Truyện ngắn: Chuyến tàu sông cuối cùng

TP - Đan - Nam là con tầu sông chở khách chuyên chạy tuyến Thượng Đan đến Xuyên Nam. Khi Triệu Tài đến nhận việc bán vé kiêm soát vé, thì con tầu đã già mấy chục tuổi.
Minh họa: Huỳnh Ty.

Ngày ấy, Chính phủ cũng bắt đầu vạch tuyến, mở con đường ô tô chạy từ Thượng Đan đi qua Xuyên Nam đến Trại Sắt. Thấm thoắt đã hơn năm năm, con đường ô tô chạy qua Thượng Đan, Xuyên Nam đến Trại Sắt đã thông xe. Không có khách, cứ chạy thì thua lỗ, Công ty vận tải khách đường sông quyết định ngày mười chín tháng chín là ngày con tầu Đan- Nam chạy chuyến cuối cùng, khép lại một trang lịch sử oai hùng, gần nửa thế kỉ.

Đêm trước mười chín, Triệu Tài không ngủ được. Anh khoác lên mình tấm áo may theo kiểu đồng phục, đi ra bến sông, nơi con tầu thân thuộc đang thả mình mặc cho sóng nước du đẩy. Con tầu ấy đã gắn với anh năm năm, đã chở theo trên nó hàng ngàn hành khách cùng những số phận rất, rất khác nhau. Triệu Tài cảm thấy một nỗi buồn thăm thẳm, loang loang trên mặt sông mờ khói sóng.

Triệu Tài học chuyên văn trường Hoàng Văn Thụ, rất thích văn chương, nhưng lại nộp đơn thi vào Đại học Bách khoa. Thiếu nửa điểm nên bị trượt, anh lên vùng Thượng Đan, được Công ty vận tải đường sông nhận vào làm.

Con tầu khách Đan - Nam có lịch chạy bất di bất dịch, thứ hai xuất phát từ Thượng Đan, chiều cập bến Xuyên Nam. Ngủ lại ở Xuyên Nam một đêm, sáng hôm sau thứ ba, lại đón khách từ Xuyên Nam xuôi Thượng Đan. Cứ thế nhẫn nại, kiên trì, ì ạch, không mỏi chạy.

Khi giao việc cho Triệu Tài, trưởng tầu nói, lái tầu và máy trưởng có nhà trong thị trấn, năm tay thủy thủ đều là con em dân chài ven sông, ai cũng có nơi ở, hết giờ làm việc là nhót về nhà, trừ phiên trực mới phải nằm lại ở trạm. Triệu Tài nghe vậy thì biết rằng mình phải lo lấy chỗ ở.

Nằm nhà một tháng sau trượt đại học, đọc đi đọc lại Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Triệu Tài tự nghĩ, hai mươi tuổi ông ta đã in tiểu thuyết, đâu có cần qua đại học. Không vào đại học vẫn có thể lập thân. Cậu hạ quyết tâm, làm bất cứ việc gì, sống và viết.

So với đám thủy thủ vạm vỡ, ăn nói bặm trợn, Triệu Tài có vẻ nho nhã, điềm đạm. Cậu làm việc tận tụy, bốn giờ sáng bán vé cho khách. Năm giờ xuất bến, tầu chạy được chừng ba mươi phút thì đi soát vé. Ở những bến phụ, khách lên tầu mới mua vé, số lượng không quá đông, kiểm soát không khó. Những người trốn vé thì bị phạt gấp năm, gấp bẩy lần giá vé qui định. Đi vài chuyến thì Triệu Tài quen việc.

