Lúc tôi không tìm thấy cảm hứng sáng tác, nàng lại có giọng hát thăng hoa, khi nàng mất giọng, tôi bắt đầu sáng tác. Sự kết hợp của chúng tôi, ngoài tình cảm lứa đôi thông thường còn như hai con chim phải hòa cùng được một bài ca.
“Em sẽ hát bài gì đó của anh sáng tác, với tất cả những gì Trời phú cho giọng hát của em”. Dĩ nhiên, anh sẽ viết tặng em bài hát hay nhất trong sự nghiệp chìm nổi của mình. Tôi chẳng viết được gì, nàng đợi tôi chăng? Nàng luyện giọng, giữ giọng bằng ca khúc của những kẻ khác.
Tôi bất tài, vô tích sự? Chưa hẳn. Vài người bạn nhận xét tôi có năng khiếu sáng tác, chỉ tội không gặp thời. Bạn chẳng có lỗi gì khi không gặp thời.
Có dạo tôi nổi như cồn. Cuộc thi sáng tác ca khúc, tôi đoạt giải khá cao. Tôi tưởng cuộc đời mình rẽ sang khúc khác. Ban giám khảo nhận định: “Một phát hiện mới”. Tôi cũng hài lòng với sản phẩm được viết ra như một bản phác thảo quan trọng cho tác phẩm mang tính quyết định của sự nghiệp.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi tôi gửi ca khúc viết riêng cho nàng đến một cuộc thi. Giám khảo nhận xét mấy chữ thế này: “Nhạc hay, nhưng quá riêng tư”. Tôi không hiểu “riêng tư” và “cái hay” tại sao phải lựa chọn lấy một. Chẳng nhẽ cái hay thì không được còn riêng tư sao.
Tại sao phải viết những thứ không phải của mình? Tại sao lại đau nỗi đau không phải của mình và mình không xúc cảm? Tại sao phải sống bằng tình yêu của người hàng xóm? Hãy đập bằng trái tim của riêng mình.
Tôi nghĩ hay tay nhạc sĩ “hàng chợ” kia có nhiều bài được phổ biến đấy, nhưng anh ta như con kỳ nhông hóa thân đủ màu sắc, chẳng bao giờ ta thấy màu sắc thật trong nghệ thuật của y. Con người y vô cảm, như một chiếc cầu có thể chuyên chở nhiều thứ nhưng không bao giờ nó kêu than một thứ âm thanh đau chói như con ngựa thồ ngã quỵ trong sương. Tôi muốn làm con ngựa trên con đường đi lúc ban mai. Nó hí vang tiếng chào bình minh.
Cay nghiệt là y đã đúng với trường hợp của tôi. Hay hắn từng trải qua ngày tháng giống tôi bây giờ không chừng? Kinh nghiệm lắm khi chỉ nên là một kinh nghiệm. Tôi mong anh ta đừng như tôi. Đừng yêu vô vọng, vô nghĩa, vô phương.
Bài hát tôi cũng được dựng, phát sau khi cuộc thi kết thúc. Vài ý kiến khen. Sự đánh giá chừng mực ư? Tốt thôi. Từ đó đến giờ chẳng ca sĩ nào hát bài ấy nữa, chẳng nơi nào in và trao giải nữa. Sự may mắn quả chỉ đến một lần.
Tôi liên lạc với vài ca sĩ, chỗ quen biết từ trước, mời họ ăn cơm, đưa bài hát, thậm chí tự mình hát mẫu, nhưng lời từ chối được đưa ra ngay sau đó: “Nó không hợp với em”. Có người còn bảo: “Hay là anh cứ viết cái gì cho em thì em hát dễ hơn”. Tôi không dám hứa, nhưng tôi cũng không thể viết gì.
Tôi từ bỏ công việc sáng tác đã mấy năm. Vâng, sau ca khúc có tên “Mãi yêu em duy nhất trong đời” tôi chẳng viết được gì nữa.
Bạn nghĩ gì về một loài cây cả đời chỉ nở hoa một lần mà chẳng ai biết? Tôi không thể viết ca khúc thứ hai sau bài viết ấy. Tôi đã kiệt sức sau mối tình tưởng tượng. Liệu viết được gì thêm nữa, sau sự phụ bạc của thế thái nhân tình với bài hát trong vườn của tôi.
