Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên đưa tên lửa đạn đạo lên tàu chiến mặt nước?

TPO - Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Hải quân Trung Quốc, chính thức được gọi là PLAN (Hải quân Giải phóng quân Nhân dân), có thể đưa tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) lên các tàu tuần dương mới của họ.

Đây là những vũ khí được mệnh danh là 'Sát thủ tàu sân bay' vì sức công phá lớn của chúng. Đây sẽ là lần đầu tiên hải quân một nước đưa tên lửa đạn đạo lên tàu chiến mặt nước. Các tàu tuần dương của Hải quân Trung Quốc khi đó sẽ được cho là lực lượng tác chiến mặt nước được trang bị mạnh nhất trên thế giới.

Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020 trước Quốc hội Mỹ nói rằng tàu tuần dương lớp Renhai Type-055 mới “có thể sẽ phóng ASBM và LACM (tên lửa hành trình tấn công mặt đất) khi những vũ khí này được trang bị cho tàu”. Báo cáo xuất hiện ở hai phiên bản, có và không có thông tin mật. Trong phiên bản không chứa thông tin mật, người ta không nêu bằng chứng đằng sau khi đưa ra khẳng định. Nhưng đó sẽ là một sự phát triển hợp lý, và sẽ khiến tàu chiến Trung Quốc trở nên khác biệt so với tất cả các tàu chiến khác trên thế giới.

Tàu tuần dương lớp Renhai đầu tiên mới chỉ được đưa vào hoạt động vào tháng Giêng năm nay (Trung Quốc gọi lớp tàu này là tàu khu trục Type 055-PV). Nhưng con tàu thứ 8 đã được hạ thủy vào ngày 30 tháng 8.

Với lượng choán nước hơn 10.000 tấn, các tàu tuần dương Lớp Renhai là những tàu chiến ấn tượng. Chúng được trang bị radar mảng pha rất lớn tương tự như hệ thống AEGIS của hải quân Mỹ. Hệ thống của Trung Quốc mới hơn ở một số công nghệ chính. Nó sử dụng AESA (mảng quét điện tử chủ động) trong khi SPY-1 trên tàu Mỹ sử dụng PESA (mảng quét điện tử thụ động). Tuy nhiên, không có dữ liệu về hiệu suất và hiệu quả chiến đấu của hệ thống tổng thể trên tàu Trung Quốc.

Và các tàu Renhai (Nhân Hải) được trang bị 112 ống phóng tên lửa, được gọi là VLS (hệ thống phóng thẳng đứng), nhiều hơn trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke nhưng ít hơn các tàu tuần dương lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ. Cũng cần lưu ý rằng tàu chiến Mỹ nếu lựa chọn cấu hình tên lửa nhỏ hơn có thể được nạp lại đạn nhiều lần.

Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc là loại CSS-5 Mod 5, hay còn được gọi là DF-21D. Tên lửa dài 10,6m, có thiết bị cho phép nó  điều chỉnh hướng bay  để tấn công tàu. Nó có tầm bắn hơn 1.400km và được thiết kế đặc biệt để đe dọa hàng không mẫu hạm. Tên lửa DF-26 có tầm bắn xa hơn cũng được cho là có khả năng nhắm vào tàu chiến. Hiện tại, các tên lửa này được đặt trên bờ bằng bệ phóng xe tải di động. Nhưng các tàu tuần dương được trang bị vũ khí tương đương có thể thay đổi cuộc chơi, mở rộng phạm vi hoạt động của chúng ra Thái Bình Dương.

Theo đại úy Chris Carlson, cựu sĩ quan tình báo và chuyên gia tình báo kỹ thuật Mỹ, có thể tên lửa đạn đạo trên tàu chiến Trung Quốc là một loại vũ khí mới được phát triển. DF-21D quá lớn, không vừa với VLS hiện có trên tàu lớp Renhai. Vì vậy, có thể sẽ có một VLS đã được sửa đổi, hoặc một tên lửa mới. Carlson nghi ngờ điều thứ hai. Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng cho thấy một ASBM mới đã được thử nghiệm, vì vậy điều này có thể mất một vài năm mới diễn ra.

Vũ khí hiện tại của lớp Renhai bao gồm tên lửa đất đối không HHQ-9, được nói là, tương đương với họ tên lửa RIM-66 Standard của hải quân Mỹ. Chúng có tầm bắn tối đa 320km chống lại máy bay. Hệ thống của Trung Quốc dường như thiếu khả năng chống tên lửa đạn đạo (ABM) như hệ thống tên lửa của Mỹ.