Điều bất thường so với các năm trước là đỉnh triều cường tại Cà Mau năm nay trên sông Cửa Lớn xuất hiện sớm hơn 2 ngày so với sông Gành Hào. Một cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cà Mau cho rằng, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn ra bất thường và ngày càng phức tạp, không theo chu kỳ con nước như trước đây.
Ngoài ra, nhiều tuyến sông bị phù sa bồi lấp, nhiều chướng ngại vật cản trở dòng chảy, nước ròng rút chưa kịp thì nước lớn đã tràn vào. Vì vậy, đỉnh triều trên các sông nằm sâu trong đất liền, gặp mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi. Theo đó là tình trạng sạt lở đất ở cửa sông, ven biển ngày càng nhiều và nguy hiểm.
Ông Huỳnh Văn Tuôi ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân (Ngọc Hiển, Cà Mau) nói: “Nhìn mực nước lên ở gốc mắm mé sông thấy thủy triều lên cao hơn năm trước cỡ một tấc. Bà con tôn nền nhà mới thoát ngập”. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nhận xét: “Triều cường cao hơn, ngập úng rộng hơn năm 2009”.
Ở Cà Mau, triều cường đã tràn bờ 91 km đê, phá hủy 3.600 ha lúa và hoa màu, gần 3.000 ha nuôi trồng thủy sản. Diện tích lúa và ao tôm bị hư hại đều ở mức 35.000 ha. Hàng ngàn nền nhà bị ngập trong nước 10-20 cm. Theo Sở NN& PTNT tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm, còn ít nhất 3 đợt triều cường, khả năng xảy ra lở đất tại 6 cửa sông lớn.
Tỉnh Bạc Liêu có trên 53.000ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 8.448ha lúa đông xuân gần như thiệt hại hoàn toàn vì nằm trong vùng trũng, bị ngập sâu nhiều ngày. Vùng trồng hoa màu của tỉnh Bạc Liêu là xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) cũng bị nước nhấn chìm 160ha.
Hầu hết người dân bị bất ngờ với mưa và triều cường năm nay, không kịp ứng phó. Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thiệt hại của người dân đã trên 50 tỷ đồng, chưa kể gần 6.000 căn nhà và hàng chục cây số đường bị ngập sâu trong nước”.