Trực thăng, xe bọc thép sẵn sàng ứng phó với bão số 9

TPO - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên chuẩn bị thuyền máy, xe bọc thép để ứng phó bão. Trung đoàn Trực thăng 915-Trường Sỹ quan Không quân đóng tại TP Tuy Hòa đã khảo sát các điểm cất, hạ cánh, sẵn sàng thực hiện việc phục vụ lãnh đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. 
Người dân Đà Nẵng giúp nhau di chuyển tàu thuyền lên bờ trước khi bão số 9 đổ bộ vào. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

27/10/2020 10:48

27/10/2020 10:52

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tuy An, TP Tuy Hoà, thị xã Đông Hòa và Sông Cầu thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 9h sáng 27/10.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Giám đốc Ban quản lý cảng cá phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão để chủ động thông báo, cho ngư dân hoạt động trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch đánh bắt, sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn khi hành nghề...

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên xuống tận lồng bè vận động người dân lên bờ. Ảnh Xuân Triệu/TTXVN

Sáng cùng ngày, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 28/10 để tránh bão số 9. (Lữ Hồ)

27/10/2020 10:53

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ tối nay 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

27/10/2020 11:46

Yêu cầu toàn bộ tàu, thuyền trên sông Hương về nơi neo đậu an toàn

Để chủ động phòng tránh thiệt hại về người, tài sản cho người dân do bão số 9 gây ra, đặc biệt là những phương tiện đường thủy trên sông Hương, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Huế đã tỏa về nhiều địa bàn để tuyên truyền, nhắc nhở dân đưa thuyền về nơi trú tránh an toàn.

Trên sông Hương đoạn qua TP Huế hiện có hơn 130 phương tiện đường thủy của dân hoạt động.

Ngay từ tối 26 rạng sáng 27/10, lực lượng CSGT Công an TP Huế đã thường xuyên tổ chức tuần tra trên sông Hương, phát loa nhắc nhở và tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động tất cả các tàu thuyền còn hoạt động phải về nơi neo đậu, cập bến tránh trú bão an toàn.

Lực lượng công an còn hướng dẫn cho hơn 130 chủ tàu, thuyền về cách phòng tránh tàu thuyền bị va đập khi có sóng to, gió lớn.

Theo Công an TT-Huế, việc triển khai sớm biện pháp kiểm tra, tuyên truyền cho các tàu thuyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9 đã giúp các chủ phương tiện chủ động hơn trong ứng phó với bão. Nhìn chung, các chủ phương tiện đã chấp hành tốt việc bố trí người ở lại trên phương tiện để giữ phương tiện và neo đậu vào vị trí an toàn.

Phát loa tuyên truyền, nhắc nhở, vận động dân phải tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đường thủy trên sông Hương khi có mưa bão xảy ra.

Lực lượng CSGT cũng sẽ theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Cùng với Công an TP Huế, Công an các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh TT-Huế cũng đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là tại các khu ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, sạt lở, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu… Việc sơ tán dân dự kiến sẽ hoàn thành trước 15h chiều ngày 27/10

Trước đó, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh TT-Huế, đã chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai phương án phòng chống cơn bão Molave (cơn bão số 9) do Bộ Công an tổ chức.  

Giám đốc Công an tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Công điện gửi cho Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương gấp rút triển khai đồng bộ nhiều phương án chủ động phòng chống bão, lụt; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân để chủ động ứng phó với cơn bão số 9.

Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác ứng phó với mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.

Bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, an toàn cho người, tài sản của nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, trục lợi. (Ngọc Văn)

27/10/2020 11:52

Phóng viên Giang Thanh cho biết, trước thông tin bão số 9 sẽ đổ bộ vào sáng 28/10, người dân Đà Nẵng hối hả đi mua đồ, dụng cụ chằng chống nhà cửa.

