Trai Bỉnh Di đi xây Trường Sa

TP - Hai mươi năm qua, nhiều chàng trai thợ nề, thợ mộc, thợ mạ tài hoa của làng đã tiếp bước nhau ra Trường Sa xây dựng những công trình. Tết về quê, họ lại râm ran chuyện ở đảo xa...

Đổi thay ở Trường Sa
> Cận Tết ghi ở đảo xa

Cha, con cùng xây đảo

Trước Tết Nhâm Thìn, sau khi cùng anh em công nhân hoàn thành trước thời hạn công trình xây kè chắn sóng, mở rộng đảo Phan Vinh, Đỗ Văn Hương được lãnh đạo Cty Xây dựng Công trình Tân Cảng thưởng 20 ngày phép. Từ đảo xa, anh theo tàu về đất liền rồi ra Bắc về làng Bỉnh Di (Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định), nơi người vợ trẻ đang mong chồng từng ngày. Căn nhà nhỏ của vợ chồng Hương, mấy hôm nay thành nơi gặp gỡ của những chàng trai một thời có mặt ở Trường Sa.

Nhiều năm qua, từ làng Bỉnh Di, hàng trăm thanh niên trai tráng, những thợ mộc, thợ nề, thợ mạ có tay nghề cao đã xung phong ra quần đảo Trường Sa xây dựng công trình. Họ có mặt khắp các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh đến Sinh Tồn, Đá Lớn, Đá Đông... Gần 20 năm trước, cha Hương - ông Đỗ Văn Điểu, một thợ nề giỏi của làng cũng đã ra Trường Sa Lớn. Những câu chuyện bố kể về cuộc sống của người thợ xây nhà trên đảo nhỏ giữa trùng khơi đến tận bây giờ còn đọng lại trong Hương. Lớn lên, cũng như bố, xa làng đi xây đảo, Hương thêm hiểu nguyên cớ vì sao từ cái làng nhỏ thuần nông, lúc nông nhàn, trai tráng tỏa đi muôn nơi tìm thêm việc làm, mong có đồng ra đồng vào cho cuộc sống bớt khó khăn, gần hai chục năm nay, nhiều trai làng lại có cơ hội góp sức xây dựng đảo, bảo vệ quê hương, ổn định cuộc sống gia đình.

Làng Bỉnh Di của Hương là quê hương của trung tá Hoàng Kiền, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Hải quân 83. Năm ấy, ông được cấp trên giao nhiệm vụ xây nhà văn hóa trên đảo Nam Yết cao 2 tầng. Nhận nhiệm vụ, trung tá Hoàng Kiền băn khoăn, anh em chiến sĩ tràn đầy sức trẻ nhưng tay nghề chưa cao, khó có thể xây nhà cao tầng vừa bền, vừa đẹp theo yêu cầu. Cuối cùng, trung tá nghĩ tới những người thợ tài hoa quê mình. Sinh ra, lớn lên từ làng, ông hiểu họ là những người nông dân yêu nước, chăm chỉ, nhiệt tình. Nếu biết đặt niềm tin, động viên, tạo điều kiện cho họ đi xây dựng công trình trên đảo, chắc chắn sẽ thành công. Những trai làng Bỉnh Di đầu tiên vững tâm cùng trung tá Hoàng Kiền lên đường ra đảo. Từ ấy, lớp lớp thanh niên Bỉnh Di tiếp bước nhau đi xây đảo, trong đó có cha con Hương.

Đinh tre Bỉnh Di vững bền trước sóng gió

Tôi gặp anh thợ mộc tài hoa Đỗ Văn Phông, hàng xóm của Hương sang chơi. Nói về Trường Sa, anh Phông có rất nhiều kỷ niệm. Khi anh cùng nhóm thợ mộc ra Trường Sa Lớn làm hệ thống cửa cho nhà văn hóa, lắp tủ, bàn, giường cho khu nhà, ai cũng băn khoăn về những chiếc đinh đóng vào giường, vào tủ. Nếu là đinh thép bình thường, trước khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa, chẳng bao lâu đinh sẽ hoen gỉ, giường, tủ sẽ hỏng. Anh Phông và các thợ giỏi nghĩ ngay tới những chiếc đinh bằng tre dùng đóng đồ gia dụng. Dùng đinh tre sẽ không lo bị nước muối mặn bào mòn, đồ đạc sẽ vững bền trước thiên nhiên khắc nghiệt.

