Cụ thể, ông Lý Hướng Dương, Bí thư đảng ủy kiêm Viện trưởng và ông Hàn Phong, Bí thư Ủy ban KTKL đảng ủy, Phó Viện trưởng đều bị cách chức và “cảnh cáo nghiêm khắc” trong đảng.
Tại hội nghị toàn thể Viện KHXH, khuyết điểm của họ được thông báo: Tháng 8/2013, Viện nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu sử dụng hơn 153 ngàn tệ lấy từ nguồn hội phí công đoàn để tổ chức cho cán bộ nhân viên đi du lịch Nội Mông; hai lãnh đạo cao nhất của viện không những không ngăn cản mà còn tham gia hoạt động du ngoạn bằng tiền công này; Viện trưởng Lý Hướng Dương khi đi công tác còn dùng tiền công mua vé máy bay hạng thương gia trái quy định.
Ngoài việc bị kỷ luật đảng và hành chính, ông Dương còn bị buộc nộp trả 6.670 tệ tiền vé máy bay đã chi trái quy định. Hai ông cũng phải bỏ tiền túi nộp lại khoản đã chi trong chuyến du lịch Nội Mông.
56 vụ tham nhũng ở các trường đại học
Vụ việc ở Viện KHXH Trung Quốc được coi chỉ là phần nổi của tảng băng của nạn tham nhũng hủ bại trong giới trí thức. Từ năm 2014 đến nay, riêng UBKTKLTW đã công bố 56 vụ tham nhũng trong các trường đại học, có ít nhất 83 quan chức lãnh đạo các trường bị điều tra xử lý, đã có 14 người bị khai trừ đảng và cách chức.
Từ tháng 10/2015, UBKTKLTW đã tiến hành đợt “tuần thị” (thanh tra) vòng 3 kéo dài 2 tháng đối với 31 đơn vị, trong đó có một số trường đại học. Cuộc thanh tra chưa kết thúc, nhưng đã có nhiều quan chức lãnh đạo các trường đại học bị bãi chức.
Chỉ trong vòng 1 tuần, một loạt quan chức lãnh đạo 5 trường đại học trọng điểm bị mất chức vì vi phạm kỷ luật: Ngày 24/11, 8 quan chức cao cấp Đại học Truyền thông Trung Quốc bị xử lý vì phi phạm “8 điều quy định”, trong đó Hiệu trưởng Tô Chí Vũ, Hiệu phó Lã Chí Thắng bị bãi chức do “vi phạm quy định về sử dụng xe công, dùng phòng quá tiêu chuẩn quy định, dùng tiền công chè chén, đãi khách”. Ngày 1/12, Vương Thứ Chiếu- Viện trưởng Học viện Âm nhạc trung ương, Dương Phóng Xuân- Hiệu phó ĐH Bưu điện Bắc Kinh, Lưu Á- Hiệu phó ĐH Ngoại thương cũng bị cách chức.
Vương Thứ Chiếu phạm lỗi tổ chức đám cưới cho con gái linh đình, lợi dụng chức quyền để yêu cầu đồng nghiệp, cấp dưới phục vụ hôn lễ, đưa vợ đi cùng khi công cán, đang là nghiên cứu sinh nhưng hướng dẫn Tiến sĩ, chiếm nhiều nhà ở…Dương Phóng Xuân lập quỹ đen để chi tiêu, nhậu nhẹt...
Đến ngày 7/12, thêm ông Hồ Thiết Huy- Phó hiệu trưởng Đại học Trung Nam bị cách chức, khai trừ đảng vì mưu lợi cho người khác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản rồi chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật vì bị nghi phạm tội nhận hối lộ.
Trường Đại học Nhân dân, cái nôi đào tạo ra nhiều nhân tài quản lý nay bị coi là một điển hình về mua bán học vị để kiếm tiền. Trưởng phòng tuyển sinh Thái Vinh Sinh ngày 3/12 đã bị Tòa án Nam Kinh đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ. Bản khởi tố của Viện kiểm sát cho biết, trong thời gian từ 2005 đến 2013, Sinh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp các cá nhân được hưởng lợi trong tuyển sinh, điều chỉnh ngành học rồi nhận hối lộ tổng số hơn 23,3 triệu nhân dân tệ (81,55 tỷ VND).
Sau khi vụ việc bị phát hiện, ngày 26/11/2013, Sinh mang theo hộ chiếu giả định chuồn sang Canada qua ngả Thâm Quyến nhưng bị chặn lại rồi bị bắt ngày 30/4/2014.
Danh hiệu Viện sỹ cũng bị mua bán
Không chỉ các học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ bị ô danh, trở thành vật trang sức cho quyền lực, mà danh hiệu cao quý Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc - nơi được coi là “Thánh đường khoa học” cũng có dấu hiệu bị mua bán.
Trương Thử Quang, Cục trưởng Vận tải Bộ Đường sắt kiêm Phó Tổng công trình sư, “chuyên gia số 1 về kỹ thuật đường sắt cao tốc”, Giáo sư hai trường đại học sư phạm Bắc Kinh và Đại Liên (đã bị tòa án Bắc Kinh tuyên phạt án tử hình hoãn thi hành 2 năm ngày 17/10/2014) sau khi nhận hối lộ tổng số hơn 47 triệu tệ (164,5 tỷ VND) đã trích ra một nửa chi cho hai lần dự tuyển Viện sĩ Viện Công trình và Viện Khoa học.
Nếu không có sự phản đối quyết liệt của hai Viện sĩ Vương Mộng Như và Phó Chí Hoàn thì Quang đã trở thành Viện sĩ Viện Công trình. Trương Thử Quang đã khai nhận dùng tiền kiếm được phiếu của một số người, nhưng rốt cục số tiền lớn đó được đưa cho ai để “chạy ghế” thì không được công bố. Chưa hết, một loạt các bài báo mang tính học thuật ký tên ông ta được đăng tải trên các tạp chí hay xuất bản thành sách thực ra đều bỏ tiền thuê người khác viết.
Ngoài 83 quan chức của 56 trường đại học bị điều tra từ năm 2014 đến nay; đầu tháng 11/2015, Bộ Giáo dục ra thông tri về việc cấm các cán bộ cấp phòng trở lên trong các trường đại học giữ chức vụ giám đốc độc lập của các công ty lên sàn. Chỉ sau 1 tháng đã có 274 giám đốc độc lập loại này phải từ chức.
Số liệu của công ty tư vấn Wind cho thấy, tính đến ngày 2/12/2015 các công ty cổ phần lên sàn hạng A đã có gần 9.000 giám đốc độc lập, trong đó gần 3.000 là do các giáo sư đã hoặc đang giảng dạy tại các trường đại học kiêm nhiệm. Trường hợp điển hình trở thành tiêu điểm của báo chí thời gian gần đây là Hải Văn, giám đốc độc lập của Tập đoàn Vạn Khoa.
Tối 22/12, Vạn Khoa tổ chức họp báo công bố Hải Văn xin từ chức giám đốc độc lập vì lý do cá nhân, nhưng trước khi bổ sung vị trí khuyết phát sinh do việc ông từ chức, Hải Văn sẽ tiếp tục đảm nhận chức trách giám đốc độc lập theo luật định. Hải Văn hiện đang là Giáo sư Phó Chủ nhiệm Hội đồng nhà trường Đại học Bắc Kinh, Viện trưởng Học viện thương mại Hối Phong. Về nguyên nhân xin từ chức, Hải Văn nói với phóng viên tạp chí Tài Tân: “Không may gặp đúng lúc Bộ Giáo dục có quy định mới; biết lúc này là nhạy cảm nhưng chả có cách nào khác”.
Được biết, Hải Văn giữ chức giám đốc độc lập, Ủy viên ban thanh tra của Vạn Khoa từ năm 2014, được hưởng mức lương như các thành viên hội đồng giám đốc khác, nhiệm kỳ của ông đến tháng 3/2017 mới kết thúc.
Nhiều trường đại học dùng đủ mọi chiêu tuyển nghiên cứu sinh Thạc sĩ, Tiến sĩ để bán bằng cấp cho các quan chức gây nên tình trạng báo chí gọi là “Thạc sĩ xã trưởng, Tiến sĩ huyện trưởng nhiều như lông bò”.