Trách nhiệm chính vụ sạt lở ở Thái Nguyên: Không rõ?

TPO - Ông Phạm Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết, trách nhiệm vụ sạt lở "rõ ràng thuộc về chúng tôi nhưng trách nhiệm chính thì tôi không rõ...".

> Điện thoại của nạn nhân bị vùi lấp vẫn đổ chuông
> Đưa chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở

Những nén hương được thắp tại khu vực lở đất. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Không rõ trách nhiệm chính

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên – Trưởng ban chỉ đạo cứu hộ cho biết: "Chúng tôi tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực tìm kiếm những nạn nhân còn bị vùi trong phế liệu và đống đổ nát... Hy vọng sống sót của những nạn nhân là không còn, tuy nhiên có tuyệt vọng thì vẫn phải đào đến cùng".

Ông Phạm Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết, công ty đã nhiều lần đề xuất di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm.

“Việc di dời đã tính nhiều lần nhưng còn vướng nhiều khâu. Người dân không đồng ý phương án đền bù, còn phía chính quyền cũng chưa tính toán và cho phương án rõ ràng”.

Khi được hỏi về trách nhiệm của công ty, ông Quân giải thích: “Tôi đã nói rồi. Bãi phế liệu Phấn Mễ hình thành cách đây 67 năm. Riêng bãi phế liệu số 3 - nơi xảy ra sạt lở - hình thành cách đây 10 năm, nhưng cách đây không lâu chúng tôi không đổ phế thải tại đây nữa. Trách nhiệm thì rõ ràng thuộc về chúng tôi nhưng trách nhiệm chính thì tôi không rõ...".

"Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực hết sức cứu hộ cứu nạn và lo cho những người còn sống đó thôi. Cụ thể trách nhiệm chính thì phải bàn sau chứ giờ không thể quy cho ai”- ông Quân nói.

Máy xúc vẫn hoạt động hết công suất sau khi khu vực tìm kiếm thu hẹp lại. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Dùng máy dò địa bức xạ tìm nạn nhân

Một chiếc máy dò tìm địa bức xạ BXT09 đã được sử dụng để nhanh chóng tìm kiếm các nạn nhân còn bị vùi lấp trong đống đất đá sạt lở ở Thái Nguyên.

Cùng với khoảng chục máy xúc, sáu chó nghiệp vụ, chiều nay (16-4), Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã dùng máy dò tìm địa bức xạ BSTX-09 do ông chế tạo để phục vụ công tác tìm kiếm.

Chiếc máy BSTX09 gồm hộp nhỏ đeo ở thắt lưng và đầu dò khá nhỏ gọn, vừa đi vừa rà xuống mặt đường, đầu máy quay liên tục dùng để xác định vật dị thường.

Theo Tiến sĩ Bằng, việc tìm kiếm nạn nhân ở khu vực bãi thải thuộc mỏ than Phấn Mễ (xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vô cùng khó khăn, vì độ dày của đất đá vùi lấp nhà cửa trên diện tích khu vực rộng sáu ha.

Đến thời điểm 20h ngày 16-4, khu vực tìm kiếm được thu hẹp lại, tuy nhiên, vẫn chưa thấy năm nạn nhân bị vùi lấp.

Thiệt hại 15 tỷ đồng

Theo báo cáo tình hình sạt lở của UBND huyện Đại Từ, diện tích đất đá vùi lấp khoảng bảy ha hoa màu (trong đó có 0,6 ha là đất thổ cư, 6,4 ha là đất nông nghiệp, lâm nghiệp…); Nhà của 10 hộ gia đình bị vùi lấp hoàn toàn; Một người tử vong (bà Vũ Thị Hồng 78 tuổi), một người bị thương là ông Hà Văn Xuân (90 tuổi) - chồng bà Hồng.

Hiện còn năm người đang bị vùi lấp trong đất đá chưa tìm thấy, gồm bà Trần Thị Thiện (52 tuổi); bốn người trong nhà bà Nguyễn Thị Hoàn (49 tuổi, chủ hộ), ông Nguyễn Minh Hà (45 tuổi, em trai bà Hoàn), cháu Nguyễn Văn Quốc (22 tuổi) và cháu Nguyễn Văn Quân (18 tuổi, đều là con trai bà Hoàn).

Ước tính, thiệt hại kinh tế khoảng hơn 15 tỷ đồng, gồm 13 nhà cấp bốn, 10 chiếc xe máy, 11 chiếc ti vi, cùng hoa màu, trâu bò, gia cầm, ao cá, cây ăn quả,…

Các hộ dân có nhà bị vùi lấp hiện đang phải ở tạm tại nhà văn hóa xóm Khuôn 1 hoặc ở nhà người thân.

Chiều cùng ngày, Phóng viên Tiền Phong vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, thăm hỏi ông Hà Văn Xuân (90 tuổi) – người may mắn sống sót thần kỳ trong vụ tai nạn.

Ông Hà Văn Xuân đang phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Theo ông Xuân, khi hai ông bà (cụ bà là Vũ Thị Hồng) đang nằm trên giường ngủ thì đột nhiên nhà cửa rung chuyển, đất đá ầm ầm đổ xuống. Ông Xuân may mắn thoát chết trong gang tấc do hai thành xà nhà che chắn.

“Nhờ có hai thanh xà của ngôi nhà che chắn nên tôi mới thoát chết. Lúc đó, hai chân, và thân người tôi bị đất lèn chặt, không cử động được. Gọi bà nhà tôi mấy lần nhưng không thấy trả lời, tôi đoán bà ấy chết rồi. Nằm đó suốt mấy tiếng đồng hồ, kêu cứu nhiều lần mới có người phát hiện và hô hoán đưa ra khỏi đống đổ nát” - ông Xuân chưa hết bang hoàng, kể lại.

Ông Hà Văn Xuân đang phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ông Hà Văn Xuân đang phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Theo Viết