“Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn; cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề ĐBQH, cử tri, nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ, có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang”, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến.
Nhận xét rằng tuổi thọ các đạo luật thường chỉ có “trên dưới 10 năm”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng cần xem xét Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã thực sự tối ưu hay chưa? “Nếu tiếp tục tư duy lập pháp theo kiểu cơ quan nào chủ trì sẽ trình dự luật cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch hằng năm sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo, bị động khi cơ quan trình chậm”. Đại biểu này cũng cảnh báo tình trạng dự thảo luật bao giờ cũng “cài cắm” những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật, nên có tình trạng nhiều luật dễ cho cơ quan nhà nước, nhưng lại khó cho người dân và doanh nghiệp.
Chọn cách ví von hình ảnh, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng “việc thường xuyên điều chỉnh chương trình pháp luật chẳng khác gì người điều khiển xe ô tô thường xuyên đỗ lại để sửa, khiến giao thông không thông suốt”, cho thấy tư duy lập pháp, tư duy chính sách còn thiếu nhất quán, thiếu tầm nhìn xa.
Sự chồng chéo, đa nghĩa, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau trong không ít đạo luật và văn bản hướng dẫn sẽ dẫn đến hai vấn đề, một là thực thi sai, hai là thấy rối quá bèn khoanh tay ngồi im cho “an toàn”.
Không phải ngẫu nhiên mới đây có cuộc “đối thoại” bất đắc dĩ giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khi riêng trong năm 2022 thành phố này gửi cho Bộ gần 600 văn bản “hỏi ý kiến”, và khi Bộ này phản hồi, thì thành phố nếu căn cứ vào những nội dung trả lời đó “cũng không biết sao mà làm”! Nhìn rộng ra các tỉnh thành cả nước liên quan đến mọi lĩnh vực, bộ, ngành, không biết tần suất và số lượng các văn bản “hỏi-đáp” kiểu này sẽ là con số nào, trong khi hệ thống các đạo luật đều đã có sẵn?
Thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và lâu bền là những yêu cầu mang tính nguyên tắc của hệ thống pháp luật. Nên đã đến lúc, như đề nghị của ĐBQH Lê Thanh Vân, đó là Quốc hội nên coi tiêu chí xây dựng pháp luật, thể chế để đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đồng thời, xác định trách nhiệm của những người khởi xướng xây dựng những dự luật mà tuổi thọ ngày càng “trẻ hóa” như hiện nay.