Khoan nói rằng hãy sáng tác bằng tình yêu với công việc, trách nhiệm với công chúng ư. Hãy kiên trì. Đúng vậy. Thầy giáo của tôi từng bảo: “Không có bốn lần chìa tay”. Bạn nghĩ sao khi đưa bàn tay ra không trung và không bao giờ nhận được cái bắt tay dù hờ hững. Tôi đã mười bốn lần gửi ca khúc của mình đến các nhà xuất bản, ông bầu, ca sĩ. Họ đều ngoảnh mặt đi. Tôi còn giữ một lá thư trả lời đây. Kính gửi nhạc sĩ. Chúng tôi đã nhận được bản nhạc của ông. Trân trọng sự đóng góp với nhà xuất bản, chúng tôi đã mời một hội đồng gồm các chuyên gia kinh nghiệm thẩm định. Kết quả tác phẩm của tác giả không phù hợp với việc in ấn xuất bản. Xin xem thêm nhận xét của hội đồng nghệ thuật.
Tôi chẳng biết người ta lập ra hội đồng để nhận xét một tác phẩm nghệ thuật liệu phù hợp hay không. Lúc viết, tôi không nghĩ tới họ. Tôi không làm bài thi tốt nghiệp. Tôi là nhạc sĩ và tôi chỉ có một nàng thơ của mình.
Nhận xét vỏn vẹn: Tác phẩm này như một thứ nhật ký mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được họ muốn nói gì. Tuy nó không phải một thứ rác rưởi trong nghệ thuật nhưng không xứng đáng được tôn vinh hay phổ biến. Tác giả nên rút kinh nghiệm trong việc sáng tác nghệ thuật của mình. Hãy hướng đến khán giả nhiều hơn.
Không phải bởi cuộc đời bạc bẽo và nghệ sĩ là công việc không lấy gì làm chắc chắn đâu. Người nông dân có ruộng. Người nghệ sĩ chỉ có tình yêu. Tôi viết gì đây khi trái tim mình nguội lạnh theo thời gian, như đỉnh núi kia bạc thếch tháng năm rét mướt. Tôi không thể hướng về ai khác, ngoài người tôi yêu.
Chưa bao giờ nàng nói thích tôi chứ chưa bàn tới chuyện yêu đương. Chúng tôi tôn thờ nhau, như người ta thích thú với cái bóng trăng in đáy hồ. Đừng bao giờ làm vỡ nó ra bằng khát khao sở hữu. Câu chuyện con hổ vồ bóng trăng còn đó. Nàng như bài thơ, tôi như nhà phê bình. Sự tìm hiểu quá kỹ lưỡng về một tình cảm mơ hồ chỉ đem lại sự bực bội.
Vài lần tôi muốn nói điều gì đó, thậm chí viết một ca khúc để đời ngay trước mặt nàng. Đôi mắt của nàng nói lên tất cả. Nàng muốn mọi thứ không thay đổi. Bài hát của chúng tôi chỉ là một ca khúc mãi dở dang. Đừng bao giờ cắt bông hoa khỏi cành cội. “Anh viết nhạc dở lắm. Hãy viết tặng ai đó đi”. Nàng “không muốn tên xuất hiện trong tác phẩm” của tôi.
Tôi đã quen với cảm giác mất mát. Nhiều người sáng tác về nàng. Họ đã cướp nàng thơ của tôi ngay trước mũi tôi. Nàng hát say sưa những bài ca với lời lẽ trống rỗng. Chúng rỗng tới mức gán nhân vật Em trong bài hát cho ai mà chẳng được chứ. Mình tôi hiểu rằng người con gái trong các bản nhạc ấy không phải nàng đâu.
Ai thích những bài hát ấy hẳn họ chẳng quan tâm đến nhân vật Em trong đấy là ai đâu. Đừng nghĩ mình nổi tiếng. Nếu không, sao họ lại gửi tặng bài hát cho người yêu của họ, bạn gái, vợ của họ. Nàng đã trở thành một hình tượng nghệ thuật. Nàng không còn là một con người bằng da bằng thịt nữa. Sự khái quát hóa kia, tôi không bao giờ muốn. Tôi chỉ nghĩ nàng mãi phải là nàng.
Nhân vật thường do hư cấu. Người không sáng tác chẳng bao giờ điều ấy. Một anh chàng nói với hàng chục cô gái khiến họ yên tâm với tình cảm của anh ta, bài hát không đến nỗi tệ, nỗi nhớ nhung dai diết. Nhưng ai nhớ? Nhớ ai chứ. Rõ lời bài hát phổ thơ của người khác mà. Anh ta lại bảo: Lời của người khác, nhưng đồng cảm với tôi. Hừm, hãy mượn trái tim kẻ khác đi, tôi không mượn tình yêu.