Theo một chủ cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), từ sáng sớm, người dân đã đổ xô đi mua các loại vật dụng để chằng chống bão. "Các loại hàng hóa người dân mua chủ yếu là các loại dây thừng, bao tải đựng cát, dây thép... Giá cả thì vẫn vậy, chúng tôi không lợi dụng thời điểm khó khăn để tăng giá", người này cho hay.
Các thiết bị điện sạc pin, đèn pin.... cũng được người dân tìm mua. Các cửa hàng điện tử, thiết bị chiếu sáng cũng "cháy hàng".
Các cửa hàng gạo cũng tấp nập khách mua. Tại bờ biển dọc đường Nguyễn Tất Thành (Liên Chiểu), Mân Thái, Hoàng Sa (Sơn Trà).., người dân cũng hối hả xúc cát để vào bao tải lớn để chèn mái nhà.

27/10/2020 11:55

Phóng viên Nguyễn Thành cho hay, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động các tuyến xe buýt trợ giá để phòng, tránh bão số 9. Cụ thể, tạm dừng hoạt động 11 tuyến xe buýt (tuyến số 05, 07, 08, 11, 12, TMF, R4A, R6A, R15, R16, R17A) từ 12h00 ngày 27/10 đến hết ngày 28/10. Tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt R14 từ 13h15 ngày 27/10 đến hết ngày 28/10.

27/10/2020 11:58

27/10/2020 13:20

Lo sợ bão số 9 đổ bộ vào sẽ gây thiệt hại nặng nề, người dân ven biển Quảng Nam đã chủ động đào hầm tránh bão.

Trong ảnh, hộ gia đình ông Phạm Ngọc Diện và bà Nguyễn Thị Mai (Thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) làm hầm sẵn sàng cho gia đình và người thân trú tránh bão. - Ảnh: Thạch Anh.

27/10/2020 13:29

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vào đầu giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 9, cách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 438 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

27/10/2020 13:31

Ngày 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 (cơn bão rất mạnh dự kiến sẽ đố bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ), Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng.

Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối họp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.

Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

27/10/2020 13:32

13h20 hôm nay 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng.

Ảnh: Nguyễn Thành

27/10/2020 13:46

Đắk Lắk lên kịch bản ứng phó bão số 9

Theo thông tin từ phóng viên Huỳnh Thủy, sáng 27/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Đắk Lắk đã ban hành công văn “Khẩn” gửi Ban Chỉ huy PCTT&KCN các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị, cá nhân quản lý công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh… đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2020. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để triển khai ngay các lực lượng cứu hộ ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, cập nhật kịch bản, phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai như bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu lên kịch bản để ứng phó với mưa, bão

Các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình...; kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt sâu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Một ngôi nhà ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị sập hồi tháng 10/2020 do mưa gió

Chủ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa; chú ý các công trình bị hư hỏng, đang thi công các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu; đồng thời bố trí đủ lực lượng trực tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; Phối hợp chính quyền địa phương rà soát các vùng ở hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phương án cảnh báo cho dân biết; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng nước đến hồ và các bản tin dự báo để vận hành, điều tiết hồ chứa cho phù hợp…

Đắk Lắk yêu cầu chuẩn bị lực lượng cứu hộ

Theo dự báo, bão số 9 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh. Sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão tiếp tục đi vào khu vực Tây Nguyên với sức gió mạnh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đến 16h ngày 28/10/2020, tâm bão ở trên khu vực Tây Nguyên với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và gây mưa lớn với lượng mưa từ 100-200mm. (Huỳnh Thủy)

27/10/2020 14:33

Quang cảnh họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng:

27/10/2020 15:22

27/10/2020 15:24

Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa và di dời đến nơi tránh bão
Người dân xúc cát về để kè mái tôn phòng gió giật

Ghi nhận của Tiền Phong, sáng nay (27/10), hàng nghìn người dân ở Quảng Nam dùng các bao tải, bao nilon đựng cát và nước kê lên các mái nhà, dùng dây thừng chằng chống. Loa phát thanh liên tục phát đi thông tin cập nhật tình hình bão số 9. Lực lượng chức năng cấp tốc triển khai các phương án di dời dân đến nơi an toàn để tránh bão. Theo kế hoạch, Quảng Nam khẩn cấp di dời 170 nghìn người dân đến nơi tránh bão an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ.

27/10/2020 15:24

27/10/2020 15:29

Ngày 27/10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ huy tiền phương để ứng phó với bão số 9 (Molave).
Theo đó, Ban Chỉ huy tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Đặng Văn Minh làm trưởng ban. Trong số 15 Phó trưởng ban có 2 Phó Chủ tịch tỉnh là ông Nguyễn Tăng Bính và ông Đặng Ngọc Dũng.

Ban chỉ huy tiền phương hoạt động từ ngày 27/10. Trụ sở chính đặt tại UBND tỉnh, số 52 Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi. Trạm chỉ huy hiện trường đặt tại UBND huyện Lý Sơn do Chủ tịch UBND huyện trực tiếp lựa chọn, chỉ đạo điều hành. 

Nhiệm vụ chung của Ban chỉ huy tiền phương là thị sát, nắm chắc tình hình thực tế, kết hợp theo dõi diễn biến bão số 9 để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó và khắc phục bão số 9 trên địa bàn tỉnh.

Huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị. nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời chi viện, hỗ trợ (khi cần thiết) công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9.
      Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi giúp người dân chằng chống nhà cửa.  Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, để tránh bão số 9, ngành chức năng dự kiến sơ tán gần 31.500 hộ dân với hơn 119.182 khẩu. Đến 13 giờ ngày 27/10, số dân đã sơ tán là: 3.750 hộ với 31.460 hộ. Dự kiến đến 17h sẽ sơ tán hết số lượng người dân trên.

27/10/2020 15:40

Thủy đoàn 1, Cục CSGT - Bộ Công an tăng cường lực lượng, phương tiện ứng phó bão và cứu hộ cứu nạn.

27/10/2020 15:40

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, có mặt tại Đà Nẵng chỉ huy công an phối hợp các lực lượng ứng phó bão...

27/10/2020 15:42

Làm việc nhanh với Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt tại Đà Nẵng), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao sự chủ động sẵn sàng của các địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống bão.

“Đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ vào nước ta. Dù chủ động như thế nào nhưng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờ. Mục tiêu là phải bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân và của nhà nước.” Phó thủ tướng nói.

Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm 4 tại chỗ với sự hỗ trợ của lực lượng của các bộ ngành Trung ương. Tiếp tục rà soát tàu thuyền trên các khu vực nguy hiểm đi khỏi vùng nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú. Khi về tránh trú cần chằng níu để tàu thuyền không bị va chạm, tránh trường hợp tàu cá chìm tại khu neo đậu như từng xảy ra trước đây. Sơ tán người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên biển, ven biển. Tập trung vào các đảo ven biển, không để bất cứ bà con nào trên lồng bè, chòi canh.

Tập trung bảo vệ dân trên đất liền, phải sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nước ngấp sâu, chảy xiết, ở các công trình nhà ở không an toàn, đảm bảo an toàn cho các công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học và các công trình đang xây dựng. Bảo vệ đường truyền tải điện, tập trung bảo vệ tài sản của người dân, cơ sở sản xuất nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp nhà hàng khách sản, cấm người dân đi ra ngoài khi bão bắt đầu ảnh hường…

Phó thủ tướng nhắc nhở các địa phương cần chú ý bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, nhất là đối với tỉnh Quảng Nam nhiều hồ đập.

“Hồ đập rất tốt để giữ nước, điều tiết nước, thực hiện đa mục tiêu. Hồ đập đã cải thiệt rất nhiều về lũ lụt. Nhưng hồ đập quản lý không tốt thì rất nguy hiểm. Hồ đập tốt hay không tốt là do con người. ” Phó thủ tướng nhất mạnh. 

Đồng thời yêu cầu các bộ ngành và các địa phương tiếp tục cho rà soát các hồ đập nếu có sự cố khẩn trương xử lý, đặc biệt là đập đất, đê điều... Vận hành hồ chứa phải an toàn, không để nước quá sức chứa.

Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lở rất nguy hiểm. Các địa điểm nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cần phải khẩn trương sơ tán người dân ngay lập tức.

