Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế gồm cả Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước một số ý kiến băn khoăn, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi Tổng Thư ký được bầu thì đương nhiên sẽ là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nên không vướng mắc gì cả.
Tiếp thu ý kiến, các chủ thể này sẽ được bổ sung vào dự thảo Luật.
Đáng lưu ý theo ông Giàu, nhiều ý kiến còn đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đặc biệt ở các huyện, xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới…
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao, từ năm 2007 đến tháng 6/2020, có 874 văn bản hợp tác cấp huyện được ký kết. Trong đó có 282 văn bản ký với Trung Quốc, 186 văn bản ký với Lào, 109 văn bản ký với Hàn Quốc, 78 văn bản ký với Hoa Kỳ… Các tỉnh ký kết nhiều văn bản gồm Cao Bằng (159 văn bản), Quảng Nam (107 văn bản), Sơn La (90 văn bản), Lạng Sơn (55 văn bản), Lào Cai (50 văn bản), Điện Biên (46 văn bản).
Từ thực tiễn, nhu cầu ký kết, cơ quan thẩm tra dự kiến tiếp thu theo hướng mở rộng đến chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế là UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.
Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị không nên thu hẹp chủ thể mà nên thực hiện như trước nay đang làm. Tuy nhiên, bà Thịnh còn băn khoăn, trong trường hợp nội dung ký kết không đạt, thì cấp trên có quyền đình chỉ không? Theo bà Thịnh, khi đã mở rộng phạm vi đến cấp xã, thì cơ quan cấp trên phải có quyền đình chỉ thỏa thuận. Ngoài ra, việc tranh chấp khiếu nại tố cáo cũng nên quy định chặt chẽ hơn, để khi có phát sinh có thể xử lý được.
Từ kinh nghiệm thực tế, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu mở rộng chủ thể được ký kết, đặc biệt ở khu vực biên giới. Bởi nếu bỏ đi thì lợi ít, bất lợi nhiều, trước nay vẫn thực hiện và chỉ có lợi ích cho hai bên, không phát sinh bất cập gì cả.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đối với UBND cấp xã dọc biên giới cần được cởi mở hơn, còn các địa phương khác, vùng khác cũng phải tính.
Có một số ý kiến đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, về vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.