Truy tìm 'ông tổ' của tên lửa chống hạm

Từ ý tưởng phát triển một loại tên lửa không đối đất có điều khiển để tấn công các mục tiêu di chuyển, các kỹ sư của Đức quốc xã đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một loại vũ khí vô cùng hữu dụng trong tác chiến chống hạm sau này.
Tên lửa không đối đất Hs 293 đã khai sáng kỷ nguyên tên lửa chống hạm hiện đại. Ảnh: Naval

Ý tưởng táo bạo của Đức

Đầu năm 1940, các nhà thiết kế vũ khí của Đức quốc xã đã phát triển một dự án mang tên Hs 293, dựa trên bom lượn Gustav Schwartz Propellerwerke. Hs 293 sử dụng một động cơ nhiên liệu lỏng HWK 109-507, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng sóng radio.

Đứng đầu dự án là tiến sĩ Herbert A. Wagner và quá trình sản xuất diễn ra tại công ty hàng không Henschel Flugzeugwerke. Mục tiêu của dự án là tạo ra một vũ khí để tấn công các tàu chiến không bọc giáp hoặc bọc giáp nhẹ, các tàu thương mại.

Tên lửa tiến hành thử nghiệm lần đầu vào cuối năm 1940, quá trình sản xuất hàng loạt bắt đầu vào năm 1942. Quân đội Đức quốc xã đưa vũ khí này vào sử dụng từ năm 1943. Thiết kế của tên lửa có 2 cánh ổn định ngang ở giữa thân, 2 cánh lái cùng một cánh ổn định dọc ở đuôi. Động cơ đẩy được bố trí dưới bụng của tên lửa.

Tên lửa dẫn hướng theo cơ chế kiểm soát đường ngắm thủ công (MCLOS) bằng sóng radio. Các kỹ sư gắn vào đuôi tên lửa 5 pháo sáng màu để phi công nhìn thấy và điều khiển nó. Trong các nhiệm vụ tấn công ban đêm, đèn nhấp nháy được sử dụng thay thế cho pháo sáng.

Nhược điểm của tên lửa là sau khi phóng, phi công buộc phải bay một đường thẳng song song với nó để duy trì đường ngắm, cho đến khi chạm mục tiêu. Máy bay không được cơ động bởi như vậy, tên lửa sẽ mất điều khiển. Điều đó khiến máy bay phóng Hs 293 rất dễ tổn thương bởi hỏa lực đối phương.

Tầm hoạt động của tên lửa phụ thuộc vào độ cao, nếu phóng từ độ cao 1.400 m, tầm bắn của nó khoảng 12 km. Hs 293 có chiều dài 3,82 m, rải cánh 3,1 m, đường kính 0,47 m, trọng lượng 1.045 kg, đầu đạn nặng 295 kg.

Ban đầu, tên lửa chống hạm Hs 293 gây bất ngờ lớn cho hải quân đồng minh. Nhiều tàu chiến, tàu thương mại bị Hs 293 đánh chìm hoặc hư hỏng nặng. Trong một thời gian dài, nó trở thành "cơn ác mộng" của hải quân đồng minh. Chỉ đến khi các kỹ sư phát triển thành công phương pháp gây nhiễu điều khiển bằng sóng radio, sự nguy hiểm của tên lửa mới được khắc chế.

"Tổ tiên" của tên lửa chống hạm hiện đại

Sau nhiều nỗ lực hoạt động tình báo, lực lượng đồng minh đã có bản thiết kế và một tên lửa nguyên vẹn từ máy bay của Đức quốc xã bị bắn rơi. Một mặt, lực lượng đồng minh nghiên cứu cơ chế dẫn hướng của Hs 293 để phát triển các biện pháp gây nhiễu.

Các loại tên lửa chống hạm hiện đại như BrahMos (ảnh) là mối đe dọa lớn cho bất kỳ tàu chiến nào. Ảnh: List10

Đồng thời, dựa trên tài liệu kỹ thuật sẵn có, Mỹ đã phát triển thành công bom lượn có điều khiển Bat dẫn đường bằng radar chủ động. Người Mỹ đưa vũ có điều khiển của họ vào sử dụng năm 1944, khoảng 1 năm sau khi Hs 293 thực hiện vụ tấn công đầu tiên.

Sau khi kết thúc Thế chiến II, Hải quân Mỹ đã phát triển Bat thành tên lửa chống hạm phóng từ trên không đầu tiên của họ. Với Liên Xô, khi tiến vào Berlin họ đã thu thập rất nhiều tài liệu kỹ thuật liên quan đến dự án cùng 12 tên lửa nguyên vẹn.

Phòng thiết kế KB-47 được giao nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu nhằm phát triển một vũ khí có tính năng tương tự. Năm 1955, Liên Xô phát triển thành công tên lửa chống hạm phóng trên không KS-1 Komet.

Các kỹ sư Liên Xô trang bị cho KS-1 động cơ phản lực RD-500K giúp nó có tầm bắn tới 90 km. Moscow tập trung khá mạnh vào công nghệ tên lửa chống hạm đưa họ trở thành quốc gia phát triển nhiều vũ khí chống tàu nhất thế giới.

Cơ chế điều khiển của Hs 293 còn nhiều hạn chế, nhưng nó đã mở ra khả năng tấn công các tàu chiến từ xa với độ chính xác cao. Ngày nay, tên lửa chống hạm là mối đe dọa thường trực cho các loại tàu chiến hiện đại.

Theo Theo Zing