Triều Tiên dọa tấn công Nhà Trắng

TP - Triều Tiên sẽ tấn công “Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và toàn bộ nước Mỹ”, nếu Tổng thống Barack Obama trả đũa vụ tin tặc xâm nhập mạng hãng phim Sony Pictures hồi tháng trước, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được cho có thể bắn tới Mỹ. Ảnh: Getty Images

“Quân đội và nhân dân Triều Tiên đã hoàn toàn sẵn sàng đương đầu với Mỹ trong mọi hình thái chiến tranh, kể cả chiến tranh mạng cho tới thổi bay các thành lũy của chúng”, KCNA dẫn thông báo của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. 


Theo thông báo này, Tổng thống Mỹ đang “liều lĩnh” lan truyền các đồn đoán về việc Triều Tiên liên quan vụ tấn công mạng máy tính của Sony Pictures. 

Cuối tuần qua, Triều Tiên bác bỏ sự dính líu vào vụ tấn công Sony Pictures sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng “chính phủ Triều Tiên chịu trách nhiệm” về vụ tấn công. 

Tổng thống Obama tuyên bố không coi vụ tấn công mạng đây là “hành động gây chiến”, nhưng ông đang cân nhắc đáp trả đích đáng, bao gồm đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, trang tin Huffington Post (Mỹ) đưa tin.

Trong thông báo hôm 21/12, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho rằng, có “bằng chứng rõ ràng” rằng chính phủ Mỹ đứng sau việc sản xuất bộ phim hài “The Interview” (nói về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) với ý đồ phá hoại chế độ Triều Tiên. 

Ủy ban này ca ngợi hacker đã có “hành động chính nghĩa”, nhưng nói thêm rằng, nhóm tin tặc hành động độc lập, không liên quan chính quyền Triều Tiên.

“Chúng ta không biết họ là ai hay họ ở đâu, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, họ là những người ủng hộ và thiện cảm với Triều Tiên”, thông báo viết.

Triều Tiên cho rằng, “The Interview” được dàn dựng và sản xuất theo sự “chỉ đạo” của chính quyền Mỹ, nhằm xúc phạm phẩm giá của nhà lãnh đạo Triều Tiên, kích động chủ nghĩa khủng bố. 

Theo Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, những hành động như vậy cho thấy Mỹ là “trùm sỏ khủng bố” khi kêu gọi chống khủng bố khắp thế giới, nhưng lại mưu đồ đằng sau hậu trường, sản xuất và phát hành những bộ phim kích động khủng bố. 

Bình Nhưỡng cũng không giấu vẻ hài lòng về tổn thất nghiêm trọng do vụ tấn công gây ra đối với cơ sở dữ liệu của Sony Pictures, trong đó nhiều thư tín mật của hãng và phim chưa được phát hành đã bị tung lên mạng.

Vụ này được xem là một trong những vụ hacker tấn công doanh nghiệp gây tốn kém nhất trong lịch sử. “Có thể nói đó là cái giá phải trả cho việc làm sai lầm, một hành động ma quỷ gây nguy hại cho những người khác”, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nhận định.

Mỹ đe sẽ mạnh tay 

Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, ngoài việc xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố (Triều Tiên được đưa ra khỏi danh sách này 6 năm trước), Mỹ còn đe sẽ mạnh tay hơn. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố Mỹ “có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết, gồm ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế phù hợp luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế… để bảo vệ quốc gia, đồng minh và các lợi ích của chúng ta”. 

Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 22/12 bày tỏ ủng hộ cuộc điều tra của Mỹ đối với vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures, coi đây là nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.

Theo AP, Triều Tiên tuyên bố từ chối tham gia cuộc họp ngày 22/12 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nội dung thảo luận tình hình nhân quyền tại nước này.

Sức ép quốc tế đối với Bình Nhưỡng ngày càng tăng trong năm nay, sau khi một cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc tài trợ đã kết luận ban lãnh đạo Triều Tiên phạm các tội ác chống lại loài người và cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể phải chịu trách nhiệm. 

Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ và đồng minh lợi dụng vấn đề nhân quyền làm vũ khí để lật đổ chế độ Triều Tiên.