Triệu Tài thuê một phòng nhỏ ở thị trấn Thượng Đan, cách bến khá xa, đi bộ chừng bốn lăm, năm mươi phút. Nhưng thường Triệu Tài không về mà ở lại trạm, trực thay. Khi lên Xuyên Nam, Triệu Tài ở chung với người trực trạm, không lê la chơi bời rượu chè như mấy anh thủy thủ. Trong ba lô, lúc nào Triệu Tài cũng có một cuốn sổ dầy để ghi chép, cùng một chiếc máy tính xách tay đời cũ. Rảnh rang lúc nào, nếu không thể dùng máy tính thì cậu ghi ghi chép chép gì đó vào sổ. Thi thoảng cậu nhận được giấy báo lĩnh tiền từ bưu điện Thượng Đan, nhưng chỉ là những món tiền hẻo, nhuận bút cho những mẩu văn ngắn. Đám thủy thủ thỉnh thoảng nói đùa, Đan - Nam sắp xuất hiện một nhà văn trẻ.

Khi Triệu Tài được gọi là nhà văn trẻ thì lập tức có người không ưa, bèn tấu với trưởng tầu, nói Triệu Tài hay táy máy ghi chép, có thể đăng lên báo những điều tai tiếng về con tầu. Nhưng trưởng tầu bỏ ngoài tai, vẫn để cho Triệu Tài tùy thích ghi chép và viết lách. Ông nói, cậu ta làm những việc ấy ngoài giờ công tác, không phạm pháp.

Một buổi sáng thứ hai, cận giờ nhổ neo thì có một nữ hành khách tay dắt theo một bé gái khoảng bẩy tám tuổi, lỉnh kỉnh những ba lô túi xách xịch đến, thở hổn hển nói mua vé đi Xuyên Nam. Người phụ nữ chừng hai lăm hai sáu tuổi, tóc bới cao, đôi mắt thâm quầng, luôn nhìn xuống. Vẻ buồn buồn và mệt mỏi của chị làm Triệu Tài chú ý. Bé gái kêu đau chân, nhưng không ngớt hỏi, hôm nay có kịp gặp bố không. Triệu Tài nghe vậy thì đoán ngay, mẹ con chị này đi thăm nuôi chồng. Ở gần Xuyên Nam có một trại tù.

Khách lên tầu đều tự tìm cho mình một chỗ ngồi. Người vợ đưa con đi thăm chồng ngồi vào một góc khuất. Đến giờ soát vé, Triệu Tài đi dọc theo khoang tầu nói, mọi người cầm sẵn vé ra tay để kiểm tra. Khi Triệu Tài đi đến bên để soát vé, thì hai mẹ con người vợ tù cũng vừa mở nắm cơm, chưa kịp cắt. Triệu Tài ái ngại, nói mẹ con chị cứ tự nhiên. Tiện thể hỏi, cháu mấy tuổi rồi, tuổi ấy chỉ cần mua nửa vé thôi.

Chuyến tầu ngược hôm ấy cập bến Xuyên Nam lúc hai giờ chiều. Triệu Tài giúp đỡ người vợ tù đưa con và đồ đạc xuống bến, kêu xe ôm chở đi ngay vào trại. Khi mọi người đã rời tầu lên bến đi đến nhà họ hàng, người quen hoặc đi đánh chén, chơi bời ở đâu đó, thì Triệu Tài giúp người trực trạm, nấu cơm và kho cá. Người trực trạm bảo, có món cá diếc tươi lắm, kho với trám rất ngon, chú em khỏi phải đi đâu, ăn với anh cho vui. Buổi tối, Triệu Tài mở máy tính, gõ mấy dòng về người vợ tù, không hiểu anh chồng phạm tội gì, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con gái xinh đẹp như thế liệu có xót xa ân hận không?

Sớm hôm sau, Triệu Tài nhận ra ngay người vợ tù và đứa con gái mua vé xuôi Thượng Đan. Khi con tầu đã ra đến giữa sông, thuận dòng xuôi phía hạ lưu, Triệu Tài đến bên hai mẹ con, ngồi xuống rồi hỏi, hình như chị đi thăm nuôi lần đầu đúng không? Người đàn bà dè dặt, sao anh lại nghĩ vậy? Triệu Tài bảo, là tôi đoán thôi. Người đàn bà khẽ ngúc ngắc đầu, hình như mái tóc thả xuống vai làm cho khó chịu, nói vâng. Đứa bé gái có vẻ buồn, nói hình như bố không nhớ con. Người mẹ đưa tay vuốt khẽ mái tóc con, nói bố nhớ con, nhớ nhiều mà.

