Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc triển khai 18 tàu chiến, tàu bảo vệ bờ biển, một tàu chở hàng dân sự và một tàu phá băng Nam Cực đã kéo căng lực lượng hậu cần và tiếp tế của hải quân nước này.
Trung Quốc đang xây dựng căn cứ trên các đảo và rạn san hô tranh chấp ở biển Đông, nhưng căn cứ hải quân xa nhất ở phía nam của họ là trên đảo Hải Nam, vẫn cách 3.000 hải lý so với nơi mà đội tàu chiến của nước này đang tìm kiếm chiếc máy bay MH370.
Các nhà hoạch định Hải quân Trung Quốc biết họ sẽ phải lấp vào chỗ trống chiến lược đó để đáp ứng khát vọng có một hải quân phát triển toàn diện vào năm 2050.
Khả năng tiếp cận của họ đối với khu vực Đông Nam Á hoặc xa hơn là đặc biệt cần thiết trong những tình huống căng thẳng và khi Trung Quốc quyết tâm hướng tới mục tiêu thách thức địa vị thống trị hải quân lâu nay của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ lợi ích chiến lược của họ trên thế giới.
“Khi hiện diện và hoạt động quân sự của Trung Quốc tăng, họ sẽ muốn có những căn cứ và cảng biển hỗ trợ, giống như Mỹ”, ông Ian Storey, chuyên gia phân tích an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói với Reuters.
Ngược lại, Mỹ đã xây dựng mạng lưới căn cứ rộng khắp ở Nhật Bản, đảo Guam và Diego Garcia, nhưng bằng quan hệ đồng minh an ninh chính thức và hiệp định tiếp cận và sửa chữa với các nước bạn bè, trong đó có những cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc tiếp cận cảng biển của nước ngoài tương đối dễ dàng khi thực hiện tìm kiếm, cứu hộ nhân đạo, như chiến dịch tìm kiếm MH370 hay tuần tra chống hải tặc ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi, nhưng những lúc xảy ra căng thẳng hay xung đột lại là vấn đề khác.
“Nếu thực sự có căng thẳng và nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc với đồng minh của Mỹ ở Đông Á thì rất khó tưởng tượng tàu chiến Trung Quốc sẽ được phép đi vào cảng biển của Úc để nhận tiếp tế”, một nhà phân tích ở Bắc Kinh nói.
Chuỗi ngọc trai
Ông Zha Daojiong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, nói rằng, chiến dịch tìm kiếm ở Ấn Độ Dương là tình huống đặc biệt và các nhà chiến lược của Trung Quốc biết họ không thể tự động dựa vào các cảng của đồng minh Mỹ nếu căng thẳng tăng cao.
Hải quân Trung Quốc đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị đến các cảng từ châu Á và Thái Bình Dương tới Trung Đông và Địa Trung Hải trong những năm gần đây, nhưng việc thảo luận về khả năng tiếp cận lâu dài vẫn còn một chặng đường dài.
Các nhà phân tích và quan chức Trung Quốc nổi giận trước ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng tạo dựng cái gọi là “chuỗi ngọc trai” bằng cách rót tiền cho phát triển cảng biển trên khắp Ấn Độ Dương, trong đó có Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.
Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng, những cảng này sẽ không bao giờ phát triển thành căn cứ của Trung Quốc, thậm chí thỏa thuận về quyền tiếp cận lâu dài cũng không chắc chắn vì điều đó đòi hỏi lòng tin chiến lược vững chắc và tình hình chính trị của những nước này không ổn định.
Dù hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh, nhiều chuyên gia tin rằng, Trung Quốc phải mất ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể bảo đảm các tuyến đường vận tải ngoài khơi chắc chắn ở những khu vực xa xôi như Trung Đông.
“Ngoài căn cứ hải quân quan trọng ở Hải Nam, tôi không thấy có nơi nào Trung Quốc có thể tiếp cận các cảng mà họ cần ở Đông Nam Á trong tương lai. Những tranh chấp ngày càng căng thẳng với các nước như Philippines khiến Trung Quốc khó làm điều đó”, nhà phân tích Richard Bitzinger ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nói.
Cuộc họp của các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc diễn ra từ ngày 21 đến 22/4 tại Thái Lan đã ghi nhận một số đề xuất gần đây của Trung Quốc về tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN, trong đó có việc xây dựng Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, tăng cường hợp tác biển, Vụ Thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 23/4. Đây là cuộc họp lần thứ 20 về quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc và lần thứ 7 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông và tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.