Doanh nghiệp tư nhân:

Trông chờ hành động từ Chính phủ

TP - Doanh nghiệp (DN) tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP nhưng thực tế đang đứng trước rất nhiều khó khăn, cản trở. Mới đây, Chính phủ đã bày tỏ quyết tâm “hành động”, giúp đội ngũ DN lớn mạnh.
Doanh nghiệp tư nhân mong một Chính phủ hành động thổi luồng gió mới. Ảnh: Như Ý

Khơi thông cho “dễ thở”

Là một trong những DN đình đám trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, vậy mà ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Cty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng phải thốt lên: “Câu hỏi DN sản xuất của Việt Nam sao mãi không lớn được đặt ra lâu nay cũng chính là câu trả lời về sự yếu kém và non nớt của DN sản xuất công nghiệp nước ta”.

Ông Dương đồng thuận với định hướng và chiến lược của Chính phủ về phát triển công nghiệp, là tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích phát triển liên doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đồng thời chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển công nghiệp theo hướng chuẩn mực về môi trường, tiến đến công nghệ xanh trong giai đoạn sau 2020. 

Chủ tịch Thaco cũng kiến nghị cần quy định “dễ thở” hơn với các DN nhỏ và vừa, không nên áp dụng cứng nhắc, đồng hóa với các DN lớn về chuẩn môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy… “Các quy định cứng nhắc này vô tình gây khó cho DN và là điều kiện để tiêu cực phát sinh trong quá trình thanh, kiểm tra diễn ra nhiều lần, nhiều kỳ hằng năm”- ông Dương nói.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty Đồng Tâm Group cũng chỉ ra có tới 95% DN Việt Nam hiện là DN nhỏ, vừa, công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp, hoạt động rời rạc, dẫn đến cạnh tranh kìm hãm nhau. Với “sức đề kháng yếu đó”, ông Thắng cho rằng, cụm liên kết ngành là hướng bền vững cho DN tư nhân Việt Nam, nhưng lâu nay chưa được coi trọng. 

“Nhà nước cần định hướng đối với các địa phương về phát triển cụm liên kết ngành ngay từ lúc hình thành các khu công nghiệp, tránh tình trạng các khu công nghiệp chỉ tập trung kêu gọi đầu tư theo số lượng để lấp đầy, không chọn lọc các nhà đầu tư, DN hoạt động trong các ngành nghề có liên quan, tương hỗ để tham gia vào chuỗi sẽ kém hiệu quả”- ông Thắng nói.

Trông đợi hành động

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi được hỏi cũng đánh giá cao “hành động” của Chính phủ thời gian qua: “Một ấn tượng quan trọng là không bàn lùi và thực hiện một cách quyết liệt nhất. Một chính phủ tận tâm là có thể làm ngay, làm tròn bổn phận, thúc đẩy quá trình đổi mới”.

Ông Lộc cho rằng, DN tư nhân Việt Nam đang có một tâm thế, vận hội mới để phát triển với ba làn sóng. “Một là làn sóng cải cách thể chế lần thứ hai; làn sóng hội nhập để các DN tư nhân Việt Nam có không gian và thị trường toàn cầu với điều kiện thuận lợi nhất của chúng ta. Và thứ ba là làn sóng của nền kinh tế số. Tác động cộng hưởng của 3 làn sóng cải cách này sẽ tạo nên làn sóng mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân trong thời gian tới”- ông Lộc nói.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, không biệt đối xử, cạnh tranh lành mạnh. 

Phó Thủ tướng  lưu ý, vấn đề khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề, tiếp cận vốn… cần giải quyết trên nguyên tắc của thị trường. “DN ăn nhau ở chỗ chất lượng nguồn nhân lực. Hiện hơn 200 nghìn cử nhân mỗi năm ra trường không có việc làm, nhưng cũng có người, muốn tuyển nhân sự quản trị chất lượng cao lại tìm không ra”- Phó Thủ tướng nói.

Hiện Việt Nam có trên 900 nghìn DN, nhưng thực tế, chưa đến 530 nghìn DN hoạt động. Phó Thủ tướng mong muốn, tới đây sẽ có thêm nhiều thương hiệu của Việt Nam nổi lên trên thị trường quốc tế, ngoài những cái tên quen thuộc như Trường Hải, FPT, Hoa Sen, Đồng Tâm… Còn để mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, phải có 1 triệu DN hoạt động, cần thúc đẩy chương trình khởi nghiệp dựa trên sáng tạo.

Theo Phó Thủ tướng, tới đây, Chính phủ sẽ khơi thông nhiều thị trường để hỗ trợ DN, từ thị trường vốn, tiền tệ, lao động, đất đai, xuất khẩu… Đồng thời, xem xét việc tổ chức diễn đàn đối thoại định kỳ hoặc thường niên giữa Chính phủ, các bộ ngành với DN tư nhân.   

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh; bảo đảm quyền bình đẳng cho các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế khi tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai... đầu tư kinh doanh...