Không khí náo nức trong tiếng trống hội thôi thúc du khách hướng về sân quảng trường lễ hội tại Khu di tích Đền Hùng, nơi các đoàn rước kiệu đã chuẩn bị sẵn sàng cho một nghi lễ trang trọng –phô diễn màn rước kiệu vòng quanh sân lễ hội. Hàng ngàn du khách đã tập trung đông đảo để chứng kiến giây phút các đoàn rước kiệu đi qua. Sắc màu trang phục của những chàng trai, cô gái Đất Tổ trong đội rước, nghi thức hành lễ, trống chiêng, cờ quạt sinh động, và đặc biệt biệt sự trang trí cầu kỳ đối với các kiệu cổ, đã lôi cuốn bất kỳ ai có cơ hội trực tiếp chiêm ngưỡng.
Tham gia lễ rước kiệu về Đền Hùng năm nay có 5 đoàn gồm: xã Hùng Lô, xã Kim Đức (Thành phố Việt trì), Thị trấn Hùng Sơn, xã Tiên Kiên, xã Chu Hóa ( huyện Lâm Thao).
Chỉ tay vào đoàn rước, cụ ông “cai cơ” (chỉ huy đoàn rước) Nguyễn Ngọc Tình, đã 35 năm làm cai cơ, tự hào cho biết, đoàn rước của xã Kim Đức năm nay có 76 người, trong đó có 12 chàng trai khỏe mạnh chia làm 3 kíp thay nhau làm nhiệm vụ rước kiệu. Song song bên kiệu 4 thiếu nữ vừa đi vừa hát Xoan. Ông nói truyền thống rước kiệu về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ có từ lâu đời, và chiếc kiệu cổ này đã có tuổi đời gần 300 năm. Mỗi thế hệ cháu con trong làng nhiều đời nay đều có ý thức giữ gìn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như là một nét đẹp không thể bị mất đi.
Đoàn Kim Đức nổi bật trong đám rước kiệu. Dẫn đầu là đội cầm cờ Tổ quốc, cờ thần uy nghi dũng mãnh, theo sau là cờ hộ, bát bửu trang nghiêm. Ngay sau kiệu rước vua Hùng là nhân vật Mạnh Bái (con cả của Vua Hùng), nhân vật thu hút nhiều sự chú ý của đám đông du khách. Sắm vai nhân vật đặc biệt này là cụ Đinh Xuân Thy (72 tuổi) có phong thái oai phong, lẫm liệt của một bậc vương tử. Cụ Nguyễn Ngọc Tình cho biết xưa nay ai được giao vào vai Mạnh Bái phải là người trên 70 tuổi, đức cao vọng trọng, có uy tín trong cộng đồng làng và được nhân dân tín nhiệm.
Lần thứ 3 tham gia đoàn rước kiệu của xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ, chàng trai (27 tuổi) Chử Tuấn Tài nói: “Tôi tự hào tham gia trong đội hình múa sư tử của đoàn. Lớp trẻ chúng tôi từ khi sinh ra đã được các cụ truyền dạy lại những ý nghĩa của lễ rước kiệu truyền thống”. Lẫn trong đám đông du khách là rất nhiều những gương mặt tỏ ra phấn khích, mang tâm tạng háo hức khi đoàn rước kiệu tiến về sân trung tâm lễ hội. Không ngớt trầm trồ trước vẻ đẹp trang nghiêm, hoành tráng của đám rước, ông Bạch Công Khanh (xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vui vẻ cho biết đây là lần đầu được đến Đền Hùng và lần đầu được xem rước kiệu, và ông cảm nhận rằng rất…hoành tráng!.
Sáng cùng ngày, Hội thi nấu, gói bánh chưng cũng diễn ra sôi nổi. Tham gia hội thi năm nay có 14 đội đến từ 13 huyện, thị của Tỉnh Phú Thọ và đoàn Hà Nội. Cuộc tranh tài diễn ra kịch tính trong sự cổ vũ, hò reo của mọi người. Đây là cuộc thi được tổ chức hàng năm trong các mùa Giỗ Tổ, để gợi nhớ công đức của các Vua Hùng, tạo dựng lại hình ảnh sâu xa thủa xưa khi Lang Liêu dâng bánh lên vua cha. Trời tròn (bánh giầy), đất vuông (bánh chưng) mang đầy đủ ý nghĩa vận hành tự nhiên của giời đất mà dân gian từ hàng ngàn năm trước cảm nhận, tôn kính.
Một số hình ảnh lễ hội: