Trách nhiệm thuộc về ai?

TP - Những ngày qua, hàng trăm thí sinh và phụ huynh tiếp tục đến Trường ĐH Y dược TPHCM để bày tỏ bức xúc trước việc hàng trăm thí sinh tưởng trúng tuyển vào hệ đào tạo ngoài ngân sách.

Chiều 25-8, trường công bố điểm chuẩn NV1 chung cho hệ ngân sách và ngoài ngân sách như sau: y đa khoa 26 điểm, bác sĩ răng hàm mặt 24,5, dược sĩ 25,5, bác sĩ y học cổ truyền 21,5, bác sĩ y học dự phòng 20,5, xét nghiệm 21,5, điều dưỡng 19,5, y tế công cộng 17, vật lý trị liệu 20, kỹ thuật hình ảnh 21, phục hình răng 23, hộ sinh 20 và gây mê hồi sức 21,5. Với mức điểm chuẩn mới này, có đến 615 thí sinh từ đủ điều kiện đỗ vào hệ ngoài ngân sách bỗng thành trượt.

Phụ huynh N.T.L sau khi hay tin nhà trường công bố lại điểm chuẩn đã đón xe đò lặn lội từ Tiền Giang lên tận trường. Chị L. nói: “Không biết nhà trường có biết được cảm giác đau khổ, hụt hẫng của những thí sinh, những người thân có con từ trúng tuyển thành trượt như con tôi và tôi không?”.

Nói về sự cố này, ngày 27-8, TS Lý Văn Xuân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM, cho biết: “Ngày 9-8, Trường công bố điểm chuẩn NV1 hệ ngân sách và cung cấp điểm chuẩn dự kiến hệ ngoài ngân sách cho báo chí bằng hình thức đọc qua điện thoại chứ không công bố điểm chuẩn chính thức bằng văn bản của hệ này.

Tuy nhiên, ngày 11-8, Bộ GD-ĐT có Công văn 5304 về việc hướng dẫn tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng (hệ ngoài ngân sách). Trong đó, Bộ GD-ĐT quy định vùng tuyển cho việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng là chỉ áp dụng cho thí sinh ở vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiếu số”.

Theo TS Xuân, ngày 22-8, ông và hiệu trưởng đích thân gặp Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để xin chấp thuận việc trường lấy điểm chuẩn dự kiến hệ ngoài ngân sách vào ngày 9-8. Mặc dù Bộ chưa đồng ý nhưng Trường ĐH Y Dược TP HCM vẫn giữ tất cả phiếu điểm của thí sinh trúng tuyển NV1 hệ ngoài ngân sách vào trường.

Bằng chứng là, đến tận ngày 24 và 25 – 8, nhiều thí sinh đến Văn phòng Bộ GD-ĐT, Phòng Đào tạo của trường và gọi điện phản ánh tại sao trường chưa gửi giấy báo trúng tuyển. Cuối cùng, khi không được Bộ GD-ĐT đồng ý, nhà trường mới trả phiếu điểm cho thí sinh.

Lúc này, thí sinh mới tá hỏa, biết mình không trúng tuyển vào hệ ngoài ngân sách của trường. Trước việc hơn 600 thí sinh từ đỗ thành trượt, nhà trường cho rằng, trách nhiệm không thuộc về mình.

Theo Báo giấy