TPHCM lại đóng cửa chợ Bình Thới

TPO - Mới mở cửa trở lại từ ngày 9/7, nhưng hôm nay chợ Bình Thới (quận 11, TPHCM) đã phải đóng cửa do phát hiện có ca mắc COVID-19
Chợ Bình Thới (Q.11) check mã QR cho khách trước khi vào chợ (ảnh chụp ngày 21/7, trước thời điểm chợ tạm ngưng hoạt động)

Thông tin từ Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, từ 12 giờ ngày 23/7 chợ tạm đóng cửa để ngày 24/7 tổ chức xét nghiệm tầm soát cho toàn thể nhân viên ban quản lý, thương nhân các ngành hàng thiết yếu đang kinh doanh. Sau đó, chợ tiếp tục thông báo tạm đóng cửa kể từ 0 giờ ngày 25/7 tiến hành khử khuẩn và điều tra dịch tễ.

Các địa phương TP Thủ Đức, Quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn.

Người dân mua sắm tại chợ Bình Thới ngày 21/7

Chiều ngày 24/7, Sở Công thương TPHCM cho biết, tính đến cuối ngày 24/7, trên địa bàn Thành phố có 32/237 chợ hoạt động. Trong ngày, có thêm chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hoạt động trở lại với 5 tiểu thương. Đơn vị quản lý chợ kẻ vạch tại bãi giữ xe và sân chợ để bố trí cho thương nhân. Thêm một chợ phải đóng cửa vì có ca nhiễm mới là chợ Bình Thới (quận 11).

Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Phú Thọ , chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương , chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (ngày 19-7-2021), chợ Hưng Long, chợ Hóc Môn…

Cũng theo Sở Công thương TP, đơn vị này đang nghiên cứu, áp dụng phương án chia tần suất đi chợ của người dân để kiểm soát số lượng, khống chế khách ra vào chợ để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Công Thương sẽ chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “thẻ đi chợ”, phân bổ số người đến theo khung giờ, bảo đảm khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kiểm tra một số chợ đang hoạt động tại TPHCM

“Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày. Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp” – Sở Công thương TP cho biết.

Trường hợp chợ truyền thống khi đánh giá có nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao thì cần rà soát khắc phục để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chợ truyền thống không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, Sở Công thương TP đề nghị các đơn vị quản lý 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền tổ chức các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời theo phương án được phê duyệt. Theo đó, tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính đối với người ra vào, thời gian triển khai và ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động.