Trung tâm hỗ trợ nông dân thành nhà nghỉ

TP - Nằm cạnh bờ biển, chỉ cách Trung tâm thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) vài kilomet, nhiều năm nay, Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên ít người lui tới.

Được T.Ư Hội Nông dân đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để sử dụng làm nơi hỗ trợ nông dân miền Trung – Tây Nguyên nhưng hầu như Trung tâm này không được sử dụng đúng mục đích. 

Chi nhánh Trung tâm này khánh thành vào cuối tháng 3/2011. Trên khu đất 4,7ha, Trung tâm gồm khối nhà dịch vụ cao bốn tầng, có phòng hội thảo, đào tạo tin học, câu lạc bộ... và khối nhà hai tầng làm hội trường, nhà ăn. Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, cổng chính luôn đóng kín vì cửa sắt đã bị han gỉ. Khách ra vào phải đi bằng lối cổng phụ.

Khi phóng viên đến đây, cổng vào đìu hiu, nhiều phòng khóa cửa đã hoen gỉ. Ở khối nhà bốn tầng có treo tấm biển “Nhà khách chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân - nông thôn miền Trung - Tây nguyên”. Được biết, cả khu này có 38 phòng nghỉ nhưng vắng hoe, nhiều mảng sơn đã bong tróc lộ ra nhiều mảng rêu mốc lớn. Khối nhà làm hội trường và nhà ăn phía sau cũng cửa đóng then cài.

Chúng tôi được nhân viên tại Trung tâm này dẫn đi xem từng phòng ngủ và khu hội trường nhà ăn. Có lẽ do lâu không có người lui tới nên nhiều cánh cửa phòng đã hoen gỉ. Khu hội trường khóa đã gỉ đen nên phải mất gần năm phút nhân viên trung tâm mới mở được cửa để cho chúng tôi vào xem. 

Đúng là hội trường lâu ngày không sử dụng, bụi phủ một lớp dày lên bàn, ghế. Trên bục vẫn còn treo biển lớp tập huấn ghi ngày tháng năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Ở đây cả năm mới có một đoàn khách của Trung ương vào hội thảo, tập huấn nên hội trường gần như bỏ không”, nhân viên này nói. Khi được hỏi về hệ thống điều hòa, âm thanh, máy chiếu, nhân viên tại đây cho biết, máy chiếu đang bị hỏng nếu đơn vị cần thì họ sẽ thuê ngoài giúp.

 Nói về thủ tục làm hợp đồng thuê nghỉ, nhân viên trung tâm cho biết, do giám đốc ở Hà Nội nên mấy tháng mới vào một lần, nếu cần làm hợp đồng thì sẽ gửi ra Hà Nội để giám đốc ký rồi chuyển vào sau.

Nơi đây được giới thiệu giá cả phải chăng, sạch sẽ, phục vụ tốt và chuyên nghiệp dù chỉ có 6 nhân viên, cả bảo vệ. Trên tấm card visit đưa cho khách, một mặt ghi rõ “phòng nghỉ đạt chuẩn, tất cả phòng đều có tầm nhìn hướng biển. Nhà hàng sức chứa 250 khách. Hội trường sức chứa 70 – 250 chỗ ngồi, chuyên phục vụ hội thảo, hội nghị”. 

Ngoài ra, theo giới thiệu, trung tâm còn sẵn sàng nhận tổ chức tham quan du lịch trong và ngoài nước, đặt vé máy bay, tàu hỏa, xe khách, cho thuê xe du lịch, hướng dẫn viên, dịch vụ dã ngoại, tắm biển miễn phí. Thực đơn cũng được chuẩn bị làm 2 loại, mức giá dao động từ 70.000- 90.000 đồng/suất. Mới đọc qua, cứ nghĩ rằng đây là một khách sạn chuyên về du lịch chứ không phải là một nhà khách của trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn.

Trưa 4/4, phóng viên Tiền Phong liên hệ với một nhân viên tên H. của Trung tâm, hỏi về thủ tục đặt phòng trước cho đoàn khách khoảng 250 người. Chị H. cho biết, nhà khách chỉ đủ chỗ cho khoảng 160 người nếu ở ghép 4 người một phòng. “Giá cả là 220 nghìn/phòng 4 người. Đây là giá bên Hội Nông dân đấy”, chị H. nói. Cũng theo chị H, nhà ăn phục vụ khoảng 200 khách, trong khi hội trường đủ chỗ cho 350 người. Tỏ ý băn khoăn về đội ngũ phục vụ hơi ít, chị H. cho biết thêm, một khi đã nhận yêu cầu của khách thì phải chịu trách nhiệm hết, không phải lo vẫn đủ người phục vụ vì sẽ thuê tạm nhân viên bên ngoài làm theo giờ. “Anh đặt thì chỉ cần thấy giá cả hợp lý, thống nhất hai bên làm hợp đồng. 

Nếu vào được thì tốt, không thì chỉ cần làm qua mail, hoặc chuyển phát nhanh. Ký kết đàng hoàng xong đặt cọc”, chị H. nói. Cũng theo chị H. nếu khách đi theo đoàn đông thì sẽ dọn dẹp sạch sẽ từ sảnh, hội trường, phòng nghỉ chứ không để tình trạng bụi bặm. “Chỗ mình chỉ cần bước xuống sảnh, xuống sân là có thể tắm biển. Đi ít người thì hơi buồn, nhưng tổ chức đông thì chỗ mình là hợp lý nhất. Phòng ốc rộng rãi, thoải mái”, chị H. nói.