27/10/2020 15:45

Chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác trung ương kiểm tra phòng chống bão số 9, có mặt tại biển Cửa Đại, TP. Hội An. Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Muốn vậy phải sơ tán dân một cách triệt để ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở vùng ven biển, nơi nước ngập sâu và những công trình không an toàn.

Tập trung bảo vệ tài sản của người dân, tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; bảo vệ kho tàng bến bãi, công trình xây dựng, hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện, giao thông, bảo vệ và vận hành các công trình hồ đập an toàn. Sơ tán người dân đến nơi an toàn. Muốn vậy tất cả các bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ liên quan chuẩn bị lực lượng trang thiết bị, cùng với các địa phương bảo vệ người dân.

Phó Thủ tướng kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9 tại Quảng Nam.

27/10/2020 15:48

Chiều 27/10, ghi nhận của PV Nguyễn Toàn, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, hàng nghìn người dân đang khẩn trương dùng các bao tải đựng cát gia cố cho mái nhà, dùng dây cột chặt nhà cửa. Nhiều đài phát thanh của thôn, xã liên tục cập nhật tình hình bão số 9 để người dân nắm bắt.

Ảnh:  Nguyễn Toàn

27/10/2020 15:49

27/10/2020 16:15

Bình Định: Sơ tán dân đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều nay

Phóng viên Trương Định cho biết, sáng 27/10, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương đã kiểm tra tình hình sạt lở, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão số 9.

Theo đó, tại huyện An Lão, do ảnh hưởng của bão số 8 kèm mưa lớn đã khiến một số tuyến đường của một số xã miền núi bị sạt lở.

Ghi nhận tại xã An Quang, đã có 2 điểm sạt lớn xảy ra trên đường liên xã An Quang đi xã vùng cao An Toàn, khiến một đoạn đường dài khoảng hơn 10m bị sạt lở, mở hàm ếch ăn sâu vào tâm đường, tiềm ẩn tai nạn cho người dân khi qua lại, đặc biệt là phương tiện xe tải.

Ngoài ra, tại tuyến đường thị trấn An Lão đi xã An Vinh cũng có nhiều điểm sạt lở; đặc biệt là điểm sạt lở tại thôn 1 (xã An Vinh) sạt lở núi chắn cả đường đi của người dân. Tại hiện trường, chính quyền địa phương đang huy động máy múc ủi đất để cho người dân đi lại.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu chính quyền địa phương phải kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền địa phương phải kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm. Tại các điểm sạt lở phải cắt cử lực lượng túc trực để phần luồng giao thông, gắn biển cảnh báo người dân.

Tại cảng cá Tam Quan, lãnh đạo địa phương này cho biết, xã có 140 dân ở vùng ven biển ở trong vùng nguy hiểm cần phải di dời. Từ sáng nay (27/10), địa phương đã đi vận động người dân đi sơ tán đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, xã cũng đã chỉ đạo cho cắt tỉa cây xanh có chiều cao, tán cành xum xuê và hạ các biển quảng cáo lớn. Hiện, đa số các tàu cá đã vào nơi neo đậu an toàn.

Theo đó, ông Dũng yêu cầu trước 17h hôm nay, tất cả các hộ dân sống ven biển và nơi có triều cường phải được di dời đến nơi an toàn. Những hộ không chịu di dời thì lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế và bắt buộc di dời ngay tức khắc.

“Mọi người không được chủ quan, chần chừ. Tối khuya hôm nay là cấm không cho ai ra đường để giữ an toàn cho người dân”, ông Dũng nói.

27/10/2020 16:16

27/10/2020 17:08

Thông tin từ phóng viên Giang Thanh, chiều 27/10, tại Đà Nẵng, gió lớn bắt đầu quật từng cơn. Người dân vẫn tất bật, hối hả chèn mái tôn để phòng tránh bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ vào sáng 28/10. Nhiều hộ dùng bao ni lông đựng nước để chèn mái tôn thay vì dùng bao cát để tiết kiệm thời gian. Một số khách sạn ở khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn...; một số hộ có nhà cao tầng kiên cố đăng thông tin sẵn sàng cho người dân đến ở để tránh trú bão số 9.

Ảnh: Giang Thanh

Ghi nhận tại một số chợ, siêu thị..., người dân chen chúc đi mua thực phẩm để tích trữ. Tại Siêu thị Big C, các mặt hàng như rau xanh, các loại củ... khan hàng cục bộ. Người dân cũng mua mì tôm, các loại bún khô, phở khô để tích trữ. Quầy thịt cũng hết hàng nhanh chóng, chỉ còn lại các mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu.

Ảnh: Giang Thanh

27/10/2020 17:19

27/10/2020 17:30

Bình Định: Cảng cá tất bật chạy bão

Từ khoảng 14h chiều (27/10), trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt ở khu vực tỉnh Bình Định. Tại cảng cá, những ngư dân vẫn tất bật với những công việc cuối cùng trước khi toàn bộ hoạt động ở cảng được tạm dừng.

Bà Võ Thị Thành Vương, vợ của một chủ tàu cá ở Tam Quan Nam, vừa cập cảng cá cho biết, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương mới đi được 20 ngày nhưng khi nghe tin bão là cho tàu chạy vào bờ, dù có thiệt hại nhưng an toàn là trên hết.

Trao đổi với PV, ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định cho biết, từ 17h chiều đã cho dừng toàn bộ hoạt động mua bán, xuất nhập hàng để ứng phó với bão số 9.
Lực lượng chức năng liên tục phát loa thông tin để bà con ngư dân cũng như người buôn bán nắm được thông tin. Việc khuyến cáo chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi cơn bão đổ bộ cũng được thực hiện liên tục.

 
Ảnh: Trương Định

27/10/2020 17:42

Phú Yên phải quan tâm di dời dân khỏi vùng sạt lở, ngập úng

Chiều 27/10, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Quang Phương - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã đến kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó bão số 9 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị tỉnh quan tâm công tác di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt vì dân còn “chủ quan”. Khi tàu vào neo đậu thì phải sắp xếp khoa học kẻo gió lớn làm tàu va đập hư hỏng. Chuẩn bị các phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Nhiều ngư dân tiếc của cải ở lại trong coi thuyền và lồng bè sẽ dễ gặp nguy hiểm khi bão vào.  Kiểm tra, rà soát công tác ứng trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Thượng tướng Trần Quang Phương kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại TP Tuy Hoà, Phú Yên. Ảnh Lữ Hồ.

27/10/2020 17:42

27/10/2020 17:54

Quảng Ngãi: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát, chỉ đạo ứng phó bão

Chiều nay (27/10), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác trung ương kiểm tra phòng chống bão số 9, đã có mặt tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác phòng chống bão số 9.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã báo cáo về công tác phòng, chống bão số 9 trên địa bàn tỉnh. “Đến giờ phút này thì tất cả các phương tiện tàu thuyền ở ngoài khơi đã về đến các điểm tránh trú bão an toàn. Về công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn trên địa bàn tỉnh dự kiến sơ tán hơn 119.000 người và đến thời điểm hiện tại đã sơ tán hơn 55.000 người. Từ giờ cho đến 6-8 giờ tối nay sẽ tiến hành đi dời toàn bộ số người còn lại đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào", ông Minh nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác trung ương kiểm tra phòng chống bão số 9 tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

Chỉ dạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Các cấp các ngành cần chủ động để ứng phó với bão số 9. Đây là một cơn bão rất mạnh, đi nhanh và địa bàn của ta là tâm bão, bão vào đất liền với cường độ rất mạnh. Bởi vậy, tình hình bây giờ rất khẩn trương, nhiệm vụ đầu tiên là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành Quảng Ngãi phải rà soát lại số lượng tàu thuyền đã neo đậu an toàn chưa. Tuyệt đối không để người dân ở trên tàu, tiếp tục rà soát việc sơ tán người dân, phải tiến hành khẩn trương ngay từ bây giờ cho đến 7 giờ tối nay phải xong hết việc sơ tán người dân đến nơi an toàn. Nếu người dân không chịu đi phải tiến hành cưỡng chế đưa họ đến nơi an toàn. Đảm bảo an toàn cho người dân vùng núi, vùng dễ bị sạt lở phải đi dời họ đến nơi an toàn. Cần tập trung tuyệt đối với phương châm 4 tại chỗ, lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là tâm bão, chúng ta không còn nhiều thời gian. Phải tranh thủ thời gian sơ tán dân, khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì. “Quân đội là nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc, các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương và các đơn vị làm nhiệm vụ ứng phó bão.

