Bên cạnh các giải pháp “hứa hẹn” lâu nay như cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kế hoạch lần này chú trọng việc bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể là vấn đề tiếp cận vốn. Chính quyền thành phố quyết định bố trí gói đầu tư 1 nghìn tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Ngoài ra, bố trí thêm gói 2 nghìn tỷ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM - cho biết, thành phố sẽ sớm lập trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp, trực thuộc Sở Công Thương, để tư vấn, điều phối các nguồn lực nói trên.
“Kế hoạch này là kế hoạch hành động, không phải kế hoạch trên giấy. Lãnh đạo thành phố hết sức quyết tâm thực hiện kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động vững mạnh và khu vực tư nhân sẽ đóng góp 65% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội”, ông Hoan phát biểu.