Chiều muộn 28/8, tại nhiều nhà sách như Cây Gõ (quận 6), nhà sách Minh Khai (quận 1), nhà sách Phương Nam (quận 11)…, khá đông phụ huynh đưa con em đến mua cặp sách, đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025.
Lựa chọn một giỏ đầy giấy bao sách vở, viết, thước, hộp bút và một chiếc ba lô mới cho con gái chuẩn bị vào lớp 7, chị Thu Hương (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, các sản phẩm chọn mua đều là hàng trong nước sản xuất, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng.
Sản phẩm được niêm yết giá cụ thể giúp khách hàng dễ so sánh khi chọn mua hàng cùng phân khúc. Bên cạnh đó, hầu hết đồ dùng học tập đều được giảm giá từ 10 - 20%.
“Năm nay, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy giá bán đồ dùng học tập luôn là điều tôi lo lắng khi các con chuẩn bị nhập học. Tuy nhiên giá cả năm nay vẫn ổn định, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình giúp tôi có thể yên tâm mua sắm” - chị Hương nói.
Khu chuyên kinh doanh văn phòng phẩm, đồ dùng học tập trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) là điểm đến quen thuộc của rất nhiều phụ huynh ở TPHCM. Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cửa hàng Vân, cho hay, lượng khách trong một tuần trở lại đây tăng 30 - 40% so với ngày thường.
Theo bà Vân, những năm gần đây, người tiêu dùng chọn mua đồ dùng học tập sản xuất trong nước nhiều hơn. Các sản phẩm đã được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, có giá bán phù hợp hơn so với đồ ngoại nhập.
Kênh mua sắm đồ dùng học tập tại hệ thống siêu thị cũng thu hút người tiêu dùng. BigC, Co.opmart, Satra, Emart… đều triển khai các chương trình giảm giá mạnh tới 50% với hàng ngàn mặt hàng. GO!, Big C khuyến mãi các loại tập vở, hộp bút, gôm hình, sáp màu…; đặc biệt những mẫu ba lô, đồng phục, sandal có mức giảm giá lên đến 50%.
Hệ thống Saigon Co.op tung chương trình khuyến mãi tới 50% với hơn 1.000 sản phẩm dụng cụ học tập, đồng phục, ba lô, phụ kiện…
Trước thềm khai giảng năm học mới 2024-2025, TPHCM đã xếp đồ dùng học sinh như tập vở, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh, giày dép học sinh… trong 12 nhóm hàng thuộc Chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Vì vậy, những mặt hàng này luôn được bình ổn, giá bán thấp hơn so với thị trường từ 5 - 10%.
Mới đây, TPHCM triển khai 15 điểm bán hàng lưu động - hàng bình ổn thị trường, trong đó có đồ dùng học sinh. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, thông qua Chương trình bình ổn này, người dân được tiếp cận những mặt hàng thiết yếu, giá cả ổn định.
Tận dụng tối đa đồ cũ
Để giảm gánh nặng kinh tế trước thềm năm học mới, chị Thu Hiền (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) quyết định không mua thêm ba lô cho con mà tận dụng đồ còn dùng được trong năm học trước. Với quần áo đồng phục, chị cũng chỉ sắm thêm một bộ cho con vì đồ năm trước vẫn còn dùng tốt. Với các dụng cụ học tập như bút màu, thước kẻ, kéo…, chị cũng kiểm tra lại hết một lượt, món đồ nào thực sự cần thiết mới quyết định chi tiền mua.
“Giảm được chút nào hay chút đó vì còn nhiều khoản phải lo. Tôi cũng hướng dẫn con cách sử dụng sách vở, dụng cụ học tập hiệu quả, tránh lãng phí” - chị Hiền bày tỏ.
Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6), nhìn nhận, vào đầu năm học mới, phụ huynh phải chi rất nhiều khoản tiền cho con em. Để giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí, nhà trường lựa chọn đồng phục áo màu trắng trơn, không họa tiết, không logo để phụ huynh có thể mua ở bất kỳ nơi nào hoặc có thể tận dụng từ những năm học trước.
Phòng chống lạm thu
Ông Cường cho biết, để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tặng hơn 100 đồng phục, 17 bộ sách giáo khoa và lập danh sách tặng bảo hiểm y tế trong năm học mới.
“Nhà trường cũng không bán ba lô, bao vở, nhãn vở và không quy định phải bao bìa, dán nhãn để phụ huynh đỡ tốn một khoản phí. Sách giáo khoa cũng được bán tại thư viện với giá bình ổn, không bán kèm sách bài tập và sách tham khảo. Nhà trường sẽ không thu bất cứ khoản quỹ nào ngoài danh mục mà UBND quận 6 và Phòng Giáo dục ban hành” - ông Cường nói.
Thời điểm này, nhiều địa phương tại TPHCM đã sớm chấn chỉnh công tác thu, chi của trường học trên địa bàn, nhằm tránh tình trạng lạm thu. Ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, yêu cầu hiệu trưởng các trường trong thời gian chờ hướng dẫn về các khoản thu đầu năm của Sở GD&ĐT TPHCM và UBND quận, tuyệt đối không tổ chức thu bất kỳ khoản thu nào (kể cả tạm ứng), không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.