Ba tháng sau, con tầu Đan - Nam lại đón một hành khách quen, người phụ nữ ở Thượng Đan đi thăm nuôi chồng trên Xuyên Nam. Triệu Tài bán cho chị một tấm vé chuẩn, tiện thể hỏi, sao chị không cho cháu đi cùng. Người đàn bà đã coi Triệu Tài như người quen, ngước lên nhìn, đôi mắt loáng một ánh cười, kín đáo gật đầu chào, đáp cháu bị ốm không đi được. Đêm ấy ở nhà trạm, Triệu Tài mở máy vi tính, gõ những dòng như sau: Chị ta lại đi thăm người chồng đang thụ án tù ở trại Xuyên Nam.

Sáng hôm sau, Triệu Tài có ý ngóng chị, nhưng đến khi tầu nhổ neo vẫn bặt tăm hơi. Triệu Tài ra ngồi ở phía đuôi tầu, nhìn vô định về miền rừng núi nhấp nhô xanh biếc. Chẳng biết chuyện gì đã xẩy ra ở nơi ấy.

Một tuần sau, trên chuyến tầu xuôi về Thượng Đan, khi Triệu Tài đi đến góc xa soát vé, thì phát hiện một hành khách đi lậu. Hành khách không có vé là một phụ nữ, khoác một tấm ni lông cũ, đầu trùm chiếc khăn len cũ, miệng đeo khẩu trang. Người này bị ốm hay mắc bệnh truyền nhiễm? Triệu Tài nghiêm khắc nói, chị đi lậu vé, phạt gấp bẩy lần. Người phụ nữ rùng mình, nén một tiếng kêu, phạt thế thì em chết. Em không đi lậu vé. Thế vé của chị đâu, Triệu Tài nghiêm khắc truy tiếp. Người đàn bà luống cuống, kéo chiếc khẩu trang xuống để lộ ra nửa khuôn mặt xanh xao, nhưng ưa nhìn. Triệu Tài giật mình kêu lên, là chị à? Người đàn bà năn nỉ, anh làm phúc cho em đi nhờ. Giờ em không còn một xu dính túi. Triệu Tài mở sắc cốt, lấy một tấm vé Xuyên Nam - Thượng Đan, dùng bút gạch chéo, đưa cho người đàn bà, nói nhỏ, chị cầm lấy kẻo bất ngờ có thanh tra, rồi quay đi.

Có một người đã theo dõi những việc làm của Triệu Tài, tố cáo với trưởng tầu, yêu cầu thi hành kỉ luật, buộc phải xuống làm thủy thủ. Trưởng tầu nói, kiểm đếm vé và tiền đều khớp, không thiếu hụt, lấy lí do gì để kỉ luật cậu ta? Người tố cáo vẫn cương quyết, dù cậu ta có bỏ tiền túi mua vé cho người đàn bà đó thì vẫn làm thâm hụt công quĩ, công quĩ mất hẳn khoản tiền phạt lớn. Vậy là Triệu Tài phải xuống làm  thủy thủ, chuyên môn ném dây thừng lên bến để người ta buộc tầu neo lại.

Một buổi chiều, sau khi trả hết khách và dọn dẹp vệ sinh con tầu xong, Triệu Tài lững thững đi bộ về nhà trọ, nhẩm tính thời gian cũng ngót ngét năm, liền nghĩ cách đi kiếm việc ở nơi khác. Đúng lúc ấy, thì người đàn bà vợ tù hớt hải đạp xe đuổi theo gọi, anh Triệu Tài dừng lại, em có chuyện nói. Triệu Tài dừng bước, nhìn thẳng vào mắt người đàn bà, chờ đợi. Chị ta hôm nay nom thật tươm tất, chiếc áo mầu gụ ôm lẳn tấm  thân, phô ra một chút duyên dáng. Mái tóc thả xuống ngang vai chứ không bới cao như hôm đầu gặp, trẻ hẳn so với tuổi hăm lăm, hăm sáu. Người đàn bà lựa lời nói, hôm nay tết mồng ba tháng ba, nhà em làm bánh trôi, mời anh đến chơi.

So tuổi thì người đàn bà đáng tuổi chị, thành thử khi nói chuyện Triệu Tài luôn một điều chị, hai điều chị. Anh đừng gọi chị, em nghe tổn thọ lắm, người đàn bà năn nỉ. Tên em là Mai, anh cứ gọi Mai, anh nhé.

Triệu Tài dừng xe để Mai ngồi lên, rồi dùng chân đẩy cho có đà, dướn sức đạp dọc theo bờ đê. Đã mồng ba tháng ba, tết Hàn thực rồi. Ngày còn bé, ở nhà mẹ hay làm bánh trôi bánh chay, những đĩa bánh trắng muốt, sau khi thắp hương cúng gia tiên đưa xuống, Triệu Tài bao giờ cũng ăn hai đĩa mới đã thèm.

Mai ngồi đằng sau, hai tay nắm chặt nan sắt đèo hàng, chứ không ôm eo. Triệu Tài lấy làm hài lòng nói, ngày ở nhà mẹ tôi năm nào cúng gia tiên mồng ba tháng ba cũng làm bánh trôi. Nghe Mai nói đến bánh trôi, lại được mời đi ăn, tôi thấy nỗi nhớ nhà như vợi hẳn đi. Mai nói, nhưng em vụng lắm, anh đừng cười.

Xóm nhà Mai ở tách hẳn khỏi làng, toàn dân ngụ cư nên đặt là xóm Mới. Căn nhà của Mai tuy chỉ là nhà cấp bốn, nhưng tường gạch, mái ngói vững chãi, sân láng xi măng, đất vườn ở phía sau khá rộng. Tuy nhiên do thiếu tay người đàn ông nên cái cảm giác hoang lạnh không che giấu được. Mai chủ động đón xe từ tay Triệu Tài đem dựng ở góc sân, lên tiếng gọi con gái, bảo con ra chào chú. Rồi chủ động nói, em đã chuẩn bị cả rồi, nhưng để có bánh ăn thì anh phải giúp một tay.

Nồi nước dùng đã sôi, Mai hạ nhỏ lửa nói, anh cho bánh vào đi. Triệu Tài nhẹ thả những viên bánh bột trắng vào nồi nước dùng, ngắm nhìn chúng bảng lảng trong nước chìm xuống, đến khi chín thì như được lực đẩy vô hình nào đó khiến chúng bâng lâng nổi lên. Mai dùng vợt thưa vớt bánh ra đĩa, đặt vào mâm đưa lên bàn thờ, thắp hương, lẩm nhẩm khấn vái.

Triệu Tài nhìn Mai cúng vái chợt thấy áy náy. Tự nhiên Triệu Tài thấy căm giận người đàn ông đang nằm trong tù, bỏ mặc người đàn bà ở độ tuổi căng đầy cần được chăm chút, vuốt ve. Sự phẫn nộ vô cớ khiến Triệu Tài muốn biết cái gã đàn ông đang nằm trong tù là người như thế nào, nhưng không tiện hỏi.

Mai vái ba vái, rồi bước đến gần Triệu Tài kéo ghế ngồi xuống, nghĩ mình nên nói cho Triệu Tài biết nguồn cơn, cũng là một cách trả ơn việc anh đã cứu cô thoát bị phạt trên chuyến tầu từ Xuyên Nam xuôi Thượng Đan, nhưng không biết làm sao mở miệng. Triệu Tài ngập ngừng, quê chồng Mai không phải ở vùng này?

