Tranh họa sĩ trẻ - làm sao để bán?

TP - Bảy họa sĩ trẻ của Hà Nội gặp lại nhau trong Triển lãm Gặp nhau nhé (See you) tại phòng tranh Cuci - 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội (đến 30/9).

Họ đều từng lọt vào vòng chung kết Tài năng trẻ Hội họa 2010 - cuộc thi do Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam tổ chức. Không chỉ khác về phong cách mà họ còn khác về tính thị trường. Cuộc trò chuyện với một số họa sĩ tham gia triển lãm rút cuộc xoay quanh chuyện bán tranh.

“Trò mới” Tranh: Lương Trung

Lương Trung vẫn quan tâm đến các xu hướng đương thời ở đô thị. Nhưng có điểm thú vị là nhân vật trong tranh anh giảm dần tuổi tác. Mấy năm trước, Trung vẽ thanh niên, sau đó chuyển sang choai choai và bây giờ là trẻ con lứa tuổi mẫu giáo. Nhưng những hoạt động mà các nhân vật này tham gia vào vẫn vậy: nhậu nhẹt, cá độ, chơi bài…

Những đứa trẻ mang gương mặt vô cảm hoặc cay nghiệt mang lại cảm giác vừa hài hước vừa mỉa mai. “Người lớn- trẻ con đôi khi cách nhau không xa, có thể đánh đổi cho nhau. Trẻ con bây giờ cũng biết thế giới phẳng, cũng biết những trò người lớn, nhiều người lớn chưa chắc đã bằng trẻ con về nhiều vấn đề, kể cả ăn chơi”, Trung nói. Cũng có thể hiểu rằng khi thả mình theo bản năng, thì người lớn đôi khi không hơn đứa trẻ.

“Nhiều khi mình vẽ nghiêm túc, không đùa đâu, nhưng đời lại cứ đùa mình. Nhiều khi Tú vẽ đùa thôi, nhưng đời rất nghiêm túc với anh, trả tiền”.

Nguyễn Xuân Hoàng

Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục chơi với các lớp sáng tối. Bức tranh đầu tiên theo kiểu này Một mình vẫn hơn được tác giả đứng vẽ khi đứng trên ghế, xung quanh là nước dềnh lên từ cống thối ở Giang Văn Minh. Nước (thải) phản quang tạo thành các lớp sáng gợi cảm hứng cho họa sĩ.

“Từ đấy trở đi những bức tranh của tôi cứ lặng lẽ dần. Càng đi vào yếu tố lặng lẽ càng cảm thấy mọi thứ với tôi trở nên trong trẻo hơn,” anh tâm sự. Trên thị trường, dòng tranh này của Hoàng cũng khá “lặng lẽ” vì thế anh vẽ thêm theo kiểu hiện thực để bán. Với Trung, những gì anh theo đuổi cũng được một số gallery quan tâm và bán được. Đâm ra Trung không phải “đi hai chân” như Hoàng.

Khuôn mặt gợi cảm của các cô gái theo phong cách pin-up (họa hình các cô gái đẹp theo kiểu hoa mỹ) thịnh hành ở Mỹ giữa thế kỷ XX được Nguyễn Thế Hùng đặt lên các hoa văn kiến trúc cũ của Việt Nam. Anh muốn miêu tả sự giao thoa, trao đổi, giằng xé giữa cái cũ và cái mới. Trong 3 năm theo đuổi phong cách này, tranh của Hùng đã được giới thiệu ở Singapore, Hồng Kông…

“Chẳng hạn người ta bảo muốn khóc quá, thì mình tả kiểu gì bây giờ?” Nguyễn Hồng Phương tự giải đáp thắc mắc của mình bằng loạt tranh kiểu trừu tượng sắc độ đen trắng. Ngoài tham gia trưng bày cùng anh em, Nguyễn Hồng Phương có thể coi là giám tuyển giúp vợ- bà chủ gallery Cuci.

Chủ trương của Phương là tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ thể hiện theo cách tự nhiên nhất. Anh thẳng thắn: “Hy vọng giới thiệu cho anh em tới những người thích tranh và có kinh tế. Ngoài ra cho anh không gian thoải mái để làm việc được nhiều hơn”. Phương xây dựng cho Cuci một lịch trình sự kiện cho cả năm, trong đó có triển lãm riêng của Phạm Tuấn Tú- vị quán quân Tài năng trẻ 2010. Dự kiến đây sẽ là cuộc trưng bày của đồ cũ tái chế.

Tham gia Gặp nhau nhé, Tuấn Tú chọn vài tranh đề tài đồng tính. Tiếng là vậy, nhưng tranh của anh “nói” nhiều hơn thế. Còn tác giả lại không muốn nói nhiều về tác phẩm: “Tôi chỉ vẽ được kiểu vui vui, nghịch cái nọ, chế cái kia. Thực ra, tôi không có ý gì trong tranh pháo lắm. Tôi không muốn gán cho nó ý niệm gì, để người xem tự cảm nhận”.

Có vẻ như Tú ít chịu áp lực thị trường nhất? Anh cho hay: “Cơ bản thế nhưng nhiều khi đang vẽ trong đầu vẫn nghĩ vẽ thế này không biết có bán được không. Ví dụ định vẽ cái miệng theo kiểu mình thích, song lại nghĩ hay sửa lại xinh xinh một tí, chẳng may lại có khách!”.

Phương tham gia: “Vẽ vui vui là câu chuyện của Tú. Nhưng Tú là người bán được cái vui đấy. Mình cũng muốn vui, mình vẽ vui rồi, nhưng không bán được (cười). Tranh của Tú rất nhiều người thích, bán nói chung được giá nhất trong đám anh em”.

Theo Phương miêu tả thì hiện nay khách có tiền cũng chưa chắc đã mua được tranh Tú vì phải xếp hàng. Tú bán tranh tại nhà chứ không qua gallery.