Trở lại phố đường tàu: Người khen tuyệt, kẻ lè lưỡi

TP - Phố cà phê đường tàu Hà Nội nổi tiếng ngang với tai tiếng. Ðó là lý do du khách không dễ một lần đến rồi đi, mà sẽ còn băn khoăn, lăn tăn về nó…
Du khách đến đây bây giờ hay có kiểu ngẩn ngơ, ngẩn tò te trước barie. Ảnh: DPV

“Từng không hiểu thế nào là an toàn”

Ai cũng biết, phố đường tàu đầy ẩn họa. Người dân ở đây thừa nhận họ từng không hiểu thế nào là “phạm vi an toàn”,  “chưa từng có cơ quan chức năng hoặc thẩm quyền nào giải thích cho chúng tôi về phạm vi an toàn đường sắt. Dân chỉ hiểu “khi chưa có tàu qua là an toàn” dẫn đến một số vi phạm an toàn hành lang đường sắt khi sống và kinh doanh tại đây” - đơn đề nghị đề ngày 10/10 của cư dân xóm đường tàu (gửi chính quyền Hà Nội và các cơ quan chức năng) viết.

Lá đơn này, vừa kiến nghị vừa có ý kêu cứu: “Chúng tôi hiểu nỗi lo, cái khó của chính quyền và cơ quan chức năng. Tha thiết mong các cơ quan chức năng lên kế hoạch, có giải pháp phù hợp giúp người dân ổn định đời sống, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh khu vực vừa tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Nội, làm sao để phố đường tàu trở thành điểm đến an toàn, thú vị, hấp dẫn, chứ không phải nơi “hiểm họa”, “nguy cơ tiềm ẩn”, gây lo ngại cho chính quyền...”. 

Trên phố đường tàu hôm 10/10 ấy, nhiều người dân đã đứng ngay đường ray kể tôi nghe về cuộc mưu sinh nhọc nhằn của họ, cả biến động đời sống hai năm qua. Bà Ngô Minh Nguyệt 65 tuổi kể chồng ung thư, hai con thất nghiệp, nhà bán cơm kiếm sống nhưng bây giờ khó, vì “không cho khách lên, kể cả khách Việt thì bán cho ai”. Bà Hằng em bà Nguyệt xác nhận cả nhà làm ngành đường sắt, vô cùng khó khăn, mới đỡ một năm nay nhờ bán hàng cho khách du lịch. Vợ chồng anh Quân cũng kể, thu nhập tăng gấp đôi từ khi có cà phê đường tàu nhưng bây giờ không biết sống thế nào, tiền đầu tư vào quán đâu phải ít. Bà Chung, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm nghỉ hưu cho biết: Qua giờ cứ đứng ở xó lò mà khóc. Nhiều người cũng nói: Phát khóc lên được...

Có cảm giác những người này không thể quay về cuộc đời cũ được nữa, cuộc đời trước khi có “cà phê đường tàu” nổi tiếng thế giới.

“Điểm tham quan ðáng chú ý” nhưng phân hóa sâu sắc

Trên một kênh gọi là Văn hóa Việt Nam Tivi, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hoàng Trưởng, vẫn ngoại hình ấn tượng mọi khi với bộ râu rậm và quần rằn ri, máy ảnh đeo hông,  đang cùng người bạn khảo sát phố đường tàu với vẻ cực kỳ thích thú.

Cuối buổi “thị sát”, Hoàng Trưởng nhìn thẳng máy quay, kết luận: “Cả nước Việt Nam này hình như nơi đây đặc biệt nhất, sắc thái rất hay, Tây thích là phải. Rất đơn giản nhưng lại làm thành một khu phố đi vào ký ức người ta luôn. Người Hà Nội luôn rất sáng tạo. Tuyệt vời”.  Nhiếp ảnh gia này nức nở từ cách bài trí các quán ở đây trở đi - “quá hay, rất có style”.

Từng thả bộ phố đường tàu, bạn sẽ bắt gặp không chỉ du khách mà vô số tay máy chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư người Việt và nước ngoài say sưa ghi hình khung cảnh phố cà phê đường tàu, cận cảnh từng con chó con mèo chạy qua.

Hai nữ du khách Pháp phát biểu trong clip của một bạn trẻ Việt: “Khi tàu chạy qua thì tôi ngồi trên gác nhưng kể cả dưới nhà cũng không sợ. Quá ấn tượng với nơi này” và cho biết vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội đã mò đến đây ngay, y như các bạn của mình - họ đến đây chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội khiến mọi người thích thú.