27/10/2020 18:05

27/10/2020 18:10

Phú Yên: Trực thăng, xe bọc thép sẵn sàng ứng phó với bão số 9

Chiều nay (27/10), Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó bão số 9 tại tỉnh Phú Yên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, hiện còn 126 tàu đánh bắt xa bờ cùng hơn 700 lao động đã biết hướng đi của bão để đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để trú tránh. Hầu hết các tàu gần bờ cũng đã tránh trú an toàn nhưng vẫn còn 15 tàu cá neo đậu ở những vị trí chưa an toàn. Quân khu V đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại tỉnh Phú Yên.

Từ chiều qua, Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương tuyên truyền người dân gia cố lồng bè. Bộ đội các đơn vị cũng giúp người dân chằng chống lại nhà cửa, di dời các tàu thuyền để đảm bảo an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên chuẩn bị thuyền máy, xe bọc thép để ứng phó bão. Trung đoàn Trực thăng 915-Trường Sỹ quan Không quân đóng tại TP Tuy Hòa đã khảo sát các điểm cất, hạ cánh, sẵn sàng thực hiện việc phục vụ lãnh đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. 

Thượng tướng Trần Quang Phương chỉ đạo tại cuộc họp phòng chống bão số 9 tại tỉnh Phú Yên. Ảnh Lữ Hồ.

Ông Phan Đình Phùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Tỉnh đã khẩn trương lên các phương án, khi có các tình huống xảy ra. Việc sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm và tất cả các phương án phải hoàn thành trước 18h ngày 27/10”.

Theo ông Phùng, ở các khu vực không an toàn, tỉnh yêu cầu có biện pháp sơ tán và cưỡng chế nếu dân không hợp tác, chấp hành. Còn Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng - Phó Tư lệnh quân khu 5, cho biết qua kiểm tra tại Phú Yên thì vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, cho rằng bão số 9 sẽ không vào Phú Yên. Đây là nhận thức rất nguy hiểm nên cơ quan chức năng phải có biện pháp vạn động, thiết phục dân không quay trở lại lồng bè.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong bối cảnh địa chất có nhiều biến chuyển, thiên tai bão lụt ngày càng phức tạp. Vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm các năm trước đề nghị tỉnh Phú Yên chủ động, tích cực, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Tuy vậy, một số vùng trọng điểm vẫn còn tâm lý chủ quan của người dân vì thế cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân di dời, tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản. Hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền vào neo đậu chắc chắn, an toàn, tránh va đập, hướng dẫn đi chuyển, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngay trong đêm, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát tại các khu vực có thể xảy ra sự cố.

27/10/2020 18:50

1.280 tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đã vào nơi neo đậu để tránh bão an toàn. Đến thời điểm 14 giờ, ngày 27/10, số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển trong tỉnh và lân cận, đã nhận tin và chạy vào bờ là 91 tàu với 749 lao động.

Theo cơ quan chức năng Quảng Ngãi, hiện chỉ còn 2 tàu cá với 16 lao động nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, 2 phương tiện này sau khi nhận tin báo hiện đang trên đường về bến. Dự kiến đến 16 giờ ngày 27/10, sẽ vào neo trú tại tỉnh Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (trái), kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại địa bàn thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Tại các cảng neo đậu, tổng số tàu thuyền của ngư dân đã vào neo trú là 1.280 tàu. Trong đó tại cảng neo trú huyện Lý Sơn là 492 tàu; cảng neo trú Tịnh Hòa là 345 tàu; cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á là 107 tàu; cảng cá Sa Huỳnh là 286 tàu và cảng cá Tịnh Kỳ là 50 tàu.

27/10/2020 19:48


Tối 27/10, tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến 18h cùng ngày, tại 9 huyện, thị xã, thành phố Huế đã di dời được hơn 17.600 hộ dân vùng xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hiện, Công an TP Huế đã thành lập một trung đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xấu do mưa bão gây ra. (XEM CHI TIẾT)

27/10/2020 19:51

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão số 9 vào 19h hôm nay, khoảng 13,7oN; 112,2oE, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 425km, cách Quảng Ngãi 385km, cách Phú Yên 315km.  Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

27/10/2020 20:42

Bình Định: Thêm 1 tàu chìm, 14 thuyền viên chưa tìm thấy

Tối  27/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, vừa nhận được thông tin 1 tàu cá Bình Định mang số hiệu BĐ 97469 TS, trên tàu có 14 thuyền viên, bị chìm tại tọa độ 12 độ 17 phút vỹ Bắc, 112 độ 08 phút kinh Đông, cách đảo Hòn Tre (Khánh Hòa) 172 hải lý về phía Đông. Các thuyền viên trên tàu bị nạn hiện vẫn chưa tìm thấy.
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng và ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phát đi thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực nói trên tham gia tìm kiếm 14 thuyền viên trên tàu bị nạn hiện đang mất tích.

Sáng nay, 27/10, UBND TP Đà Nẵng có công văn về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. 

Theo đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ tối nay 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Trong khi đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện được yêu cầu có kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể việc triển khai phòng chống bão số 9 theo công điện trước đó của Chủ tịch UBND TP.

Tổ chức hiệp đồng với các lực lượng quân đội, công an nhân dân,… để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND TP trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9...

Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ phút ngày 27/10; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, đến chiều tối ngày 27/10, bão số 9 sẽ bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, sức tàn phá lớn.

Từ chiều nay 27/10, học sinh TT-Huế nghỉ học tránh bão số 9
Trong các ngày từ 27 đến 29/10, bão số 9 với cường độ gió rất mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó có TT-Huế. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở GD&ĐT TT-Huế vừa phát thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học kể từ chiều ngày 27/10.

Sáng 27/10, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, cho biết, Sở vừa có công văn triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9. Trong đó, Sở này đề nghị các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc phải cho học sinh nghỉ học kể từ chiều nay, 27/10.

Theo dự báo, trong các ngày từ 27 đến 29/10, bão số 9 với cường độ gió rất mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung. Để chủ động ứng phó với bão số 9, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và thành phố Huế; các đơn vị trực thuộc Sở; các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên… thông báo cho hơn 200.000 học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ chiều ngày 27/10 và ngày 28/10.

Trước khi bão số 9 vào đất liền, nhiều trường học tại TT-Huế vẫn còn ngập lụt do lũ lớn kéo dài trước đó.

Sở GD&ĐT TT-Huế yêu cầu, trong thời học sinh nghỉ học, các đơn vị duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo, lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức trực 24/24 giờ tại đơn vị, trường học để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong bão lũ.

Tiến hành triển khai ngay việc chằng chống các công trình trường lớp; khẩn trương di chuyển tài liệu, sách vở, máy móc, thiết bị dạy học... đến vị trí cao ráo an toàn; đặc biệt, các công trình, cơ sở giáo dục thuộc các vùng đã bị ảnh hưởng do bão lũ trong thời gian qua và các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9.

Thầy cô giáo tại TT-Huế kiểm tra, ứng trực phòng chống lụt bão ngay tại trường học.

Các lực lượng ứng trực không được phép rời vị trí trực; giáo viên, học sinh không ra khỏi nhà trong lúc bão. Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến tránh trú mưa bão an toàn.

Thủ trưởng các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên diễn biến về cơn bão số 9 trên các phương tiện thông tin truyền thông để chủ động ứng phó, không để xảy ra bị động khi bão đến.

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cũng đề nghị hoãn tất cả các cuộc họp, hội nghị không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão lũ cho đến khi bão tan.

Các đơn vị, địa phương thường xuyên báo cáo tình hình thiệt hại, sự cố xảy ra trước, trong và sau bão cho lãnh đạo địa phương và cho Sở.