Trở thành tỷ phú nhờ những giống bơ lạ

TP - Ông là nhà nông đầu tiên ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) táo bạo cưa trắng cả chục hécta cà phê giống cũ để ghép giống mới, sau đó lại tiên phong trồng xen cây bơ vào trang trại cà phê để thu lợi gấp 2 - 3 lần. Toàn bộ 2.500 cây bơ của ông được công nhận là cây đầu dòng để nhân giống khắp nơi.
Ông Trung trong vườn bơ sáp

Cha đẻ của những giống bơ lạ

Ở thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, Bảo Lâm) nhiều hộ trồng cây keo che bóng cho cà phê, nhưng ông Nguyễn Đăng Trung lại có cách nghĩ khác. Ông quyết định chọn cây bơ vì vừa làm cây che bóng vừa cho quả. Thấy năng suất, chất lượng của giống bơ thực sinh (trồng bằng hạt) còn thấp, ông tìm đến một trung tâm nghiên cứu cây ăn quả ở thành phố Bảo Lộc mua giống bơ ghép về trồng. Cây phát triển không được như mong đợi nên ông đi tìm những cây bơ cho quả ngon để cắt chồi mang về tự ghép.

Lang thang tìm kiếm ở nhiều vùng trồng bơ nổi tiếng trong nước nhưng cây bơ ngon nhất lại ở ngay trung tâm huyện nhà (Bảo Lâm). Đó là cây bơ cổ thụ của gia đình cô Tuyết, được trồng từ thời Pháp thuộc. Ông Trung xin cắt một số chồi về ghép. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa rành về kỹ thuật nên cây bị thối rễ chết gần hết.

“Tôi học hỏi kinh nghiệm, đầu tư làm vườn ươm theo công nghệ cao với nhà lưới và hệ thống tưới nước, bón phân tự động để có thể điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhờ vậy đã ghép thành công và trồng đại trà giống bơ mới này”, ông Trung nói. Một thời gian sau, bơ phát triển tốt, quả lúc lỉu, nhiều quả nặng cả ký hoặc hơn, dài từ   30 - 40 cm trông như trái mướp, thịt màu vàng, mịn và dẻo, hàm lượng chất béo cao.

“Tôi may mắn tìm thấy cây bơ sáp độc nhất vô nhị này khi cây còn sung sức và kịp xin chồi về ghép. Bây giờ thì lão bơ đã cằn cỗi, suy kiệt lắm, chắc không sống được lâu nữa! Nguyên nhân do cây nằm ven đường (thuộc thị trấn Lộc Thắng-PV) mà mỗi khi sửa chữa, nâng cấp đường, người ta lại chặt bớt cành, làm tổn hại rễ hoặc trầy xước thân cây”, ông thổ lộ. Sau đó ông Trung còn tìm được cây bơ độc đáo khác cũng tại huyện Bảo Lâm, lấy chồi về ghép cho ra loại bơ có quả như cái bầu nước, dài từ 17-20 cm, nhiều quả nặng trên dưới cả ký. Vỏ mỏng, màu xanh lục đậm, thịt mềm và co màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, hột nhỏ.

Năm 2009, Sở NN&PTNT Lâm Đồng tổ chức “Hội thi cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3”. Ông mang 2 cây này đi dự thi và giành luôn 2 giải nhì. Năm đó, hội thi không có giải nhất. Hội đồng khoa học đã công nhận đây là những giống bơ đầu dòng và đặt tên là BLD (Bơ Lâm Đồng) 034 và BLD 036.

Từ những thành công ban đầu, ông Trung tuyển chọn thêm một số giống bơ phù hợp khí hậu địa phương để ghép tạo ra thế hệ bơ mới kháng bệnh tốt, có năng suất và chất lượng cao. Mỗi cây bơ từ  5 - 6 tuổi trở lên cho cả trăm quả mỗi năm, mỗi hécta đạt 5-6 tấn quả. Tùy vào kích cỡ quả, bơ chính vụ hay trái mùa mà giá bán dao động từ 30 - 60 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với bơ bình thường. Các doanh nghiệp đưa bơ của ông vào bán trong nhà hàng, siêu thị với giá từ 100 -110 ngàn đồng/kg.

Xen canh bơ - cà phê thu lợi nhuận gấp đôi

Sau thời gian dài canh tác, đến năm 2000, vườn cà phê của ông Trung đã già cỗi, sâu bệnh nhiều nên năng suất thấp. Qua sách báo và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết chuyện cưa gốc rồi ghép chồi cà phê hoặc trồng mới bằng giống cao sản, ông Trung quyết định thử nghiệm trên diện tích 2 ha. Sau đó, thấy có triển vọng nên cưa trắng hoặc nhổ bỏ cả chục ha cà phê già cỗi để ghép và trồng mới. Năng suất từ 2-3 tấn/ha đã tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn 2,5 lần do cây ít bị sâu bệnh, tán nhiều, mắt trái đều, ít bị rụng quả…

Trên cao nguyên nắng gió, cà phê cần được che bóng mà bơ rất thích hợp với khí hậu và chất đất nơi đây nên ông trồng xen cây bơ vào vườn cà phê. Sau nhiều mô hình thử nghiệm, ông nhận ra trồng bơ với khoảng cách 6x6m là phù hợp nhất.

“Nếu độc canh cà phê trên diện tích 10 ha, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 70 tấn cà phê nhân. Khi trồng xen thêm cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, trong khi lại thu hoạch thêm 70 tấn bơ. Giá bơ tương đương với cà phê, như vậy trồng xen canh cho thu hoạch gấp đôi. Đến khi bơ khép tán (khoảng từ  8 -10 năm tuổi), tôi sẽ chặt toàn bộ cà phê để giữ cây bơ vì sản lượng cà phê không tăng nhưng bơ thì tăng đều kể từ năm thứ 6”, ông Trung chia sẻ.

Vườn cây của ông Trung được doanh nghiệp và nông dân từ nhiều tỉnh thành đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đặt vấn đề mua chồi và cây giống. Trung bình mỗi năm ông bán cả triệu chồi cà phê, hang trăm ngàn cây giống bơ ghép và cà phê cao sản. Lợi nhuận từ quả bơ, cà phê, chồi và cây giống lên đến nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã tham quan trang trại, đánh giá cao mô hình xen canh bơ - cà phê cũng như chất lượng vườn cây đầu dòng; mong muốn ông Trung tiếp tục làm đầu tàu để giúp các hộ nông dân khác cùng phát triển.