Trong vòng xòe Mường Lò

TP - Hàng ngàn người nối kết tay nhau dập dìu xòe quanh ngọn lửa rực cháy ở sân vận động thung lũng Mường Lò. Du khách bốn phương trải nghiệm một đêm tận hưởng vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc.
Tổng duyệt Lễ hội Du lịch cội nguồn Tây Bắc 2011
Tổng duyệt Lễ hội Du lịch cội nguồn Tây Bắc 2011 . Ảnh: Tùng Duy

Trong cái rét vùng cao Tây Bắc, thung lũng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) như được ưu ái kỳ lạ bởi nắng tươi và hoa đào khoe sắc ở tất cả nẻo đường dẫn về nơi khai mạc chương trình Lễ hội Du lịch cội nguồn Tây Bắc 2011 do ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai phối hợp tổ chức.

Những đoàn xe ôtô từ vùng xuôi nườm nượp đổ về Mường Lò mấy ngày qua. Hàng chục khách sạn, nhà nghỉ ở thị xã Nghĩa Lộ không còn một phòng trống. Thị Đoàn Nghĩa Lộ đã phải huy động hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tình nguyện góp sức vào ngày lễ hội.

Bí thư Thị Đoàn Nghĩa Lộ Đoàn Thị Thanh Tâm cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, hàng ngàn ĐVTN đến từ các trường PTCS, trung cấp nghề và các phường trong thị xã, đã tập luyện nhiều chương trình biểu diễn ca múa, cắm trại cho ngày 26 và 27-2.

Mường Lò may mắn giữ lại được nhiều điệu xòe cổ bởi hơn 800 nghệ nhân - diễn viên, những phụ nữ Thái thuần chất đến từ phường Tân An. Bất kỳ cô gái Thái nào sinh ra ở đây cũng biết múa xòe thuần thục. Áo cỏm, xà tích, vòng bạc, váy Thái, khăn piêu…, trang phục của phụ nữ Thái gần như còn nguyên vẹn do mình tự sắm lấy (trị giá khoảng một triệu đồng) để vui múa xòe.

Hoạt động chính trong Lễ hội cội nguồn tại Yên Bái gồm: trảy hội mùa Xuân và hội Hạn Khuống (27-2 tại xã Nghĩa An, Mường Lò); trảy hội mùa Xuân dân tộc Mông (27-2 tại Suối Giàng, Văn Chấn); trảy hội mùa Xuân dân tộc Dao (25-2 tại xã Nậm Lành, Văn Chấn); trảy hội mùa Xuân dân tộc Khơ Mú (24-2 tại xã Nghĩa Sơn, Văn Chấn)...

Cái rét trước Tết đã khiến mùa vụ lùi sang cuối Giêng. Mờ sáng các chị đi cấy ruộng nhưng cuối chiều về đã kịp tươi tắn khăn áo tập luyện đến gần nửa đêm. Tất cả chuẩn bị cho mùa lễ hội, làm vui lòng khách và quảng bá văn hóa, chân dung con người Tây Bắc.

Chỉ với kinh phí chưa đến 5 triệu đồng, một phường Tân An có tất cả các đội văn nghệ quần chúng (tự thành lập, không kinh phí) vẫn sẵn sàng thể hiện đủ nhất cái đẹp vòng xòe, hiếm khi chị em nhận được một chút gọi là thù lao.

Dạo quanh thị xã nhỏ bé giữa thung lũng, PV Tiền Phong gặp chị Lò Thị Doan (25 tuổi), chị Hoàng Thị Hiên (27 tuổi), chị Lò Thị Hương (18 tuổi, chưa chồng) đang cùng nhóm phụ nữ Thái tập xòe trong căn nhà sàn do phường Tân An mới dựng lên để phục vụ du khách.

Doan nói mỗi lần xòe chị như thấy mình đẹp hơn. Ngày công đi cấy thuê được cả 50 ngàn đồng, đi múa chẳng được đồng nào nhưng chị em trong bản vẫn gắng thu xếp việc nhà, việc đồng để đi múa. Nét văn hóa kỳ diệu hẳn còn giữ được bởi hễ có khách thăm, chị em lại tụ tập xòe đưa vui. Nhưng mấy ai hay, các chị đang ngân ngấn nỗi lo mùa màng thiệt hại vì rét, gia cảnh khó khăn, nhiều nhà chẳng mua nổi một hộp sữa cho con nhỏ.

Chị Lò Thị Pầng, người có tới gần 100 lao động tại các xưởng dệt hàng thổ cẩm lớn nhất ở Mường Lò, cho biết thu nhập của công nhân chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng cho dù mùa lễ hội đến. Chị đành loay hoay đi đặt mối rải hàng khắp Tây Bắc, chứ ít mong đợi khách đến mua dịp này.

Còn tại các phường Trung Tâm, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phúc, thôn Ả Hạ, dân làng mất cả tháng để làm sân khấu gỗ tái hiện hội Hạn Khuống (trai gái tìm hiểu nhau trên sàn gỗ, khung cửi để nên duyên), làm bánh “Tình yêu” (cặp bánh dính liền nhau làm từ gạo nếp Tú Lệ) dâng lên du khách mà chẳng biết đến lợi nhuận. Tất cả chỉ để quảng bá hình ảnh văn hóa Mường Lò.

Theo Báo giấy