TPHCM hồi sinh đề án “lệch giờ, lệch ca”

TP - Đồng tình với giải pháp “lệch giờ, lệch ca” để giảm kẹt xe ở TPHCM song đa số người dân và một số chuyên gia đề nghị cần phải khảo sát, sắp xếp giờ học, giờ làm một cách khoa học, hợp lý để tránh gây xáo trộn quá lớn đến đời sống, sinh hoạt.
TPHCM quyết định hồi sinh đề án “lệch giờ, lệch ca” để giải quyết tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng.

Tổ chức xe đưa đón học sinh, hạn chế xe cá nhân

Đề án bố trí học lệch giờ, làm việc lệch ca đã được Sở GTVT nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, UBND TPHCM đưa “lệch giờ, lệch ca” vào kế hoạch cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố bắt đầu làm từ 7 giờ 30 hoặc 8 giờ, kết thúc 16 giờ, 16 giờ 30 hoặc 17 giờ.     

Sau khi đề án không được HĐND TPHCM thông qua, UBND TPHCM quyết định thí điểm bố trí lại giờ học tại các trường học. Cụ thể, học sinh bậc trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS) giờ vào học là 7 giờ, bậc tiểu học là 7 giờ 30 phút và bậc mầm non từ 7 giờ 30 đến 8 giờ, ra về lúc 16 giờ, sớm hơn các khối khác.

Trong cùng một trường thì bậc tiểu học khối 1, 2, 3 ra trước; khối lớp 4, 5 ra sau. Tương tự ở các bậc học khác cũng lệch giờ vào học, ra về giữa các khối. TPHCM cũng linh động cho phép hiệu trưởng các trường tùy tình hình thực tế được quyền bố trí lệch giờ vào lớp và tan học đối với các khối lớp để tránh kẹt xe tại cổng trường.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số trường nằm trên cùng tuyến đường hoặc trong khu vực có bán kính nhỏ thường xảy ra kẹt xe, TPHCM cũng đã cho học sinh các trường trên vào học và ra về lệch giờ. Giải pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tình trạng kẹt xe khu vực trước cổng trường giảm rõ rệt. Tuy nhiên, để chống kẹt xe không thể trông chờ vào mỗi việc bố trí lệch giờ học. Giải pháp hữu hiệu hơn cần làm ngay là tổ chức xe đưa rước học sinh, giảm xe cá nhân đến các cổng trường.

Cùng với việc thí điểm tại các trường, UBND TPHCM cũng yêu cầu điều chỉnh giờ làm tại một số khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX, KCN) và các doanh nghiệp đông công nhân nhưng việc thực hiện không dễ. Theo Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM Nguyễn Thành Đô, công nhân các KCX-KCN vào ca lúc 6-7 giờ nên đi làm từ lúc 5-6 giờ và tan ca lúc 17-18-19 giờ (hoặc trễ hơn nếu có tăng ca). Công nhân vào ca sớm, tan ca trễ, hơn 70% lao động là người ngoại tỉnh, chọn thuê nhà trọ gần nơi làm việc nên không phải là đối tượng gây kẹt xe. Các KCN nằm ở vùng ven cũng không có tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.

Chỉ là phần ngọn…

Nhà ở đường Phan Văn Trị (phường 1, quận Gò Vấp) nhưng 2 con theo học ở quận 1, hàng ngày vợ chồng chị Hồng thay phiên đón con lúc 16 giờ rồi về nhà ngoại ở quận 1 tắm rửa, ăn uống, dạy con học. Đến khoảng 21 giờ mới có thể về được nhà.

“Khu vực tôi ở kẹt xe khủng khiếp. Tôi ủng hộ phương án bố trí lệch giờ, lệch ca nhưng phải tính toán hợp lý thời gian làm việc của bố mẹ và con cái vì hiện nay, hầu hết phụ huynh đều sắp xếp để sáng đưa con đi học mới đến chỗ làm, chiều đón con rồi về nhà luôn”, chị Hồng đề xuất.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng việc bố trí lệch ca, lệch giờ chỉ nên thực hiện đối với học sinh THPT và sinh viên các trường đại học có thể tự túc việc đi lại. Các cấp học mầm non, tiểu học, THCS không nên thực hiện vì học sinh phải có người đưa, rước.

Ngoài ra, người lao động trong xí nghiệp hầu hết đều ở khu vực ngoại thành, thường ít xảy ra kẹt xe nên cần phải xem xét lại có nên hay không bố trí chuyện lệch ca. Bộ phận làm việc giờ hành chính, là cán bộ, công chức cần phải bố trí hợp lý để họ đón con giờ tan sở đối với những người cần phải đưa đón con. Với những người không phải đưa đón con có thể bố trí cho họ về trước, hoặc sau giờ tan sở. Có thể bố trí lệch giờ, lệch ca bằng cách cho làm việc ngày 6 - 7 giờ nhưng làm cả ngày thứ 7, Chủ nhật, hoặc cũng có thể cho làm ngày 8 giờ nhưng giờ bắt đầu và kết thúc sẽ muộn hơn so với quy định như một số nước trên thế giới áp dụng thành công.

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), TPHCM nên tiến hành kiểm tra, khảo sát kỹ trước khi thực hiện, tránh gây xáo trộn cuộc sống, công việc của người dân. Đề án phải có phương án khả thi và phải thí điểm cụ thể một vài nhóm đối tượng trước như học sinh, sinh viên, công nhân, để xem xét hiệu quả; trước khi triển khai đại trà phải lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, cơ quan chức năng liên quan.

“Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công đề án học lệch giờ, làm lệch ca. Họ làm rất tốt và góp phần giải quyết được tình trạng kẹt xe. Tôi cho rằng, chủ trương tái đề xuất nghiên cứu làm lệch ca, học lệch giờ là rất đúng đắn. Nếu đề án đưa vào thực hiện, việc giảm ùn tắc giao thông sẽ được kéo giảm nhưng đó mới chỉ là phần ngọn, cái chính là cơ quan chức năng phải giải quyết được vấn đề quy hoạch giao thông”, TS Phạm Sanh nói.

“Việc bố trí lệch giờ học, giờ về giữa các khối lớp hay các trường nằm gần nhau chỉ có thể giảm áp lực ùn tắc cục bộ trước cổng trường chứ không giảm áp lực kẹt xe trên tuyến”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM