Tranh phần, trốn trách nhiệm

TP - Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội ngày 23-10, đại biểu Quốc hội tập trung mổ xẻ chuyện thời sự: Đầu tư công.

Từ câu chuyện thảo luận của các đại biểu, cho thấy quan chức địa phương lâu nay, chỉ quen xí phần, chứ chưa quen nhận trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu: “Nói đầu tư dàn trải nhưng chưa thấy tỉnh nào, đại biểu nào nhận tỉnh mình đầu tư không hiệu quả. Cũng chưa thấy tỉnh nào tình nguyện thôi dự án này, dự án kia của mình đi để bớt dàn trải... Thu chi cứ tăng đều, giảm đều. Chia mỗi nơi một ít. Cơ bản ai cũng được”.

Chuyện đầu tư dàn trải, dẫn tới lãng phí, không phải tới kỳ họp Quốc hội này mới phát lộ ra, mà cách đây hàng chục năm, nó đã phát lộ. Tỉnh nào cũng nại đủ lý do lên trung ương xin tiền, tỉnh nào lãnh đạo giỏi, quan hệ rộng thì xin được nhiều, không quan hệ thì khó. Đến nỗi, trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội), có lần phải vận dụng hình ảnh “chiếc bánh ngân sách như chiếc chăn hẹp, ai cũng muốn kéo về phần mình, nên không dễ chia”.

Khi đó, nhiều người đã táo bạo nghĩ, vấn đề không chỉ nghĩ cách chia mà phải nghĩ cách làm sao để có được nhiều bánh, chia được miếng to.

Nhưng nhìn lại, tới nay, số tỉnh phải bấu víu bầu sữa mẹ Trung ương tuy có giảm, nhưng hiện số tỉnh mà Trung ương phải bao cấp vẫn nhiều hơn số tỉnh tự trang trải. Nên quả thật, việc chia bánh, xí phần không dễ. Cái khác so với trước đây, là ở chỗ miếng bánh ngân sách to hơn, thì số dự án được đầu tư nhiều hơn và càng bộc lộ rõ hơn những dự án đầu tư không hiệu quả.

Năm 2010, Chính phủ có hẳn Nghị quyết số 11, đặt ra mục tiêu cắt giảm đầu tư công khá rõ ràng. Nhưng cũng không cản được mãi lực đầu tư công. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại kỳ họp cho thấy, dù Chính phủ đã thắt chặt, nhưng chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán hơn 15%, Quốc hội chỉ đồng ý cho 40 dự án công trình vốn trái phiếu khởi công mới trong năm nhưng cuối cùng có tới 333 dự án (tăng hơn 8 lần). Chính việc không kiểm soát được đầu tư công, đã góp phần đẩy lạm phát tăng mạnh.

Điều lạ là không thấy ai nhận trách nhiệm, cũng không ai phải giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm phê duyệt, xét duyệt cho phép khởi công các dự án mới ngoài danh mục cho phép. Cần lưu ý, hiện phần lớn các đại biểu Quốc hội, đều là quan chức của bộ máy Nhà nước.

Ở mỗi tỉnh, thành phố hoặc chủ tịch tỉnh hoặc bí thư tỉnh ủy... tham gia Quốc hội. Tuy nhiên, không thấy ai thể hiện trách nhiệm với việc đầu tư công dàn trải, lãng phí. Lạ hơn nữa, có những đại biểu, phát biểu như người đứng ngoài cuộc. Tỏ vẻ như việc đầu tư công dàn trải, chậm tiến độ, lãng phí... là ở tỉnh khác, thành phố khác, chứ không phải ở địa phương mình.

Trong một nền quản trị yếu, thiếu minh bạch, tất yếu dẫn tới cơ chế giải trình và chịu trách nhiệm bị triệt tiêu. Muốn khắc phục, phải được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật. Ở đây, để không tái diễn tình trạng tranh phần, nhưng trốn trách nhiệm, rất cần sự ra đời của luật đầu tư công.

Theo Báo giấy