Sáng 8/10, HĐND TPHCM khóa IX thực hiện kỳ họp thứ mười (kỳ họp bất thường) để xem xét thông qua tờ trình của UBND thành phố về quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách TP trong năm 2018. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm mong muốn HĐND TP thông qua chủ trương dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) nhằm tạo nên điểm nhấn trong đời sống văn hóa nghệ thuật của TP và thu hút du khách.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết đây là dự án được Đảng bộ thành phố quan tâm, ấp ủ qua nhiều nhiệm kỳ. Là công trình quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố, đồng thời cũng là sự mong mỏi, chờ đợi của nhân dân thành phố.
Ngoài ra, nữ đại biểu này cũng cho rằng nếu muốn khuôn viên xung quanh nhà hát trở thành điểm check-in cho du khách thì đây phải là nơi triển lãm các giá trị nghệ thuật, ngoài việc cần có khuôn viên cây xanh xung quanh hai khán phòng.
Trao đổi tại kỳ họp, nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc vũ kịch (HBSO), cho biết sau thời gian dài hoạt động, hiện nhà hát Thành phố và nhà hát Bến Thành đã xuống cấp nặng nề cũng như không đảm bảo tiêu chuẩn trình diễn nghệ thuật quy mô lớn.
Dự án xây dựng nhà hát tại quận 2 gồm 2 khán phòng, trong đó cái lớn 1.500 chỗ ngồi để phục vụ trình diễn các tác phẩm lớn với kỹ thuật biểu diễn cao gồm có giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch. Còn với khán phòng nhỏ 500 chỗ (tương đương quy mô của Nhà hát Thành phố), ngoài vấn đề biểu diễn còn làm phòng thu.
Ông Trần Vương Thạch cũng cho biết, nhà hát dự định xây dựng tại quận 2 này sẽ còn tận dụng tiền sảnh để làm sân khấu ngoài trời biểu diễn cho số đông khán giả trong công viên cùng theo dõi. Vì lẽ đó, nhà hát này sẽ mang đủ và phù hợp sự phát triển hiện nay của TP.
“Trong tương lai, nhà hát tại quận 2 chắc chắn sẽ là nhà hát đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ cho những nhà hát chuyên nghiệp của TP và cả nước, ủng hộ mọi bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc có một sân khấu đủ chuẩn để phát triển”, NSƯT Trần Vương Thạch nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, cho đây là một công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành hiện đại, xứng tầm một trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước như TPHCM. Dự án được triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm – là khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới của thành phố đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tăng cường hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút du khách đến với thành phố.
Đại biểu Thanh Thúy cũng cho biết nhà hát này được xác định là nhà hát nghệ thuật hàn lân, có thể kết hợp dàn dựng, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác và được đảm bảo các tiêu chí chuyên môn như kiến trúc, văn học, ánh sáng... Khi nhà hát hình thành, ngành văn hóa sẽ có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực để quản trị, vận hành của nhà hát và những yếu tố phụ trợ khác để có giúp cho nhà hát hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM, đề nghị UBND TP lưu ý nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch cần có thiết kế độc đáo, hài hòa với các dự án khác trong khu vực, kết hợp khu quy hoạch công viên cây xanh liền kề để tạo cảnh quan không gian mở và tăng mật độ xây dựng cho nhà hát. Thiết kế các khu chức năng cho nhà hát phải đảm bảo công năng và sử dụng hiệu quả, đạt tiêu chuẩn quốc tế, mang tính biểu tượng, tạo điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật thành phố, xứng tầm khu vực, góp phần nâng cao chất lượng biểu diễn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của người dân và tạo điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội nói công trình xây dựng nhà hát mới là sự mong mỏi của Đảng bộ, là sự trông đợi của cử tri TP. Trong giai đoạn TP đang có sự chuyển động mạnh mẽ, công trình sẽ là điểm nhấn góp phần đánh dấu điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ông Khuê cũng đồng tình với những băn khoăn, lo lắng của một số đại biểu về tính kỹ thuật của dự án nhà hát.
Ông Khuê đề nghị, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Sở TN-MT có thể tham mưu, xem xét quy hoạch, định hướng phát triển cần có công trình thứ hai là Nhà hát cải lương. Bởi theo ông Khuê, tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam bộ, bộ môn này rất phát triển. Nhưng cũng cần rút kinh nghiệm từ những hạn chế của Nhà hát Trần Hữu Trang thời gian qua. Đây được xem là sự gửi gắm, mong chờ của nghệ sỹ về nghệ thuật cải lương.
“Tôi nghĩ rằng HĐND TP quyết nghị thông qua dự án này, nghệ sỹ đông đảo của trong bộ môn ca vũ kịch sẽ rất nức lòng”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.