Truyền hình trả tiền sẽ có giá sàn

Các mức giá đưa ra cho từng gói dịch vụ, theo nhiều đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền sẽ chấm dứt cạnh tranh từ việc hạ giá, thâu tóm đối thủ bằng tiềm lực tài chính, thậm chí phá hoại hạ tầng kỹ thuật diễn ra thời gian qua.
Không ít đơn vị cung cấp dịch vụ mới tham gia thị trường dùng nhiều chiêu trò để giành khách hàng.

Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNpayTV), hiện Việt Nam có 7 triệu thuê bao, hơn 40 nhà cung cấp dịch vụ với đầy đủ các phương thức và công nghệ truyền dẫn như truyền hình vệ tinh, kỹ thuật số, trong đó truyền hình cáp hữu tuyến (CATV) chiếm 80% thị phần.

Các tên tuổi đứng đầu trên thị trường gồm: Công ty truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam (VTV Cab), truyền hình IPTV (MyTV) và một số đơn vị cung cấp qua mạng internet.

Tại Hội thảo xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền diễn ra ngày 17/6, ông Lương Quốc Huy - Phó tổng giám đốc Công ty truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cho biết sự cạnh tranh giữa các đơn vị phần lớn tập trung vào giá cước thuê bao, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

"Giá thuê bao được các doanh nghiệp đưa ra chỉ 50.000 đồng một tháng. Có doanh nghiệp chỉ lấy phí lắp đặt internet cho khách hàng còn dịch vụ truyền hình trả tiền gần như cho không", ông cho hay.

Kinh nghiệm 20 năm  kinh doanh truyền hình trả tiền, vị này cho biết hạ tầng kỹ thuật của SCTV đã được khấu hao từ trước đó, với tỷ suất lợi nhuận 7-10% rất khó tái đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành, trừ mọi chi phí chính sách khuyến mại, thiết bị đầu cuối, mua bản quyền từ nước ngoài... theo ông Huy, sẽ chắc chắn sẽ không có một nội dung hay với giá bán rẻ như vậy.

Một chiêu cạnh tranh khác, được Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ phát thanh truyền hình Hà Nội (BTS) - Lại Thị Bích dẫn chứng từ trường hợp của gia đình. Sau khi tín hiệu truyền dẫn tự dưng bị ngắt, đội sữa chữa đến kiểm tra thì phát hiện dây cáp bị cắt. "Khi tìm hiểu thì hóa ra nhà hàng xóm vừa lắp truyền hình trả tiền của một hãng khác", bà cho biết.

Bà nhìn nhận điều đó có thể không phải chủ trương của doanh nghiệp, song do áp lực doanh thu, doanh số, thu nhập của nhân viên từng hãng buộc họ phải sử dụng "tiểu xảo" không lành mạnh.

Theo lãnh đạo các hãng, giá thuê truyền hình trả tiền tại Việt Nam thấp, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh gay gắt giữa của các nhà cung cấp. Trong khi, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia mức trung bình 11-30 USD một thuê bao mỗi tháng, thì Việt Nam chỉ 4-5 USD. Trong khi, dịch vụ quá ít kênh, không có kênh độc quyền, phần lớn mua từ nước ngoài, do vậy, các đơn vị chỉ có thể cạnh tranh về mức giá.

Lãnh đạo SCTV cho biết, giảm giá thuê bao trước mắt sẽ giúp thị trường phát triển, song về lâu dài lại bất lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ. Bởi chi phí bản quyền và các chi phí khác đều tăng trong khi số lượng thuê bao giảm khiến các đơn vị khó khăn cân bằng vốn để tái đầu tư.

"Tại sao doanh nghiệp không nghĩ đến xây dựng một nội dung hay, khác biệt với đối thủ, hoặc tích hợp 5-7 dịch vụ trong cùng một sợi cáp thay vì chạy đua bằng các giảm giá thành. Việc xây dựng nên giá sàn là cần thiết để triệt tiêu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hiện nay", ông Huy nói.

Trước đó, cuối năm 2014, VNpayTV đã xây dựng đề án đơn giá truyền hình trả tiền, hiện đang  ý kiến các bên liên quan và trình lên Bộ Thông tin & Truyền thông. Theo đó, mức giá sàn dự kiến cho từng gói của truyền hình Analog dao động 60.000-220.000 đồng một thuê bao mỗi tháng. Kênh số mặt đất và số vệ tinh mức giá sàn thấp nhất là 60.000 đồng, cao nhất là 250.000 đồng

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNpayTV - ông Lê Đình Cường, giá sàn thực chất là giá đầu vào, không phải cơ sở để tăng giá thuê bao các dịch vụ cung cấp truyền hình trả tiền. Khi có mức giá sàn thống nhất, hoạt động dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ giảm bớt cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế những chiêu khuyến mại, giảm giá dịch vụ vô nguyên tắc của các đơn vị có tiềm lực tài chính lớn mạnh hoặc được hỗ trợ từ cơ quan chủ quản..

Song, lãnh đạo BTS cho rằng  kể cả giá sàn được thông qua vấn đề quan trọng nhất vẫn là các đơn vị sẽ thực hiện như thế nào, có thể thống nhất để đặt ra mức giới hạn hay không. "Dù có chính sách nhà nước nhưng doanh nghiệp vẫn làm chui thì vấn đề căn bản là cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn chưa được giải quyết", bà Bích nói.

Theo Theo VnExpress