Trung Quốc 'sao chép' đoàn tàu tên lửa đạn đạo Nga

Đoàn tàu tên lửa đạn đạo RT-23 là thiết kế vũ khí mới nhất của Nga có thể bị Trung Quốc sao chép.

Tạp chí quân sự Jane’s dẫn lời nguồn tin quân sự giấu tên từ Mỹ cho biết, vào cuối năm 2015 Quân đội Trung Quốc đã tiến hành phóng thử nghiệm tổ hợp tên lửa đạn đạo di động thế hệ mới được tích hợp trên một đoàn tàu hỏa. Nó do Tổng công ty khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển với nền tảng chính là các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41.

Mặc dù buổi thử nghiệm vào đầu tháng 12/2015 không phóng thử bất cứ tên lửa đạn đạo DF-41 nào nhưng CASC đã cho chạy thử nghiệm đoàn tàu tên lửa đạn đạo di động đặc biệt này. Một tên lửa đạn đạo DF-41 cũng đã được triển khai trong quá trình thử nghiệm tuy nhiên động cơ đẩy của nó lại không được khởi động.

Hình ảnh được cho là đoàn tàu "tử thần" của Trung Quốc với một tên lửa đạn đạo DF-41.

Nhưng điều này lại chứng minh rằng đoàn tàu “tử thần” của Trung Quốc đã gần như hoàn thiện nhất là hệ thống ống phóng tên lửa thẳng đứng được tích hợp sẵn vào trong trong các khoang tàu. Và nó đã sẵn sàng cho một buổi phòng thử nghiệm chính thức được cho là vào cuối năm 2015.

Theo thông tin của một số quan chức Mỹ tiết lộ với tờ The Washington Free Beacon cho hay, CASC đã lần đầu tiên phóng thử nghiệm DF-41 từ một đoàn tàu hỏa mang theo nó vào ngày 21/12/2015.

Điều này càng khẳng định sự quan tâm của Quân đội Trung Quốc trước việc tăng cường khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược của nước này trước một cuộc tấn công phủ đầu từ đối phương. Trước đó vào tháng 5/2012, cựu chỉ huy lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Đại tướng Victor Esin tiết lộ rằng Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một biến thể đường sắt của tên lửa đạn đạo DF-41.

Chương trình kiểm soát vũ khí do Đại học Georgetown của Mỹ thành lập cho biết, trong năm 2013 Trung Quốc đã tiếp cận được một đoàn tàu mang tên lửa đạn đạo RT-23 của Ukraine do Cục thiết kế Yuzhnoye của Liên Xô chế tạo. Tuy nhiên đa phần các đoàn tàu “tử thần” RT-23 đều được Quân đội Nga sử dụng sau khi Liên Xô sụp cho đến năm 2005 thì chúng bị tạm ngưng hoạt động.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa di động DF-41 của Trung Quốc.

DF-41 là mẫu tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của Quân đội Trung Quốc hiện nay, nó có tầm bắn lên tới 14.000km và có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân đủ khả năng tấn nhiều mục tiêu cùng một lúc. Biến thể DF-41 đầu tiên được đặt trên khung gầm xe tải đặc chủng hạng nặng 18 bánh.

Hiện tại Trung Quốc vẫn chưa công bố hay để lộ bất cứ hình ảnh nào về biến thể mới tổ hợp tên lửa đạn đạo di động DF-41, nhưng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cho tiến hành xây dựng các đường hầm đặc biệt dành cho các đoàn tàu “tử thần của nước này. Một nguồn tin từ Đài Loan cũng cho rằng Quân đội Trung Quốc đã phải xây dựng từ 1.000-2.000km đường sắt để đáp ứng các đoàn tàu mang theo tên lửa đạn đạo.

Không chỉ riêng Trung Quốc, hiện nay Nga cũng đang tiến hành phát triển thế hệ thứ hai của đoàn tàu “tử thần” RT-23 với tên gọi là Barguzin. Đoàn tàu mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Nga có thể sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2020. Được biết, một đoàn tàu tử thần hay một trung đoàn tên lửa RT-23 có thể mang theo tới 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-24.

Theo Theo Kiến Thức