Trở lại những bến sông giăng cáp đợi cầu

TP - Đầu tháng 10/2014, chúng tôi trở lại những điểm cáp treo dọc sông Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nơi trước đây báo Tiền Phong đã có bài “Đu cáp bay qua sông mùa lũ”, tình thế đã khác trước, dù có nơi dân vẫn chờ cầu, có nơi đã được cấp ghe mới. 
Học sinh, giáo viên ở xã Bình Hòa đã có thuyền mới an toàn

Phòng giáo dục có biên chế… lái đò! 


Suốt 27 năm, con thuyền tự chế với mục đích ban đầu chỉ vận chuyển hàng hóa của gia đình ông Phạm Văn Sỹ ở thôn 6, xã Bình Hòa dần trở thành phương tiện thân quen giúp thầy cô giáo và học sinh ngày ngày sang sông đến trường.

Để động viên ông Sỹ, từ năm 2011 Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông đã trích 60 triệu đồng/năm trả tiền nhiên liệu, nhân công lái đò đưa đón học sinh, giáo viên đến trường.

Năm học 2013-2014, em Nguyễn Dương Phú (lớp 6A3, trường THCS Lê Văn Tám) trong lúc đợi đò qua sông đến trường bị sẩy chân, té xuống sông chết đuối. Hơn một giờ sau người dân mới vớt được thi thể của cậu bé trong tiếng khóc than đau đớn của gia đình, bạn bè, thầy cô.   

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Người lái đò miễn phí” ngày 19/9, Ban an toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk đã trao tặng xã Bình Hòa một chiếc thuyền gắn máy có đầy đủ trang thiết bị, được thiết kế theo chuẩn phương tiện đường thủy cấp IV, có thể vận chuyển từ 70 đến 100 khách/chuyến. Chiếc thuyền được xã giao cho anh Phạm Văn Hùng (20 tuổi, con ông Sỹ) lái.

Trở lại bến đò Ea Chai, chúng tôi cảm nhận được niềm xúc động, phấn khởi của học sinh, thầy cô và người dân xã Bình Hòa, đặc biệt là người lái đò cần mẫn Phạm Văn Sỹ. 

“Từ khi có thuyền mới, việc đi học - đi dạy của cô trò chúng tôi dễ dàng hơn, không còn cảnh các ông bố bà mẹ lo lắng, khóc ngất khi trời tối mà chưa thấy con về”, cô H’An Niê Kđăm (giáo viên trường Lê Văn Tám), nói.

Là người đầu tiên sang Ea Chai dạy học, cô Trần Thị Hoa (Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Quốc Toản), kể: “Trước đây, để sang được Ea Chai tôi phải xin đi nhờ trên đò tự chế, lúc không có ghe tôi và các thầy cô khác đành xách dép lội dò dẫm từng bước qua sông. Giờ có thuyền, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều vui mừng, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của bao nhiêu thế hệ người dân Ea Chai”.

Ông Thái Văn Tài (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana kiêm Trưởng phòng GD&ĐT huyện), cho biết: “Huyện đã chỉ đạo cho xã Bình Hòa xây dựng quy chế hoạt động, chịu trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng để nâng cao hiệu quả của thuyền. Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhiên liệu, tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện để đưa thêm 1 lái đò vào biên chế ”.

Nông sản bay qua sông

Dân đi ghe, nông sản đu cáp!

Trong cái nắng gay gắt giữa trưa tháng 10, những sợi cáp treo tự chế vẫn đung đưa trên mặt sông Krông Ana. Hôm nay, bà con các thôn của xã Hòa Lễ, (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) tấp nập, hối hả thu hoạch và vận chuyển hoa màu về nhà. 

“Báo đăng xong, có chỉ đạo trên xã về thôn buộc dân phải tháo dỡ toàn bộ cáp treo tự chế, quay lại đi bằng ghe, thuyền như trước đây. Chúng tôi đã xin giữ cáp để vận chuyển nông sản. Còn người dân sẽ đi bằng ghe nhỏ của gia đình trong khi đề nghị huyện xin trên cấp cho một cái ghe lớn an toàn hơn”, ông Lý Trường Phước - trưởng thôn 6 nói. 

Quần áo lấm lem, tay cầm sợi dây và một cái tời, anh Nguyễn Văn Hoàng, 53 tuổi (thôn 5), cho biết: “Thường ngày đi làm tôi cầm theo 2 thứ này để đu qua sông. Thật ra với ghe nhỏ, nước lớn hay canh ghe đều dễ lật, mưa lũ mà thả ghe xuống sông này thì ghe trôi mất ngay. Đi cáp an toàn và nhanh hơn, nên bà con vẫn phải sử dụng cáp thôi. Mùa màng xong, bà con phải tháo dỡ cáp cất cho mùa sau, không dám để vậy vì sợ trộm cắt cáp đi mất”.

Ông Trương Công Lý (53 tuổi, thôn 5) cho biết thêm: “Cuộc sống gia đình tôi phụ thuộc gần 3 ha điều, bắp, lúa bên kia sông. Vận chuyển nông sản bằng dây cáp thuận tiện hơn đi ghe nhiều. Dùng ghe tốn rất nhiều công sức, phải vác nông sản từ trên rẫy vác xuống rồi chèo ghe qua bờ bên kia, đi lên một cái dốc mới tới bờ. Mà ghe chỉ chở được ít, tham chở nhiều một tí là lật ngay, coi như mất của. Mong sao có một cây cầu để qua”.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ, cho biết: “Hiện những điểm cáp treo không đảm bảo an toàn đã được tháo dỡ. Những hộ dân chưa thu hoạch xong mùa vụ đều xin chưa tháo cáp, để chuyển nông sản cho đỡ vất vả.

Xã chỉ biết tuyên truyền, động viên bà con qua sông bằng ghe, thuyền nhỏ. Xã cũng đã hỗ trợ trên 30 áo phao cho những gia đình khó khăn, đông người phải thường xuyên qua sông đi làm.