Sáng kiến ấy nhanh chóng được triển khai. Những gốc tre đực cứng như thép ở làng Bỉnh Di cũng như nhiều vùng quê khác được thu gom, chuyển về đội thợ mộc trong bờ chế tác thành các loại đinh tre đủ các kích cỡ, chuyển ra đảo.

Anh Phông khoe: "Mấy hôm trước, xem phim chiếu trên truyền hình, thấy công trình nhà văn hóa trên đảo Trường Sa Lớn vẫn đẹp; bàn, ghế, tủ, giường vẫn như ngày nào, thấy vui quá. Khi quay gần, tôi còn thấy cả chiếc đinh tre mình đóng ở góc bàn".

Ông Lê Văn Biền cất những con ốc biển Trường Sa trong tủ làm kỷ niệm Ảnh: Trung Hiền.

Ra đảo, thèm đĩa rau muống luộc, thèm bát canh cải nấu ngao như ở quê nhà. Không có rau xanh, anh em thợ mộc nghĩ ngay tới việc đóng máng, cho đất vào để trồng rau. Năm ấy, hàng trăm chiếc máng gỗ đã được các nhóm thợ mộc trong bờ đóng gửi ra đảo, kèm theo mỗi máng là một bao đất màu mỡ. Người Bỉnh Di chọn giống hạt rau muống, rau cải tốt nhất gửi cho người thân. Rau xanh bắt đầu nảy mầm trên những chiếc máng gỗ.

Ông Lê Văn Biền, một trong nhóm những thợ mộc đầu tiên xây dựng công trình ở đảo Nam Yết chia sẻ: Ai cũng biết trên đảo rất thiếu nước ngọt và không thể dùng nước mặn để xây dựng công trình. Nhiều ngày làm việc trong nắng gió, mồ hôi ướt đầm, ông ao ước, mình được đằm mình ở con sông đầu làng, hay xối cả xô nước ngọt múc từ cái giếng ở góc vườn. Trên đảo, nước ngọt phải dành cho xây dựng. Ông và anh em nhóm thợ bảo nhau thấm nước cho vừa ướt chiếc khăn, học cách tắm tiết kiệm của mấy anh lính trẻ. Hơn chục năm ông vẫn không quên kiểu tắm ấy. Ông vẫn nhớ, ngày ấy khi ra đảo, tàu lạ rập rình vây quanh. Nhiều lần, đảo báo động chiến đấu. Những người lính trẻ vào vị trí, với tư thế thật vững vàng, ông thêm tin yêu những người lính nơi đầu sóng...

Sau kỳ phép này, Đỗ Văn Hương lại ra đảo Nam Yết tiếp tục thi công những công trình. Làng Bỉnh Di đang có các tổ thợ làm việc trên đảo Nam Yết và Trường Sa Lớn. Đó là Nguyễn Xuân Phong, Lê Văn Nhương, Đỗ Văn Năng, Lương Văn Thao... Những chàng trai trẻ ấy đang làm việc hết mình để các công trình sớm hoàn thiện, kịp đón Xuân mới.

Năm 1991,Trung tá Hoàng Kiền, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Hải quân 83 đã có sáng kiến đưa dân làng mình đi xây dựng đảo. Sau này, ông trở thành Tư lệnh Binh chủng Công binh, và hiện nay là Giám đốc BQL Dự án Đường tuần tra biên giới. Ông vừa trình làng tập thơ "Lửa tri ân" do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Về dân làng Bỉnh Di đi xây đảo, ông có những câu thơ mộc mạc:

Sóng xô phai bạc mái đầu,

Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời.

Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi

Đảo xa in dấu chân người nông dân...

Theo Báo giấy