Trường vừa xây trăm tỷ đã xuống cấp

TP - Tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn thành năm 2011 với tổng mức đầu tư 232 tỷ đồng, Trường THPT Trần Cao Vân được xây dựng với kinh phí 16 tỷ đồng. Cả hai công trình trọng điểm này đều do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã xuống cấp nghiêm trọng.
Phần móng dãy phòng học trường Trần Cao Vân bị dịch chuyển, nứt toác

Vừa học vừa lo

Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam, với tổng mức đầu tư 232 tỷ đồng. Dù bề ngoài rất khang trang, bề thế, nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng khoảng 1 năm, nhiều hạng mục xuống cấp, tường thâm đen do mưa dột, thấm nước, trần hành lang và phòng học bị bong tróc, cửa gỗ hư hỏng… 

Việc xuống cấp đã ảnh hưởng đến tâm lý, việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Nhà trường đã có văn bản phản ánh tình trạng xuống cấp, đơn vị thi công đã nhiều lần khắc phục. Tuy nhiên, đến mùa mưa một số phòng học lại bị thấm dột. Theo phản ánh của nhà trường, nguyên nhân chính là mái kết cấu đúc bê tông nhưng không lợp tôn, ngói chống thấm.

Thầy Hiệu trưởng Lê Nguyên Bảng, cho biết, trường đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT phản ánh tình trạng này. Vừa qua, đơn vị thi công đã tiến hành khắc phục, nhưng việc tái diễn hay không còn phải chờ đến mùa mưa mới biết.

Trường THPT Trần Cao Vân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngôi trường này được đầu tư 16 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ năm học 2009 - 2010, nay đã trong tình trạng xuống cấp nặng. Tại khu hiệu bộ, nhiều phòng bị nứt nẻ với những vệt kéo dài ngang dọc, móng sụt lún. Dãy nhà 3 tầng, 18 phòng học nhiều vị trí nứt toác ngay trên đầu học sinh, ngoài hành lang. Nhiều vị trí ở phần móng các dãy nhà bị nứt và chuyển dịch để lại những khe hở lớn.

Thầy Đào Kim Tân, Phó Hiệu trưởng trường này cho biết:  Năm học đầu tiên, nhiều hạng mục xuống cấp rất nhanh, đến nay nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tượng nứt nẻ, thấm, sụt lún thấy rất rõ, khiến giáo viên, học sinh không yên tâm. Vào mùa mưa, nước thấm qua các khe nứt, chảy vào các phòng học. Cũng theo thầy Tân, nhà trường đã phản ánh tình trạng ngay từ đầu, nhưng các biện pháp xử lý đều là tình huống. Thậm chí, trường phải tự bỏ kinh phí ra!

Thi công quá nhanh?

Trao đổi với phóng viên, một số thầy, cô giáo Trường THPT Trần Cao Vân cho biết, quá trình thi công một số hạng mục diễn ra rất nhanh, khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Ví dụ 10 phòng học dãy nhà 3 tầng và 10 phòng chức năng đơn vị thi công làm trong vòng chưa đến 2 tháng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đến nay, các dãy này đều xuống cấp.

Khắc phục tình trạng xuống cấp ở trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Lê Phan Minh Tuấn, Phó Ban Quản lý Dự án xây dựng (Sở GD&ĐT Quảng Nam), cho biết: Cả 2 trường này đều do một đơn vị trúng thầu và thi công. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của 2 trường này không giống nhau. Để khắc phục, Sở sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh để sớm có biện pháp xử lý. Riêng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sở sẽ khắc phục bằng cách lợp tôn toàn bộ các dãy nhà có đúc bê tông, việc lợp tôn tuy không đảm bảo về thẩm mỹ nhưng sẽ đảm bảo việc chống thấm cho công trình.     

Chất lượng đã kiểm định?

Theo ông Lê Phan Minh Tuấn, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục. Trách nhiệm trước mắt thuộc về chủ đầu tư. Việc các trường học vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về thiết kế, sụt lún, chống thấm và do thời tiết. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, các trường hư hỏng chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ còn chất lượng công trình không hề ảnh hưởng, vì đã được kiểm định (!?)