Trả lại màu sơn cho Nhà hát Lớn

TP - Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Phan Đình Tân trả lời Tiền Phong chiều 24/7 rằng sẽ trả lại màu sơn như cũ cho Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, việc sơn lại công trình đặc biệt này gây nhiều tranh cãi thời gian qua có thể được xem là sự thử nghiệm lãng phí.
Đại diện Bộ VHTTDL khẳng định sẽ trả lại màu sơn cũ cho Nhà hát Lớn. Ảnh: Như Ý.

Những ngày qua, nhiều người giật mình vì màu sơn vàng chói lọi phủ lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngay khi màu sơn này xuất hiện trước mặt tiền nhà hát, GS.KTS Hoàng Đạo Kính thậm chí cho rằng, màu sơn này “phá nát công trình hơn 100 tuổi”. Ông cũng chính là người chủ trì công trình trùng tu Nhà hát Lớn giai đoạn 1994-1997, sau khi tham vấn và nghiên cứu kỹ mới đưa ra màu sơn mang phong cách các công trình kiến trúc Pháp.

Chiều 23/7, lãnh đạo Bộ VHTTDL chủ trì cuộc họp với các bên liên quan về công tác tu bổ, yêu cầu trả lại màu sơn trước đây cho công trình này. Ngày 24/7, đại diện Bộ chính thức lên tiếng, một lần nữa khẳng định “vẫn còn lưu đầy đủ mẫu sơn của đợt trùng tu năm 1997”. Ông Phan Đình Tân nói, dù màu sơn năm 1997 chưa phải giống màu nguyên bản năm 1911, nhưng đây là màu sơn đã được các chuyên gia cân nhắc. Thực tế, ban đầu Nhà hát Lớn được quét vôi ve, không phải được phủ sơn.

Dư luận đặt câu hỏi BQL Nhà hát Lớn sơn bảo trì mà không xin phép Cục Di sản Văn hóa theo Luật Di sản. Phát ngôn với báo giới, quyền Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội khẳng định đã báo cáo Bộ, được chấp thuận bằng văn bản về việc cải tạo sơn tường và một số hạng mục khác. Điều đáng nói là trước khi thử nghiệm màu sơn mới, BQL Nhà hát Lớn không tham vấn các chuyên gia đầu ngành về di sản, kiến trúc như GS.TS Lưu Trần Tiêu, GS.KTS Hoàng Đạo Kính, PGS.TS Đặng Văn Bài…

Đại diện Bộ VHTTDL khẳng định, hướng tới các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, trước sự xuống cấp một số hạng mục, BQL Nhà hát Lớn báo cáo Bộ, xin phép sơn bảo trì nhà hát. Bộ cũng lưu ý BQL phải lựa màu sơn giống với màu sắc sử dụng trong đợt trùng tu năm 1997, bởi đây là màu được các nhà nghiên cứu, kiến trúc cân nhắc và chấp nhận.

Sau khi dư luận phản ứng mạnh mẽ trước màu sơn mới, đại diện BQL lý giải đó mới là màu sơn thử, chưa phải màu cuối cùng. Theo lý luận của đơn vị này, cần phải sơn tổng thể thì mới có thể biết màu sơn đó có hợp hay không. KTS Hồ Thiệu Trị tham gia đợt trùng tu năm 1997 nói rằng, với những công trình văn hóa quan trọng, ghi danh vào danh mục di sản kiến trúc, mọi vấn đề liên quan cải tạo đều phải có quy trình chặt chẽ, hỏi ý kiến và được sự chấp thuận của cơ quan về bảo tồn, cơ quan quản lý di sản.

Lý lẽ của BQL Nhà hát Lớn thiếu thuyết phục giới chuyên gia. Nguyên tắc là sơn lót phải nhạt hơn nước sơn cuối. Thêm nữa, nếu sơn thử nghiệm, không ai đem ra sơn khắp mặt tiền như thế. Dù bây giờ có giải pháp và lời hứa hẹn “trả lại tên cho em”, thì việc xử lý hết lớp sơn cũ, sơn lại màu sơn năm xưa cũng tốn kém, lãng phí trong khi nhiều di sản có nguy cơ sập vì không có tiền tu bổ. Rõ ràng sự thử nghiệm này gây ra sự lãng phí không cần thiết, dù kinh phí này ngoài ngân sách nhà nước có cả phần tự chủ của nhà hát.