Trồng chuối đuổi rác

TPO - Những vườn chuối tốt tươi ngày một nhiều hơn, phủ xanh những khu đất bỏ hoang đầy rác và cỏ dại. Nhiều nơi ở huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đang nhân rộng mô hình trồng chuối lấy lá dùng thay cho bao ni lông để góp thêm một cánh tay bảo vệ môi trường.

Xóa bãi rác, đất hoang

Về thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) không khó để gặp những vườn chuối ngát xanh quanh làng. Chị Trần Thị Lại, Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Thái Lai cho hay, hầu như nhà nào cũng trồng chuối, ít vài chục cây trong vườn, nhiều thì hàng trăm cây trên mấy sào đất. Mấy năm trở lại đây, Hội phát động bà con trồng chuối, đặc biệt trồng trên những khu đất bỏ hoang để tránh uổng phí và bảo vệ môi trường vì đất không trồng trọt, không người chăm lo rất nhiều rác thải. Nhất là sau mỗi lần lũ, đủ loại rác từ khắp nơi trôi về tồn đọng lại.

Vườn chuối chát của ông Toản sau 6 tháng đã cao lớn trên mảnh đất trước kia bỏ hoang, đầy rác.

Dẫn chúng tôi tới khu đất rộng hơn 5 sào giữa thôn, chị Lại kể trước hôm đặt những gốc chuối xuống trồng, khu đất này vừa đầy rác, vừa cỏ dại um tùm phải thuê xe về san múc dọn dẹp. “Vậy mà giờ đã có hàng trăm cây chuối đủ loại của các hộ trong thôn cùng trồng, đi qua đây ai cũng trầm trồ vì thôn thêm được một mảng xanh sạch”, chị nói.

Cách đó không xa, cánh đồng chuối của ông Đỗ Hữu Toản (55 tuổi) nằm ở khu trũng thấp. Nhiều năm trước, gia đình ông trồng đậu, mè nhưng tốn công chăm mà chỉ cần ngâm nước lũ vài hôm là cây chết sạch, không thu lợi được đồng nào. Thế nên ông bỏ hoang cả 5 sào đất ngập trong cỏ và rác. Mỗi lần lũ, rác thải, bao ni lông, xác động vật khắp nơi trôi về rồi tấp lại bẩn và hôi không chịu thấu.

Lá chuối được người dân dùng gói thực phẩm, thay thế bao nilon để bảo vệ môi trường.

Đầu năm nay, được Hội phụ nữ vận động, ông xắn tay cắt cỏ, cày cuốc dọn dẹp lại khu đất này và bắt đầu trồng chuối chát. Sau nửa năm, hàng trăm cây chuối đã cao gấp đôi gấp ba thân người, tàu lá to dày đan nhau. “Trồng chuối không tốn công chăm, cũng không lo ngập vì loại cây này ngâm nước một tuần chẳng sao. Vui nhất là nhìn cánh đồng của mình sạch đẹp, không có rác hay bụi rậm gì cả. Vừa làm sạch môi trường, vừa có thu nhập”, ông cười.

Hội LHPN TP Đà Nẵng cho hay, giai đoạn 2025 – 2030, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Trồng chuối lấy lá”, vườn cây phụ nữ, với kinh phí hỗ trợ mỗi năm từ 50 – 90 triệu đồng.

Chị Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn cho hay năm 2019, hưởng ứng chủ đề năm "Môi trường – chống rác thải nhựa", Hội LHPN xã đã đề xuất ý tưởng trồng chuối lên Hội LHPN huyện Hòa Vang và được đồng ý. Từ đó đến nay, mô hình ngày một nhân rộng, hiện đã có hơn 10 thôn trong xã trồng chuối. Mới đây nhất là vườn chuối tại thôn Phước Hậu với hàng trăm gốc vừa được trồng vào tháng 8 với sự tham gia của nhiều hộ dân.

Dùng lá thay bao ni lông

Nhưng không chỉ ở xã Hòa Nhơn, những xã khác ở huyện Hòa Vang và nhiều quận tại Đà Nẵng cũng đã nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường này. Hội LHPN TP Đà Nẵng thông tin, năm 2022 đã hỗ trợ 1.000 gốc cây chuối cho hơn 30 hộ dân thuộc quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang trồng.

