Sao cái gì cũng chồm ra sông?
KTS Nguyễn Văn Chung (nguyên Viện phó Viện Quy hoạch TP Đà Nẵng) là một trong những người phản ứng gay gắt nhất đồ án quy hoạch sau khi đại diện Công ty Tư vấn thiết kế JiNa (gọi tắt là JiNa) trình bày. Theo ông, tên khởi thủy của sông Hàn là dòng sông lớn. Có nghĩa, tất cả đều phải rộng lớn. Nay sông Hàn đã không còn lớn, mà nếu theo quy hoạch của JiNa thì sắp tới lại càng bé nữa.
Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch của JiNa quanh đi quẩn lại chỉ tập trung duy nhất vào mỗi câu: làm sinh động hai bên bờ sông Hàn. “Xin nhắc lại, sông Hàn đã rất đẹp rồi, đó là một dải mềm mại vắt ngang thành phố. Sao lại vin cớ làm sinh động hơn bằng những công trình chồm ra sông? Bằng những tòa nhà cao tầng, bến du thuyền?” - ông đặt câu hỏi.
“Quy hoạch mà sao cái gì cũng lấn sông, cái gì cũng chồm ra sông thế?” - KTS Chung phản ứng gay gắt việc tạo hình đôi bờ sông Hàn, những chỗ lấn ra sông như những chiếc răng cưa, gây cảm giác khó chịu khi nhìn vào bức tranh tổng thể sông Hàn. Cùng quan điểm, KTS Trần Hoàng cho biết, việc JiNa tăng thêm 5 - 10% diện tích cây xanh là rất tốt, tuy nhiên, tạo diện tích cây xanh bằng cách lấy đi diện tích mặt nước là không thể chấp nhận được.
“Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch đôi bờ sông Hàn của JiNa chỉ bắt đầu từ phía bắc cầu Trần Thị Lý đến nam cầu Thuận Phước là chưa đúng. “Sông Hàn không thể quy hoạch trên một đoạn như thế, nghiêm trọng hơn, nhà thiết kế tự biến sông Hàn thành từng đoạn, chặt khúc, biến sông Hàn thành 4 cái ao. Rất phản cảm” - KTS Chung nói.
Theo KTS Phan Đức Hải (Viện Quy hoạch Đà Nẵng), JiNa cần trả lời được câu hỏi: Làm hẹp dòng sông, nhiều đoạn lấn ra sông như hình răng cưa thì đó có phải là một quy hoạch mang tính bền vững hay không? Theo tính toán của KTS Hoàng Quang Huy (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng) quy hoạch của JiNa có chỗ lấn ra sông tới 100m, có chỗ thậm chí bị thu hẹp tới hơn 200m, từ 800 xuống con 570m. Đặc biệt, chỗ hẹp nhất 400m, JiNa cho vươn các công trình ra sông, còn lại 300m.
“Với quy hoạch lấn sông như thế này, chắc chắn sông Hàn sẽ biến dạng. Và khi JiNa chưa tính toán hết được lưu lượng dòng chảy, mớm nước, luồng lạch… thì chắc chắn việc bóp dòng sông bằng những công trình sẽ vô cùng nguy hiểm cho sau này”.
Quy hoạch lợi cho nhà đầu tư?
Theo các chuyên gia, quy hoạch của JiNa đã chọn sai điểm nhấn. Thay vì liên kết quy hoạch đôi bờ sông bằng những công trình văn hóa, lịch sử thì JiNa lại chọn liên kết là những tòa cao tầng, bến du thuyền, cầu đi bộ… “Đó chắc chắn là những lựa chọn có vấn đề” - KTS Tô Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng khẳng định.
Theo KTS Hoàng Quang Huy, có vẻ như JiNa thiết kế đôi bờ sông Hàn mà chưa hiểu hết về văn hóa, lịch sử của dòng sông Hàn. “Theo tôi, kết nối những điểm nhấn với nhau, nhất thiết đó phải là Cổ viện Chàm, là tòa thị chính, thành Điện Hải… Phải coi trọng yếu tố văn hóa trong điểm nhấn kiến trúc đôi bờ sông chứ không phải là những công trình sau này” - KTS Huỳnh Việt Thành (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng) khẳng định.
Theo KTS Tô Văn Hùng, có 3 vấn đề chính mà JiNa cần phải trả lời thỏa đáng, gồm: Vì sao điểm nhấn cầu đi bộ lại xuất hiện trong quy hoạch; vì sao tồn tại quá nhiều bến du thuyền (9 vị trí) trong quy hoạch và cuối cùng, tại sao liên kết những điểm nhấn đa phần là các công trình của một nhà đầu tư?. “Có hay không nhà thiết kế chịu ảnh hưởng từ nhà đầu tư? Thiết kế này có làm lợi cho một nhà đầu tư nào đó?” - KTS Hùng nói.
Về quy hoạch bến du thuyền, KTS Huỳnh Việt Thành cho rằng, những công trình vươn ra sông Hàn, tua tủa hình răng cưa chưa bao giờ xuất hiện trên thế giới. “Không nên rải bến du thuyền ra như thế, nên tập trung một khu nhất định và chỉ cho phép vài cái thôi. Tôi phản đối cái bến du thuyền đang xây hiện nay là DHC Marina. Vô cùng phản cảm, đời sau sẽ lên án cái đó”.
Theo như quy hoạch của JiNa, một số công trình đã và đang xây dựng hai bên bờ sông Hàn sẽ bị ảnh hưởng. Hiện Đà Nẵng cũng đã cho tạm dừng một công trình bến du thuyền (1,2 tầng, do Cty I.V.C làm chủ đầu tư) tại vị trí cách cầu Rồng khoảng 160m.
Theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, quy hoạch hai bên bờ sông Hàn là việc làm rất thận trọng của lãnh đạo thành phố. Vì thế, ngay từ bây giờ, bất kỳ công trình nào ở vị trí nhạy cảm trên sông Hàn đều phải tạm dừng để lấy ý kiến của các chuyên gia, giới kiến trúc và truyền thông. “Quy hoạch đôi bờ sông Hàn là làm đẹp dòng sông của dân, người dân thành phố hưởng lợi. Vì thế phải cực kỳ thận trọng” – ông Trần Thọ nói.