Vâng, Mai đáp. Chồng em quê tận mãi Thủy Nguyên, Hải Phòng, trốn truy nã lên Thượng Đan này làm ăn, chuyện sau này em mới biết, Mai nói. Năm ấy anh ta đã ngoài ba mươi, mở một cửa hàng sửa chữa xe máy ngay gần bưu điện thị trấn. Anh ta cũng có tay nghề, khách mỗi ngày một đông, thị trấn ai cũng biết tiếng. Một lần anh ta giúp công an quật ngã một tay cướp giật, được biểu dương, rồi được nhà báo tỉnh chụp ảnh đưa lên báo. Năm ấy em thi trượt đại học, hay ra bưu điện mua tờ Mua bán để xem các tin tức rao tìm người làm việc. Anh ta để ý đến em, gọi lại hỏi, rồi gạ, nếu đồng ý anh ta sẽ nhận em vào làm chân kế toán cho cửa hàng. Em đã đọc báo tỉnh, biết danh anh ta, liền nhận lời. Rồi em thất thân, có mang với anh ta. Anh ta nhận trách nhiệm, xin cưới. Cha mẹ em giận lắm, nhưng cũng phải đồng ý, bèn cắt cho miếng đất ở ngoài rìa làng, giúp một ít nguyên vật liệu làm nhà. Sống với nhau mới biết, tính anh ta cộc cằn, vũ phu, nhưng vì đứa con gái nên em phải cắn răng chịu đựng.

Triệu Tài định cất tiếng hỏi, thì Mai nói tiếp. Tấm ảnh đăng báo đã làm hại anh ta. Có người đọc báo, nhận ra anh ta chính là tội phạm giết người bị công an Hải Phòng truy nã toàn quốc. Hôm ấy, vợ chồng em vừa ăn cơm tối xong, thì công an ập vào đọc lệnh bắt, anh ta phản kháng dữ dội, nói, các ông bắt nhầm người, tôi là Lê Văn Linh chứ không phải Phùng Thanh. Ông công an nói, đủ rồi cái trò thoát thai hoán cốt, anh là Phùng Thanh, bố anh là Phùng Hổ, mẹ anh là  Hồ Thị. Hóa ra anh ta là một tay đâm thuê chém mướn ở Hải Phòng. Tòa tuyên Phùng Thanh án tù hai mươi năm về tội giết người.

Bất giác hai dòng nước mắt Mai tuôn rơi. Triệu Tài bối rối, lục tìm khăn tay, đưa cho Mai, nói hoàn cảnh kinh tế nhà Mai rất khó khăn, tôi sẽ giúp. Mảnh vườn sau nhà Mai, tôi đã xem rồi, đất phù sa tốt để hoang, phí lắm,  mình có thể trồng chuối và bưởi, bỏ công sức nhất định sẽ có thu nhập. Mai nghe mắt chợt sáng lên.

Hai hôm sau, Triệu Tài tự mình tìm đến nhà Mai, hì hục đào mấy chục hố trồng chuối quanh vườn. Triệu Tài nói với Mai, đất vườn rộng có thể trồng được mấy chục gốc bưởi nữa. Giống chuối, giống bưởi tôi đã đặt rồi, giá cả rất phải chăng, Mai đừng lo. Lúc Mai rót nước, Triệu Tài mới hỏi, lần trước Mai ở lại Xuyên Nam làm gì lâu thế đến nỗi hết cả tiền mua vé? Mai đang vui bỗng cụp mắt, nói nhỏ, lần ấy Phùng Thanh gây rối ở trại, đánh chết bạn tù. Mới rồi tòa tuyên án chung thân. Chập tối, Mai sắp cơm, nói Triệu Tài ở lại cùng ăn, đứa bé gái cũng níu lại, nhưng Triệu Tài nói, ở trạm người ta đã nấu cơm đợi rồi.