Năm 2023 hỗ trợ tiếp 1.200 cây chuối lấy lá và 400 bao phân hữu cơ cho 35 hộ thuộc của 3 quận huyện trên. Năm nay Hội hỗ trợ 1.000 gốc cây chuối lấy lá và phân hữu cơ cho 9 hộ ở huyện Hòa Vang. Sức lan tỏa của vườn chuối không dừng lại ở đó, không chờ hỗ trợ mới triển khai, rất nhiều gia đình có đất đã chủ động mua, xin giống chuối về trồng.

Nhiều người vẫn ưa chuộng gói thực phẩm bằng lá chuối.

Theo Hội LHPN TP Đà Nẵng, những vườn chuối mọc lên không chỉ “đuổi” những khu đất hoang, bãi rác mà còn khuyến khích người dân sử dụng lá gói thực phẩm, hạn chế sử dụng túi ni lông. “Từ mô hình này người dân địa phương đã nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bằng cách dùng lá chuối để gói bánh, gói xôi, bó rau…thay vì dùng hộp nhựa, hộp xốp, bao ni lông như trước đây”, Hội LHPN TP nhìn nhận.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) cũng trồng cả trăm cây chuối trong vườn và ở khu đất được Hội phụ nữ phát động. Chị nói đã thành thói quen, hễ cần gói ghém gì là nghĩ đến ngay tàu lá chuối, từ cái bánh, nắm xôi, miếng thịt. Cũng như chị, rất nhiều hộ dân khác đã “né” bao ni lông tối đa, khi thật sự cần thiết mới dùng. Những thực phẩm để trong tủ lạnh cũng được gói bằng lá chuối, đi chợ cũng xách giỏ và lá chuối để đựng thay vì đi tay không rồi lỉnh kỉnh cả chục túi ni lông mang về như trước.

Khu đất bỏ hoang, ngập ngụa rác tại thôn Thái Lai trước đây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nay là vườn chuối ngát xanh.

Tại chợ thôn Phước Thái, các tiểu thương cho hay ngày xưa, bà con chủ yếu dùng lá chuối để gói hàng buôn bán. Từ khi bao ni lông phổ biến, tiện lợi, giá rẻ tràn lan trên thị trường, người dân bỏ dần thói quen tốt dùng lá, chỉ còn lại rất ít người. Những hàng bán thực phẩm mỗi ngày sử dụng không biết bao nhiêu chiếc túi ni lông, đồng nghĩa môi trường cõng thêm bấy nhiêu loại rác cứng đầu khó phân hủy. “Thỉnh thoảng cũng có vài người ưa gói thịt bằng lá thay vì túi ni lông, chủ yếu là các cụ già vì họ quen rồi. Tôi thấy thói quen này quá tốt, nên học hỏi và áp dụng để bảo vệ môi trường”, chị Nguyễn Thị Hiệp (chợ Phước Thái, xã Hòa Nhơn) chia sẻ.

“Mỗi lần lũ “chở” bao ni lông về là tui thấy sợ, người ta dùng và thải ra nhiều kinh khủng. Thế nên khi nghe người ta tới hỏi mua lá chuối rồi tới cắt thường xuyên tui rất mừng. Càng nhiều người dùng lá thì càng hạn chế bao ni lông. Phải thay đổi thói quen ngay từ hôm nay để bớt gánh nặng cho môi trường”, ông Đỗ Hữu Toản (thôn Thái Lai).

Trong khi đó, chị Ngô Thị Hải, một “đầu nậu” gom lá có tiếng ở huyện Hòa Vang cho hay những năm qua nhu cầu tiêu thụ lá chuối rất cao, có ngày chị gom một vài trăm kg vẫn không đủ cho bạn hàng, chứng tỏ nhu cầu sử dụng lá thay cho bao ni lông ngày một nhiều. Số lá này chị nhập về các chợ để tiểu thương bán cho những hộ gói bánh, gói xôi, hay các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng, khu sinh thái, hộ gia đình…coi trọng việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.