Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết, các thành viên NATO nên chi 5% GDP cho quốc phòng, mức mà các nhà phân tích cho rằng sẽ không thể thực hiện được về mặt chính trị và kinh tế đối với hầu hết 32 thành viên của liên minh.
NATO ước tính, 23 thành viên của khối này đã đạt được mục tiêu hiện tại là chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024.
"Nhưng 2% là không đủ. Chúng ta hiện đang an toàn, nhưng không phải trong 4 - 5 năm nữa. Vì vậy, hãy quyết định chi tiêu nhiều hơn ngay bây giờ", ông Rutte nói tại phiên họp của Ủy ban Nghị viện châu Âu tại Brussels.
Các mục tiêu quân sự mới đặt ra trong quá trình lập kế hoạch nội bộ của NATO cho thấy liên minh sẽ cần "trên 3%", theo ông Rutte.
Tổng thư ký NATO từng nhiều lần kêu gọi tăng ngân sách quân sự. Tháng trước, ông đề xuất rằng các nước EU phải cắt giảm một số dịch vụ xã hội để chi tiền cho quốc phòng, và đã nhắc lại lời kêu gọi đó vào hôm qua.
Ngành công nghiệp quân sự Tây Âu đã tăng cường sản xuất để viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, ông Rutte cho biết.
"Chúng ta chưa đạt đến mức cần thiết. Ngành công nghiệp của chúng ta vẫn còn quá nhỏ, quá phân mảnh và - thành thật mà nói - quá chậm".
Mỹ hiện đảm nhiệm 60% chi tiêu quân sự của NATO. Nếu không có Washington, các thành viên NATO châu Âu sẽ cần tăng chi tiêu lên tới 10% GDP của họ, điều này hoàn toàn không thực tế, theo ông Rutte.
Ông chỉ ra rằng toàn bộ NATO phải mất một năm để sản xuất được số lượng vũ khí và đạn dược mà Nga có thể sản xuất chỉ trong ba tháng. Theo ông Rutte, Mátxcơva làm việc này dễ dàng hơn vì "họ không có bộ máy quan liêu như chúng ta".
Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang chi 6,3% GDP cho quốc phòng và yêu cầu quân đội sử dụng số tiền này một cách có trách nhiệm.