Có 6 nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ trong thời gian 3 tháng, bao gồm:
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng;
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng;
Nhóm đối tượng nêu trên sẽ được chi tiền hỗ trợ một lần cho ba tháng;
Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 điều 98 của Bộ luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng;
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng;
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Dự kiến, tổng mức kinh phí đủ để hỗ trợ sáu nhóm đối tượng nêu trên khoảng 62.000 tỉ đồng, được sử dụng từ ba nguồn gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”, theo Bộ trưởng Dũng, việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa. Đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng.
Bối cảnh lúc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khác phải tính đến. Đó là xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; đồng thời, chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh). Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.