Chẳng hiểu sao đám thủy thủ trên tầu Đan - Nam lại biết rõ những việc mà Triệu Tài đã làm, luôn tìm cách trêu chọc. Sáng hôm sau, khi Triệu Tài đang tháo thừng để con tầu nhổ neo rời bến, đám thủy thủ đồng thanh kêu to, Triệu Tài cố lên, Triệu Tài cố lên. Đến khi con tầu ra giữa dòng, tăng vòng tua máy ngược thượng lưu, một thủy thủ đi qua, cố ý chạm vào vai Triệu Tài, nói hôm qua mất nhiều sức hả, trai tơ mà gặp nạ dòng/ một đêm bốn bận gối long bánh chè… Triệu Tài nắm chặt hai bàn tay, nhưng lại im lặng. Bọn thủy thủ vẫn không chịu buông tha, thỉnh thoảng lại nhắc, Triệu Tài ơi, hơn một năm rồi đấy.

Vậy mà đã năm năm Triệu Tài làm thủy thủ của tầu Đan - Nam. Vườn chuối và vườn bưởi nhà Mai đã xanh tốt, cho mấy mùa thu hoạch, đứa con gái của Mai đã mười ba mười bốn tuổi. Sự nghiệp văn chương của Triệu Tài chả có gì thành tựu, ngoài mấy đoạn văn ngắn, mấy bài báo vặt viết về cuộc sống sông nước. Nhưng con tầu sông thì lại sắp kết thúc sứ mệnh của nó, đóng lại tuyến đường thủy chở khách Thượng Đan - Xuyên Nam.

Sáng mười chín tháng chín, con tầu khách Đan - Nam chạy chuyến cuối cùng, chỉ lác đác mấy hành khách. Đám thủy thủ buồn so, chẳng thèm trêu chọc Triệu Tài nữa. Hôm sau, bến tầu Xuyên Nam vắng ngắt, còn năm phút nữa thì xuất bến. Toàn bộ kíp cán bộ nhân viên thủy thủ nhà tầu, đứng xếp hàng ở mũi tầu, thực hành nghi lễ vĩnh biệt bến tầu biết bao thân thương, thì có một hành khách đi xe ôm xịch đến, mua vé lên tầu. Trưởng tầu bảo, hôm nay đặc biệt, miễn vé. Triệu Tài vô cùng ngạc nhiên, hành khách duy nhất ấy là Mai.

Mai nói với Triệu Tài, em biết hôm nay là chuyến tầu cuối cùng của anh, nên em đã cố gắng giải quyết xong mọi việc để đi cùng anh chuyến tầu này. Mấy hôm trước khi vào chăm tưới vườn cây, thấy Mai nhắn lại là đi vắng mấy ngày, con gái gửi ở với ông bà ngoại, hóa ra là Mai đi Xuyên Nam. Thấy Triệu Tài im lặng, Mai nói, em rất hiểu lòng anh, năm năm rồi còn gì. Rồi Mai lấy từ trong túi áo ngực ra một vật hình chữ nhật nom như tấm chứng minh thư, đưa cho Triệu Tài. Đó là tấm vé tầu Xuyên Nam - Thượng Đan mà Triệu Tài đã gạch chéo được ép nilon cẩn thận. Mai nói, năm năm em mang cái này trong mình như thể tấm bùa hộ mệnh, giờ em tặng lại anh.

Triệu Tài nghẹn lời, không nói được gì. Hai người chia tay nơi bến tầu Thượng Đan. Mai đi mà vẫn giữ trong lòng chưa nói với Triệu Tài điều hệ trọng, tòa án đã đồng ý cho Mai li hôn với Phùng Thanh. Còn chàng trai của chúng ta, đứng lặng nhìn theo cho đến khi bóng Mai khuất sau những hàng cây.

Truyện ngắn của Hà Phạm Phú mang một âm hưởng trữ tình của một “mùa cổ điển”. Nhịp điệu và ngôn từ đều rất chọn lọc, trong đó các tình tiết được đan xen hài hòa tạo nên một vẻ đẹp hướng tới sự mẫu mực. Một tuyến đường song thưa vắng dần và dừng hẳn. Một thiếu phụ u uẩn và một chàng trai trẻ nhiều trắc ẩn. Cái kết lửng lơ rất khéo tạo suy đoán và hoang mang cho người đọc…

Hà Phạm Phú từng làm phim và dịch thuật. Tất cả những việc này để lại dấu ấn khi ông viết.

L.A.H