Nàng nói rằng nhiều khi nàng “mơ thấy tôi đã chết”, rồi nàng quen với giấc mơ ấy. Tôi cũng dần quên đi bài hát đầu tay, bản nháp gần như hoàn thiện ấy. Tôi quên mình là nhạc sĩ từ bao giờ?
Nàng hát các ca khúc do người khác viết, dẫu không thật thành công lắm. Tôi đọc báo thấy người đời, nhất là giới phê bình, rất tinh. Nàng hát hay mọi thể loại, nhưng không thực sự xuất sắc ở thế loại nào.
Nàng chẳng bao giờ tạo ra được đỉnh của sự nghiệp. Song, đúng như tay nhạc sĩ kia từng nhận xét. Cuộc đời không cho ai tất cả. Nàng không phải người hát hay nhất, nhưng lại là người được nhiều người mời hát, nhờ hát nhất. Người ta gọi nàng là nữ hoàng.
Chao ôi một nữ hoàng của hàng trăm ông hoàng. Nàng sống giữa nhung lụa, rằng hào quang phủ quanh nàng làm bằng ngôn ngữ sống động của các tác phẩm thi ca và văn chương. Những lời cầu hôn, những món quà và các cuộc biểu diễn liên miên. Ngay cả lúc nghỉ ngủ, nàng cũng chìm đắm trong mơ mộng.
Ấy vậy mà một hôm nàng biên thư cho tôi. “Em nhận ra một điều, bài hát kia không dành cho em”. Sự phát hiện thật tình cờ. Một bài báo chỉ rõ từng ca khúc gắn với tên tuổi của từng ca sĩ khác nhau. Nàng, người được tung hô nhiều nhất, dĩ nhiên không có tên. Nàng cũng nhận ra, dù lờ mờ thôi, mình không phải người hát hay nhất các ca khúc kia. Chiếc áo không phải được may cho nàng.
“Em không phải ca sĩ giỏi. Em nghĩ thế. Em chẳng bao giờ làm cho tác phẩm của ai khác đạt tới độ viên mãn của nó. Một kẻ mở đường, em để lại những khuyết điểm để người khác trở nên hoàn hảo”.
Em có danh tiếng. Có tiền. Em làm nữ hoàng. Tôi viết cho nàng như thế.
Nàng là nữ hoàng không ngai. Nàng chẳng bao giờ muốn ai nổi tiếng. Sự ích kỷ trong nghệ thuật khiến con người ta trở nên méo mó. Nàng không muốn bó buộc sự nghiệp của mình với một nhạc sĩ hay một tác phẩm nào hết. Nàng muốn thuộc về tất cả, bởi vậy nàng đã chẳng thuộc về ai.
Còn tôi. Tôi chỉ thuộc về nàng.
Tôi chờ đợi ở cuối đường hầm của cuộc đời để đón nàng đến cõi riêng tư buồn bã của tôi, nơi ngổn ngang kỷ niệm như một bảo tàng của các câu chuyện và trách móc. Tôi cứ đợi ở cuối năm, ở mùa đông.
Dù nơi đâu, lúc nào, tôi cũng sẵn sàng để viết tác phẩm cho cuộc đời mình. Tác phẩm dành tặng riêng cho ràng, được đề tựa và thậm chí khi ta ghép những từng chính của tác phẩm, bạn sẽ thấy rõ tên họ và ngày sinh của nàng. Bản thảo dở dang đến tận bây giờ.
Mới rồi, nàng nói sẽ trở về làng. Tôi thực chẳng hiểu nàng về làng để làm gì. Nơi này đâu cần tới ca sĩ. Tôi ngao ngán nghĩ tới cảnh đám thanh niên trong làng nghêu ngao các bản tình ca phố thị, với hẹn hò chóng vánh hay những rung cảm quá đỗi mơ hồ. Bọn trẻ phải được lớn lên bằng tình cảm chất phác đôi khi ngộ nghĩnh nhưng thực tế hơn cả. Phố xá có gì hay? Những mối tình tan vỡ đem lại cho người ta điều gì?
Thứ quan trọng nhất ở làng đó là phân bón, nước tưới và các hợp đồng thu mua dứa, sắn. Sống ở làng tôi đã hiểu người quê không cần lắm tới một nhạc sĩ hay một ca sĩ. Đành rằng ai cũng tự hào, song liệu cô làm được gì ở cái làng mà quá nửa đã bỏ đi tìm việc ở thành thị.
Tôi đón nàng đầu làng. Mái tóc nàng bồng bềnh, nhuộm vàng hoe như đuôi bò. Chiếc va ly to đùng gắn bánh xe, tôi ra sức đẩy. Bọn nhóc lấm lem chạy từ ruộng lên, đòi quà, đòi nghe hát. Nàng bảo lũ nhỏ hát trước đi. Tôi chẳng hát được như đám trẻ. Chúng nghêu ngao cả ngày trên lưng trâu. Anh đã giải nghệ từ ngày bước chân vào nghề sáng tác. Tôi thở dài. Mọi sự thật chóng vánh. Nàng xuất ngoại, lấy chồng, in thiệp đẹp, sống trong hoan lạc và vinh quang. Tôi về làng, dị mọ trong cái am cỏ, cùng lũ gà đồng, với dăm ba con cò trên rặng tre.
Nàng bảo: “Bài hát đâu rồi?”.
Bài hát nào?
“Bài hát viết tặng em đó”.
Lại thế nữa. “Tôi viết tặng cô bao giờ?”.
Nàng ngớ người: “Thế không phải tặng em à?”.
Nói làm sao được nhỉ. Không tặng nàng ư? Vậy tặng ai. Tôi chỉ tặng nàng, không chỉ một mà cả vạn bài hát. Viết cho giọng của nàng, cho tâm hồn nàng, cho quá khứ và tương lai của chúng tôi. Mọi thứ tắt ngấm.
“Một bản nháp, bản thảo thôi”. Tôi nghĩ nàng hiểu. Tình yêu chẳng bao giờ đến từ một phía và bài hát không bao giờ có thể hòan thiện khi người ca sĩ của nó đã bỏ tác giả mà đi mãi.
Em không nghĩ mọi việc lại nghiêm trọng thế. Anh có thể viết theo cảm xúc và trí tưởng tượng của mình.
Tưởng tượng một tình yêu ư? Điều đó có thay thế được tình yêu?
Vâng, anh vẫn mường tượng ra tác phẩm đấy thôi. Một ngôi nhà nhỏ ở Phủ Quỳ yêu dấu, một vườn hoa, dăm ba chú gà rừng ngoài cửa. Chúng ta ngồi bên nhau, cùng hát một bài ca lời lẽ vô nghĩa, buồn cười. Chẳng ai hiểu chúng ta hát cái gì.
Nàng dụi đầu vào vai tôi. Ôi, thời gian và những kỷ niệm xa vời. Mùi đất đai khét lẹt trên tóc tôi và mùi vị của hào quang của nghệ thuật thơm tho trong tóc nàng. Tôi chờ đợi giây phút này từ lâu. Bản thảo trong tay tôi, như vườn hoa, vươn lên những búp, những cành.
Chút nữa hắn qua đón, đang đi tặng quà cho mấy người bà con của em ở ủy ban xã. Ra vậy. Nàng được chính quyền đón tiếp. Ca sĩ nổi tiếng về làng.
Ông ấy đồng ý cho em thăm anh sao?
Không bao giờ. Em chỉ nói em đi thăm thầy giáo cũ. Thầy giáo già quá nên không đi đâu được.
Tôi cặm cụi với những trang bản thảo ố vàng nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nàng bảo em cũng chẳng yêu anh.
“Em đã quen với cuộc sống không tình yêu từ ngày quen anh”. Nàng mỉm cười: “Em đã nổi tiếng chính nhờ trái tim người khác”.
Tôi không hiểu lắm. Nàng bảo nàng thường mường tượng ra những tình yêu, những người phụ nữ của các nhạc sĩ, rồi cố gắng thể hiện điều ấy cho tốt. “Một buổi thu âm, em hóa thân thành mấy người vợ và người tình, thể hiện nửa tá các cuộc tình mà mình chưa bao giờ trải qua”
Ồ, dầu sao người ta cũng không thể lúc nào cũng khóc than trên sân khấu. Dăm ba lần phải diễn đạt tình yêu như một vở kịch ngắn vậy. Em có năng khiếu đặc biệt ấy là có thể hát rất hay về tình yêu nhưng em không nhất thiết phải biết nó là gì.
Chuông điện thoại réo. Nàng vội vã ra đầu làng, nơi có cây thị cổ thụ đang nở hoa. Chiếc xe hơi màu đỏ đắt tiền chay tới đón nàng. Dăm ba cô gái thôn quê chúng tôi tiễn nàng đi sau khi được tặng những hộp phấn dùng dở. Họ chưa bao giờ thấy thần tượng của mình gần gụi như thế. Ai cũng bảo nàng trẻ hơn trên ti vi.