Trong khi đó, số ủng hộ xóa sổ, triệt tiêu phố đường tàu cũng đông ngang ngửa, chủ yếu là người Việt. Một nhà văn tôi quen thậm chí dùng từ “mọi rợ” để mô tả cuộc mưu sinh sát đường tàu và bây giờ lại còn lôi kéo cả thế giới đến với mình. Anh chê chính quyền không biết lo cho dân nên mới để họ khổ sở thế.

Trò chuyện với nhà báo Úc gốc Ý Laura Watkins mà tôi kể ở kỳ 1, người mang  vẻ nồng hậu đúng kiểu “Địa Trung Hải”, có lúc tôi đặt câu hỏi “Phải chăng du khách thích nơi này vì hiếu kỳ, tò mò, đến rồi đi mà không cần quan tâm mặt trái?”. Bà đáp: “Tôi không thấy có gì là xấu, nhếch nhác phản cảm ở đây cả. Tôi thấy một vẻ đẹp cuộc sống, đẹp so với những gì chúng tôi biết và là một lý do để tôi yêu Hà Nội so với các thành phố Đông Nam Á khác”. Chồng bà đế thêm: “Đi lại dưới đường kia còn mạo hiểm hơn ngồi đây uống cà phê trong phạm vi an toàn”.  

Và trong khi có cơ quan du lịch Việt Nam coi cà phê đường tàu “không phải điểm du lịch” thì trên trang TripAdvisor danh tiếng chuyên về du lịch, phố đường tàu Hà Nội đứng thứ hai trong số điểm tham quan đáng chú ý trên thế giới với 67% du khách bình chọn “xuất sắc” và 25% chọn “rất tốt”. Mâu thuẫn quá, phải không?

Còn tôi, hai lần đi dọc đường ray, nhìn vào từng ngôi nhà đầy dấu tích thời bao cấp, rồi thấy cung cách mà họ làm hình ảnh để hút khách, từ đặt tên quán trở đi, nào Sân Ga, Ga Đông Dương, Hà Nội 1980s (Hà Nội thập kỷ 80), Railways coffee vân vân, tôi thấy mình hóa ra không thể nói “ủng hộ” hay “dẹp bỏ” một cách đơn giản như đã tưởng. Thật thế…

         (Còn nữa)

Trưa 10/10 đến phố đường tàu, có lúc tôi chứng kiến cảnh to tiếng giữa một vài người dân và lực lượng ở chốt chắn. Lý do: họ cho rằng sinh hoạt bị đảo lộn khi cứ phải bảo lãnh khách khứa đến nhà mình và không được tự do mưu sinh. Thiếu tá Ðào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội cũng phát biểu trong một tọa đàm về cà phê đường tàu: “Canh gác 24/24 là rất khó khăn, chúng tôi khó mà bố trí được”.

Xóm đường tàu kiến nghị 7 biện pháp an toàn (trong đơn gửi chính quyền)

1. Các hộ kinh doanh cà phê hoặc nghề khác cam kết tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5 mét  tính từ đường ray vào đến nhà và chỉ hoạt động trong nhà.

2. Lắp camera phát hiện hộ vi phạm.

3. Lắp đặt biển cảnh báo song ngữ Việt-Anh nội dung: NGUY HIỂM – CHÚ Ý AN TOÀN KHI TÀU CHẠY – KHÔNG NGỒI, ÐỨNG Ở GẦN SÁT TÀU HỎA HOẶC NGOÀI PHẠM VI AN TOÀN. Thông báo giờ tàu chạy cố định để khách hiểu rõ nguy hiểm khi tàu chạy qua.

4. Lắp đặt loa cảnh báo kết nối với chắn tàu trước khi tàu chạy qua dù là giờ tàu cố định hoặc những lần tàu phát sinh sự cố...

5. Khi tàu chạy qua, du khách được đảm bảo trong khu vực đã kẻ vạch sơn an toàn, có barie chặn lối đi bằng inox có dây kéo chặn trước mỗi cửa hàng và nhà dân, tránh du khách hiếu kỳ vượt khỏi vòng an toàn.

6. Với những điểm đường ngang, khi có tàu chạy qua, sẽ để barie rào chắn cứng tại 2 chốt đường ngang dân sinh tại khu vực đối diện số 62 và 12 Ðường Tàu, tránh việc du khách băng ngang đường tàu khi tàu sắp chạy qua.

7. Với lo lắng du khách tò mò về khu vực không có dân sinh và tìm đến “vòm cây” để chụp ảnh, kiến nghị để biển cảnh báo song ngữ Việt – Anh nội dung:  NGUY HIỂM – KHÔNG CÓ KHU DÂN CƯ – KHÔNG CÓ LỐI  RA - ÐỀ NGHỊ QUAY LẠI  (DANGER – NO ABITATION – NO EXIT- COME BACK).

Một phần lá đơn kiến nghị với chữ ký của nhiều hộ dân