TS Võ Đại Lược: 'Xử lý tham nhũng mới chỉ giải quyết hệ quả'

TPO - Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới cho rằng, thời gian qua xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng, lại không thay đổi. Thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc.
T.S Võ Đại Lược

Ngày 30/10, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Là người phát biểu đầu tiên, TS Võ Đại Lược cho rằng, các quan điểm của thời kỳ đổi mới từ 1986, đến nay đã được vận dụng hết. “Bây giờ cần phải có điểm gì mới, chứ nếu vẫn các quan điểm cũ thì công cuộc đổi mới sẽ khó”, TS Lược nói.

Ông Lược cho rằng: "Chúng ta bắt tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng, lại không thay đổi nên chỉ giải quyết hệ quả, chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược nói.

Về quản lý đất đai, theo ông Lược, đây là vấn đề nảy sinh tham nhũng, khiếu kiện, tranh chấp rất nhiều. Tương tự, quản lý doanh nghiệp nhà nước ra sao khi nhiều giám đốc DNNN đi tù. “Cho nên, cái đẻ ra tham nhũng ta chưa xử lý, mà mới xử lý ngọn của vấn đề thôi”, ông Lược nhận xét.

Tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức

Đề cập đến đến 3 đột phá trong dự thảo văn kiện, TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng. “Hàn Quốc phát triển được như ngày hôm nay một phần là nhờ biết tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức được đào tạo bài bản”, ông Linh cho hay.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông Linh cần phân tách ra 2 mô hình: đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình. Điều này đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.

Thứ hai, giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được, những ứng dụng đưa vào thực tiễn xã hội và phát triển thương mại.

Cuối cùng, ông Linh kiến nghị các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng (dựa trên số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành, bằng phát minh sáng chế và chỉ số trích dẫn của bài báo), đặc biệt là khả năng áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong đời sống thực tiễn, tạo giá trị thặng dư cho việc phát triển kinh tế.