Nàng ngoái nhìn những cô thôn nữ, thấy thích làn da khỏe khoắn tự nhiên của họ và buồn cười khi thấy chúng được phủ một lớp phấn vội vàng và lem nhem. Ngửa mặt nhìn những bông hoa gạo trên trời cao, như nhìn một bức ảnh khổng lồ.
Cơn mưa đổ xuống. Tôi chẳng dám tin nàng lại về thăm tôi. Sự xuất hiện thật đột ngột. Câu hỏi về bài hát ấy, đánh thức một miền ký ức của tôi. Còn hỏi bài hát nữa chứ! Tôi tủm tỉm cười.
Cuộc đời bao gồm cả những giây phút nên thơ. Tôi đã chờ đợi rất lâu, một lời mời từ nhà xuất bản, một hợp đồng từ hãng băng đĩa. Thèm biết mấy, những bàn tròn văn nghệ bàn về công việc sáng tác trên ti vi. Giải thưởng, thu nhập, những điều quan trọng được trao gửi trong tác phẩm.
Tôi không bao giờ hình dung cuối cùng người hỏi về bài hát lại chính là nàng. Tôi choáng nhẹ, giật mình, mỉm cười bâng quơ, không biết phải trả lời làm sao. Tôi là nhạc sĩ, rõ như vậy, với nàng tôi không là gì khác cả. Giữa chúng tôi - tác phẩm. Một tác phẩm ra trò.
Khi bụi đỏ đã tan biến, tôi không còn đứng sau rặng tre. Trở về lều cỏ, lấy bút cặm cụi ngồi viết. Cuối cùng, cũng có người “đặt hàng” tôi một tác phẩm. Phải hoàn thành sớm.
Người ấy không phải các bầu sô, các nhà xuất bản. Người ấy không phải bất kỳ một ai khác.
Viết làm sao nhỉ. Dòng thác cảm hứng tuôn tràn.
Chuyến về quê chóng vánh. Nàng đi làm từ thiện. Nàng hát làm sao được bên ngôi nhà xập xệ của tôi. Đàn vịt kêu nháo nhác và tôi còn đi lượm củi để nấu nước cho khách uống. Cay sè con mắt, khói bụi mù mịt. Đám củi tươi đốt mãi không cháy. Nồi đun nước đen nhẻm. Chiếc ấm sứt vòi chén sứt quai còn phải kỳ cọ lúc nữa.
Hay, sẽ gửi bản nhạc cho nàng đem về thành phố. Nàng giấu nó trong cái túi xách hàng hiệu, vò chúng nhầu nhĩ nhét xuống chiếc giày cao gót. Đừng bao giờ quên món quà quê mùa nhưng chân thật.
Tôi sẽ tặng nàng một giỏ trái cây sau vườn.
Chẳng ai nghe ca khúc của anh viết đâu. Thiên hạ không thưởng thức một tác phẩm mà tác giả viết ra không phải dành cho họ. Rồi hãng băng đĩa sẽ từ chối, khán giả la ó. Sự nghiệp của em khủng hoảng. Em oán anh cũng chẳng giải quyết được gì.
Tôi xếp thếp giấy sáng tác vào chiếc rương gỗ. Những dòng nhạc vẫn nghiêm nghị xếp hàng, không lấm lem một giọt mực. Chúng như thếp bằng khen, những giải lớn thưởng dành cho tôi. Tôi không hại người ca sĩ mình yêu quý nhất bằng tác phẩm.
Tôi vác cuốc ra sau nhà. Tôi đào những hố to, trồng cây ăn quả. Xoài, na, hồng, nhãn, táo và thị nữa.
Những cái cây bé xíu bây giờ, mai sau sẽ lớn lên. Chúng đơm quả chờ nàng trở về. Vườn cây xanh biếc. Mùa nào quả ấy.
Mỗi một trái cây là một bản tình ca dành tặng cho mối tình của chúng tôi. Trái cây hoàn hảo, thơm lừng và đẹp đẽ khác thường.
Nàng có thể đem tặng hoa quả cho mọi người dùng mà không ai biết rằng chúng được trồng lên từ một người nhạc sĩ đã giải nghệ. Khôn ngoan một chút, ăn xong ươm hạt, bạn sẽ có được những cây thị cây hồng sum suê quả ngọt.
Mỗi độ quả chín, đàn chim tự đâu sẽ bay về. Chúng hồn nhiên cùng hòa lên một bài ca vui vẻ bên cửa sổ nay sạm màu.
________________
12/2013
Trần Nguyễn Anh viết truyện ngắn, thơ và làm báo. Anh sống và làm việc ở TP HCM.
L.A.H