm hư sao? TS Mỹ cười bảo “Làm hư cũng được, chỉ sợ họ không làm mà thôi. Thành công của tập đoàn là tạo cho các cháu môi trường được nói khác hơn, suy nghĩ khác hơn, đề nghị khác hơn và làm khác hơn”…