Các cuộc đàm phán sắp tới về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các nước ASEAN nhằm giảm căng thẳng và xung đột tại đây nhiều khả năng sẽ khó khăn khi Trung Quốc đang đòi hỏi nhiều điều khoản khó chấp nhận đối với các nước còn lại, theo các tài liệu mà Reuters có được.
Một số nước ASEAN muốn COC cấm nhiều hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện tại biển Đông trong vài năm trở lại đây, ví dụ xây đảo nhân tạo, phong tỏa, triển khai vũ khí có tính gây hấn như tên lửa, theo một dự thảo COC mà Reuters có trong tay.
Theo văn bản này, một số quốc gia ASEAN đang thúc đẩy việc cấm thành lập bất cứ vùng nhận dạng phòng không nào, thứ Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập tại biển Hoa Đông vào năm 2013. Các quan chức Trung Quốc đã không loại trừ động thái tương tự trên biển Đông. Nếu tuyên bố việc này, Trung Quốc sẽ đòi hỏi mọi máy bay khi bay qua đây phải thông báo với phía Trung Quốc.
Bản dự thảo cũng xác nhận các bản tin trước đó nói rằng Trung Quốc muốn các cuộc tập trận chung với những cường quốc ngoài khu vực bị cấm trừ khi các bên cùng đồng ý. Thêm vào đó, Trung Quốc muốn loại bỏ các công ty khai thác dầu nước ngoài bằng việc ra điều kiện rằng các thỏa thuận khai thác dầu khí chỉ được phép diễn ra giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Các chuyên gia nói cả hai điều này đều sẽ bị một số nước ASEAN phản đối mạnh mẽ.
“Đó là điều không chấp nhận được”, một nhà ngoại giao ASEAN nói với Reuters khi đề cập chuyện cấm tập trận với quốc gia ngoài khu vực.
Theo nhà ngoại giao ASEAN nói trên, vòng đàm phán về COC tiếp theo sẽ diễn ra tại Myanmar trong quý 1 năm 2019.
Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh khu vực, thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và chiến lược (Mỹ) nói bà tin rằng các đề nghị gây tranh cãi của Trung Quốc là không thể chấp nhận được đối với nhiều quốc gia chủ chốt trong ASEAN, cũng như Mỹ và các đồng minh.
“Những người trong chính phủ Mỹ mà tôi trao đổi đều nói rằng đây (bản dự thảo) là bằng chững rõ nhất cho thấy Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực biển Đông”, bà Glaser nói.