Trung Quốc giảm lãi suất, chứng khoán toàn cầu hân hoan

TP - Các thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua đã hồi phục nhờ việc ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất chủ chốt, sau khi chỉ số chứng khoán nước này sụt giảm mạnh trong ngày thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định còn nhiều nguy cơ trong dài hạn.
Động thái cắt giảm lãi suất của Trung Quốc ngay lập tức gây tác động tích cực lên chứng khoán toàn cầu. Ảnh: Today Online

Các thị trường chứng khoán châu Âu gần như đã hồi phục mức sụt giảm của phiên giao dịch hôm 24/8, với hầu hết chỉ số đều tăng ít nhất 4%, còn chứng khoán Mỹ cũng tăng ngay trong khi thị trường mở cửa vào sáng 25/8 (giờ Mỹ).

Vài giờ sau khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải tiếp tục giảm sâu, với mức 7,6%, ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định can thiệp. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ năm trong vòng 9 tháng qua nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, mức lãi suất cho vay trong 1 năm được hạ 0,25 điểm phần trăm xuống 4,6%. Ngân hàng này còn tăng lượng tiền cho vay bằng cách giảm 0,5% điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ tối thiểu, China Daily đưa tin. Động thái này được thực hiện khi Bắc Kinh có vẻ đã từ bỏ chính sách yêu cầu các công ty nhà nước mua cổ phiếu để chặn đà suy giảm của thị trường.

Bước đi của ngân hàng Trung Quốc được nhiều nhà kinh tế hoan nghênh. “Quyết định cắt giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ được nhiều nhà đầu tư coi là muộn. Tuy nhiên, phép thử sẽ có tác dụng sau một đêm, và hiệu quả của việc này là thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước”, Reuters dẫn đánh giá của tổ chức tín dụng JP Morgan.

Nguy cơ dài hạn

Hôm 14/8, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) gợi ý rằng họ sẽ giảm can thiệp vào thị trường, và chỉ ra tay khi “thị trường biến động mạnh và gây nguy hiểm cho hệ thống”.

Các nhà phân tích cho rằng hành động giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể tạm thời làm dịu thị trường, nhưng triển vọng bấp bênh trong thời gian dài chắc chắn sẽ lại khiến thị trường Trung Quốc biến động mạnh. “Kinh tế Trung Quốc phải trải qua con đường gập ghềnh trong một thời gian, và tình trạng lúc lên lúc xuống sẽ gây tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu”, AP dẫn lời GS Kamel Mellahi ở Trường Kinh doanh Warwick (Anh). “Điều chúng ta đang nhìn thấy là một sự diễn tập cho những điều sắp đến”, GS Mellahi nói.

Giới quan sát cũng cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ lớn từ dư địa của trận động đất trên thị trường. Nhiều công ty đa quốc gia có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc nhằm hướng tới thị trường đông dân này cho biết họ đang giảm mạnh hoạt động sản xuất, BBC đưa tin.

Biện pháp kích thích bằng tiền tệ có thể giúp hồi phục thị trường trong ngắn hạn, nhưng cũng có nguy cơ thổi phồng bong bóng nợ đang ở mức nguy hiểm của Trung Quốc và tăng nguy cơ sụp đổ trong dài hạn.

Sau vài thập kỷ tăng trưởng nhanh, Trung Quốc giờ đang mất dần động lực. Các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại những công ty và quốc gia dựa vào nhu cầu cao từ Trung Quốc về hàng hóa và dịch vụ thương mại sẽ chịu ảnh hưởng. Dù kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại sẽ tác động xấu đến lợi nhuận của các công ty, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng thị trường chứng khoán nước này đã bị thổi phồng quá mức.

Theo hãng tư vấn kinh tế Capital Economics, rất ít nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, với khoảng 1,5% chứng khoán Trung Quốc do người nước ngoài sở hữu, và nước này cũng vẫn giới hạn đầu tư nước ngoài vào chứng khoán của họ. Tuy nhiên, nếu xảy ra khủng hoảng thì cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước và công ty xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nỗi lo lắng về sức khỏe của kinh tế Trung Quốc đã khiến giá nhiều mặt hàng như quặng sắt và đồng giảm trong tuần này. Những nước như Úc và Brazil đang chịu thiệt hại từ việc Trung Quốc giảm nhu cầu mua các loại nguyên liệu thô, CNN đưa tin.

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo hôm qua mất 4% khi thị trường đóng cửa, nhưng các chỉ số Hang Seng của Hong Kong, S&P ASX 200 của Sydney, Kospi của Seoul và Straits Times của Singapore tăng từ 0,7 – 2,7%. Trong phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số CAC-40 của Pháp, DAX của Đức, FTSE 100 của Anh, Dow Jones và S&P 500 của Mỹ tăng từ 3,7 – 4,3%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la Mỹ tăng từ 118,69 yen lên 120,12 yen/USD. Đồng euro giảm xuống 1,1494 USD so với mức 1,1591 USD của phiên giao dịch trước. Giá dầu thô tăng 1,02 USD/thùng lên mức 39,26 USD.